vĐồng tin tức tài chính 365

Thị trường chứng khoán: Giao dịch giảm, nhà đầu tư thận trọng

2022-04-15 11:10

"Bốc hơi" 11,5 tỷ USD sau 3 phiên giao dịch

Nếu tính đến ngày 12-4, VN-Index có chuỗi ngày giảm điểm liên tiếp 67 điểm chỉ trong 3 phiên giao dịch gần nhất. Đây là mức giảm nhanh và gây sốc với giới đầu tư trên thị trường, trong đó lượng cổ phiếu giảm điểm chiếm đa số. Về vốn hóa, HOSE đã bị "bốc hơi" 265.700 tỷ đồng sau 3 phiên giao dịch, tương ứng 11,5 tỷ USD. Đây là cú sốc với giới đầu tư, đặc biệt với giới đầu tư ngắn hạn đều tạm thời thua lỗ.

Đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 62.809 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cuối năm 2020. Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với lượng trái phiếu nắm giữ gần 43.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 27.782 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với 18.577 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng cũng đang sở hữu trên 10.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank).

Tiếp theo, ngày 13-4, nhóm cổ phiếu liên quan đến FLC Group tiếp tục chuỗi ngày bị bán tháo khi nhiều lãnh đạo thuộc tập đoàn này bị bắt tạm giam. Tính đến gần hết phiên giao dịch ngày 13-4, cổ phiếu FLC bốc hơi 42% giá trị và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đến 10 giờ 30, cổ phiếu FLC khớp lệnh gần 3,7 triệu cổ phiếu ở mức giá sàn 8.410 đồng và vẫn còn chất bán gần 18,2 triệu đơn vị khác. Cổ phiếu ROS của FLC Faros bị bán tháo tại mức giá thấp nhất 4.910 đồng với tổng khối lượng khớp lệnh gần 3,8 triệu đơn vị, đồng thời còn hơn 11,7 triệu cổ phiếu khác đang tranh bán. Hệ sinh thái FLC như ROS, ART, KLF, AMD, HAI giảm ào ạt. Nhóm cổ phiếu FLC, HAI và ROS vừa bị HOSE cắt margin (không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ).

Như vậy, kể từ khi Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam, cổ phiếu FLC đã có chuỗi 11 phiên giảm trong 12 phiên gần nhất (trong đó có 7 phiên giảm sàn). Thị giá đã "bốc hơi" 42,4% trong thời gian vừa qua. Trong phiên giao dịch ngày 13-4, không chỉ "số phận" của các mã thuộc họ FCL nhiễm sắc đỏ, mà sắc đỏ của FLC còn phủ bóng xuống thị trường chung khi toàn sàn chứng khoán ngày 13-4 có đến 636 mã giảm giá, chỉ có 288 mã tăng giá. May mắn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang giữ nhịp cho thị trường chung, bất chấp các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và đầu cơ lao dốc.

Thị trường trái phiếu là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp nhưng phải minh bạch và đúng luật.

Danh mục cổ phiếu đầu cơ và bất động sản vẫn trong chuỗi giảm điểm liên tục trong những ngày qua vì thông tin tiêu cực từ vụ việc FLC Group và Tân Hoàng Minh.

Đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân lớn nhất của đợt giảm điểm sốc của VN-Index là những hoạt động bất minh của ông Trịnh Văn Quyết, chỉ vì những "lợi nhuận xấu" trước mắt khi ra tay "thao túng giá chứng khoán" và làm chao đảo thị trường chứng khoán hơn 10 ngày qua và sẽ còn bị ảnh hưởng sâu sắc hơn trong thời gian tới.

Với vụ Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và dàn lãnh đạo liên quan bị bắt mới đây, lại có tác động lớn tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Kênh trái phiếu doanh nghiệp ngay lập tức vị "dòm ngó”. Không chỉ các tập đoàn bất động sản, Tập đoàn Hoa Sen cũng bị ảnh hưởng, khi chiều ngày 8-4, trên các diễn đàn chứng khoán, các nhóm mạng xã hội đã lan truyền một nguồn tin không rõ nguồn gốc, cho biết có hoạt động thanh tra chuyên đề về phát hành trái phiếu, pháp luật về kế toán, thuế, chứng khoán của một số doanh nghiệp ngoài nhà nước đang niêm yết, trong đó có Tập đoàn Hoa Sen, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc và Tổng công ty thiết bị điện Việt Nam.

Thông tin này gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư khiến nhiều cổ phiếu bị bán tháo, trong đó, cổ phiếu HSG của Hoa Sen cũng bị bán mạnh về giá sàn 32.850 đồng với thanh khoản đột biến. Với thông tin này, buộc Tập đoàn Hoa Sen phải có văn bản giải trình và khẳng định tập đoàn đã không thực hiện việc phát hành trái phiếu.

Nhóm cổ phiếu FLC tiếp tục giảm sàn hôm 13-4

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, một nửa các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là không có tài sản đảm bảo (trong đó trái phiếu do các tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán phát hành chiếm 76%). Theo Bộ Tài chính, loại trái phiếu doanh nghiệp này "có dấu hiệu tăng nhanh và nóng", tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế.

Cũng theo Bộ Tài chính, trong 300 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, chỉ khoảng 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo, chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án. Bộ Tài chính đánh giá, chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường.

Điển hình như Tân Hoàng Minh, trong 9 đợt chào bán trái phiếu với quy mô 10.000 tỷ đồng của 3 công ty thuộc tập đoàn này bị hủy, có 6/9 đợt có thông tin về tài sản đảm bảo nhưng tài sản khó định giá, như lô trái phiếu 1.900 tỷ đồng của Công ty Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt (Vietstar) được bảo đảm bằng tài sản phát sinh từ hợp đồng đặt cọc hợp tác kinh doanh của công ty này tại dự án "Đầu tư xây dựng dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt" và quyền sở hữu 12,5% vốn góp tại Vietstar.

Đợt chào bán gần 200 tỷ đồng của Công ty Cung Điện Mùa Đông được bảo đảm bằng 10 triệu cổ phần của chính công ty này thuộc sở hữu của bà Vũ Mỹ Linh và bảo lãnh thanh toán bởi Tập đoàn Tân Hoàng Minh. 4 lô trái phiếu với tổng quy mô hơn 2.000 tỷ đồng được bảo đảm bằng các cấu phần của dự án Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải Phú Quốc...

Chiều 13-4, nhiều nhà đầu tư đã tới trụ sở Tập đoàn Tân Hoàng Minh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đề nghị trả lại toàn bộ tiền cho các nhà đầu tư đã mua trái phiếu, đồng thời cập nhật việc giải quyết các thủ tục để trả lại tiền mua trái phiếu (gốc và lãi) cho các nhà đầu tư trên trang chủ (website) của tập đoàn.

Thị trường trái phiếu cần minh bạch

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã giao Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC), Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam giám sát, đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư. Với SSC, Bộ Tài chính yêu cầu đơn vị này thanh tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

SSC cũng đã xử phạt Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup và Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group do chào bán trái phiếu doanh nghiệp thông qua phương tiện thông tin đại chúng cho đối tượng nhà đầu tư không xác định nhưng không đăng ký với SSC theo quy định. Doanh nghiệp này cũng buộc phải thu hồi toàn bộ trái phiếu đã phát hành.

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 diễn ra hôm 4-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Bộ Công an vào cuộc chủ động, mạnh mẽ và yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong phát hành trái phiếu, chứng khoán, bất động sản; đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, phát hiện các vi phạm và vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung.

Bộ Chính trị cũng vừa ban hành Kết luận số 12 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo Bộ Tài chính, các doanh nghiệp phát hành với quy mô lớn so với vốn tự có, phát hành không có tài sản đảm bảo và phát hành nhiều đợt cũng nằm trong diện cần được kiểm tra. Trên thị trường vẫn có trường hợp doanh nghiệp phát hành với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, tình trạng tài chính xấu. Đặc biệt với nhóm bất động sản, trong số hơn 100 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ có 26 doanh nghiệp báo lỗ trong nửa đầu năm 2021.

11 tháng đầu năm 2021, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt trên 495.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%, còn lại là trái phiếu phát hành ra công chúng. Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản là các nhà phát hành lớn nhất trên thị trường chiếm lần lượt 34% và gần 28% tổng khối lượng phát hành. Để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu SSC đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, khẩn trưởng xử lý nghiêm và báo cáo kết quả kiểm tra để xử lý. Trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Xuân Nhân

Xem thêm: lmth.947921_gnort-naht-ut-uad-ahn-maig-hcid-oaig/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

“Thị trường chứng khoán: Giao dịch giảm, nhà đầu tư thận trọng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools