Ông Nguyễn Quốc Đạt nhiều năm theo đuổi vụ kiện - Ảnh: TUYẾT MAI
Vụ án từng được báo Tuổi Trẻ phản ánh trong bài 'Hồ sơ 'bốc hơi', doanh nghiệp chịu trận?'.
Tranh cãi 4 năm chưa có hồi kết
Theo nội dung vụ án, Công ty Đông Nam được thành lập cuối năm 2012, do ông Nguyễn Quốc Đạt đại diện theo pháp luật, đăng ký kinh doanh 14 ngành nghề, trong đó có mua bán thuốc thú y, thú y thủy sản...
Sau khi thành lập, công ty gửi hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT đăng ký lưu hành sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản.
Đầu năm 2013, công ty này nhận được công văn số 329 về việc xác nhận các sản phẩm đáp ứng yêu cầu, bổ sung vào danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam của Tổng cục Thủy sản, kèm theo phụ lục các sản phẩm được phép tiến hành sản xuất, kinh doanh.
Phụ lục trên gồm 17 trang được đóng dấu của Tổng cục Thủy sản trên từng trang và có chữ ký của phó tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền, đồng gửi đến các công ty, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Vụ Nuôi trồng thủy sản, trung tâm thông tin thủy sản, sở NN&PTNT các tỉnh trực thuộc trung ương...
Dựa trên công văn nêu trên, Công ty Đông Nam sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm trong phụ lục này. Tuy nhiên, ngày 11-1-2018, Phòng cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Tiền Giang tiến hành kiểm tra tại kho Công ty Đông Nam và lập biên bản tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứng chỉ hành nghề thú y của ông Đạt, sản phẩm và dụng cụ sản xuất.
Ngày 9-3-2018, giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang ra quyết định số 27 xử phạt vi phạm hành chính Công ty Đông Nam 57 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của ông Đạt 2 tháng; thu hồi, tiêu hủy 20 bao Bio Carbon và 20 gói Bronota. Không đồng ý, ông Đạt khởi kiện giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang và Phòng cảnh sát kinh tế ra tòa.
Năm 2019, TAND tỉnh Tiền Giang mở phiên tòa nhưng sau đó phải hoãn để triệu tập thêm các đơn vị, cá nhân liên quan nhằm làm sáng tỏ vụ án. Sau gần 3 năm, vụ án được xét xử lại.
Tại phiên tòa hôm nay, ông Đạt yêu cầu tòa tuyên hủy quyết định 27 của Công an tỉnh Tiền Giang; buộc đơn vị này trả lại các sản phẩm đã tạm giữ và xin lỗi, cải chính công khai trên 3 số báo.
Trái lại, đại diện Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Tiền Giang không đồng ý với yêu cầu của ông Đạt, cho rằng quyết định 27 của Công an tỉnh Tiền Giang là đúng pháp luật, các sản phẩm mà công an thu giữ được xác định là tang vật vi phạm hành chính nên buộc phải tịch thu, tiêu hủy.
Vị này cũng cho rằng do các quyết định này là đúng pháp luật nên không xin lỗi, cải chính thông tin.
Con dấu thật… nhưng vẫn khó xác định
Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang nhiều lần xác minh nguồn gốc công văn 329 mà Tổng cục Thủy sản gửi cho ông Đạt. Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản lại trả lời không lưu trữ công văn 329, không có hồ sơ đăng ký lưu hành sản phẩm của Công ty Đông Nam, không có hồ sơ tài liệu liên quan đến quy trình xử lý văn bản đến của Công ty Đông Nam.
Năm 2018, Công an tỉnh Tiền Giang trưng cầu giám định công văn 329 tại Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Tiền Giang. Theo đó, so sánh mẫu dấu đóng trên công văn 329 và những công văn khác của Tổng cục Thủy sản, cơ quan giám định kết luận các mẫu dấu trên được đóng từ cùng một con dấu.
Phía Công ty Đông Nam cũng đem công văn 329 đi sao y tại nhiều tổ chức, cơ quan trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, TP.HCM... Kết quả, các cơ quan, tổ chức này vẫn sao y văn bản này.
HĐXX thông tin thêm vào năm 2018, Bộ Công an đã khởi tố nhiều cán bộ của Tổng cục Thủy sản về tội giả mạo trong công tác khi lấy số, đóng dấu phát hành các văn bản giả mạo của tổng cục để đưa thêm sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản vào danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam trái quy định.
Tại tòa, đại diện Phòng cảnh sát kinh tế cho biết đến nay chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền kết luận Công ty Đông Nam là 'nạn nhân' của vụ án giả mạo công tác tại Tổng cục Thủy sản. Nếu có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc Công ty Đông Nam là 'nạn nhân' thì Công an tỉnh Tiền Giang sẽ xem xét rút quyết định xử phạt.
Luật sư Trương Nguyễn Công Nhân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Đông Nam, cho rằng công văn số 329 của Tổng cục Thủy sản là văn bản hành chính còn hiệu lực pháp luật.
Việc Công an tỉnh Tiền Giang chỉ dựa vào kết quả xác minh từ Tổng cục Thủy sản cho rằng công văn số 329 không lưu trữ tại tổng cục để cho rằng Công ty Đông Nam sản xuất sản phẩm nằm ngoài danh mục sản phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam là trái với quy định.
Việc không lưu trữ hồ sơ tại văn phòng là trách nhiệm của người đứng đầu Tổng cục Thủy sản, không ảnh hưởng đến hiệu lực văn bản do chính cơ quan này ban hành.
Cho đến nay, không có bất kỳ văn bản nào khẳng định công văn số 329 hết hiệu lực. Mặt khác, cũng không có quy định pháp luật nào quy định văn bản hành chính do cơ quan nhà nước ban hành sẽ hết hiệu lực khi hồ sơ lưu bị thất lạc.
Cần làm rõ pháp lý của công văn 329
Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện Viện KSND tỉnh Tiền Giang cho rằng kết luận giám định kết luận công văn 329 và một số công văn của Tổng cục Thủy sản được đóng ra từ cùng một con dấu. Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản lại trả lời không lưu trữ công văn 329.
Do đó, đối với công văn 329 cần phải được làm rõ xem có dấu hiệu của tội giả mạo trong công tác hay không và xem xét chuyển cho cơ quan có thẩm quyền điều tra, làm rõ tính pháp lý của công văn 329.
Do vụ án phức tạp nên HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào lúc 13h30 ngày 21-4.
TTO - Năm 2012, Công ty TNHH thiết bị nuôi trồng thủy sản Đông Nam sản xuất, kinh doanh sản phẩm theo danh mục công văn Tổng cục Thủy sản cho phép. 5 năm sau, Tổng cục Thủy sản lại cho rằng chưa từng ban hành công văn này.