Nợ xấu hay nợ khó đòi là các khoản nợ dưới chuẩn, có thể quá hạn và bị nghi ngờ về khả năng trả nợ. Ngân hàng nào càng nhiều nợ xấu sẽ càng ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính của mình.
Trong 5 năm qua, kể từ khi có Nghị quyết 42 toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu, giúp cho tổng nợ xấu đã giảm hơn 17%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, tức nợ xấu được hạch toán trong các báo cáo tài chính của hệ thống ngân hàng đã giảm từ mức 2,51% xuống còn 1,49% vào cuối năm 2021.
Những con số trên toàn hệ thống là như vậy, còn đối với từng doanh nghiệp, từng ngân hàng là sự thiết thực hơn nhiều. Có những dự án chung cư, chuyển đổi thành bệnh viện quốc tế nhưng do kinh doanh thua lỗ nên trở thành nợ xấu. Sau gần 3 năm đắp chiếu, dự án đã được một chủ đầu tư mua lại, được rót vốn và đang dần hồi sinh trở lại.
Một khoản nợ xấu có giá hơn 1.460 tỷ đồng nếu không được nhà đầu tư mới mua lại sẽ vẫn nằm phơi mưa phơi nắng ở vị trí trung tâm thành phố. Nhưng chỉ năm sau, nơi đây sẽ hình thành khu căn hộ cao cấp.
Kể từ khi có Nghị quyết 42 toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.
"Chúng tôi có tìm kiếm các đơn vị vận hành nước ngoài, hợp tác với họ và thuê ký hợp đồng với các đơn vị thiết kế có uy tín để thiết kế. Tới nay chúng tôi đã đi được 2/3 chặng đường của dự án và dự kiến các điều kiện thuận lợi cuối quý III/2023 sẽ đưa dự án ra thị trường", ông Nguyễn Minh Ly - Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hasco cho hay.
Nợ xấu tìm được chủ mới, còn ngân hàng, cũng thoát được gánh nợ.
"Kéo dài Nghị quyết 42 là cần thiết, thể hiện sự thống nhất và ổn định về chính sách trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và các biện pháp xử lý nợ. Đặc biệt, trong ảnh hưởng của dịch COVID-19, nền kinh tế sẽ gặp khó khăn, nợ xấu có thể gia tăng, vì vậy việc xử lý nợ nên cần thiêt phải gia hạn Nghị quyết 42", ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank cho hay.
Vướng mắc khi áp dụng Nghị quyết 42
Hiệu quả của Nghị quyết 42 trong xử lý nợ xấu là điều quá hiển nhiên nhưng có ý kiến cho rằng, hiệu quả có thể còn cao hơn. Vậy còn có những vướng mắc gì khi áp dụng Nghị quyết 42?
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên VTV, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng: "Chúng ta đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 42 nhưng rõ ràng có thể làm tốt hơn. Vì sao lại chưa tốt hơn, tôi cho rằng đâu đó vẫn còn những vướng mắc quan trọng".
Theo đó, Tiến sĩ Cấn Văn Lực chỉ ra những vướng mắc như sự vào cuộc của các cơ quan chức năng địa phương vẫn còn thiếu quyết liệt, thiếu đồng bộ. Ví dụ một số văn bản hướng dẫn sau 2 năm mới ban hành hướng dẫn, điều này rất là chậm trong khi thời hạn của Nghị quyết 42 là 5 năm.
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực đâu đó vẫn còn khó khăn về tài sản đảm bảo từ câu chuyện định giá như thế nào, thu giữ ra sao, luôn luôn thiếu sự hợp tác của bên đi vay.
"Ở Việt Nam tư duy tín dụng tôi cho rằng cũng có vấn đề bởi luôn luôn cho rằng lẽ phải thuộc về bên đi vay kể cả họ vi phạm và chây ì trả nợ", Tiến sĩ Cấn Văn Lực nói.
Vẫn còn nhiều vướng mắc khi áp dụng Nghị quyết 42. Ảnh minh họa - Ảnh: HNM.
Một vướng mắc nữa được Tiến sĩ Cấn Văn Lực chỉ ra đó là vấn đề chuyển nhượng tài sản đảm bảo cũng vô cùng khó khăn, nhất là những tài sản đảm bảo là bất động sản bởi yêu cầu những người thắng thầu, thắng đấu giá bắt buộc là những công ty bất động sản chuyên nghiệp. Còn nếu họ không chuyên nghiệp sẽ không chuyển nhượng được.
Ngoài ra, vướng mắc cũng liên quan đến việc thứ tự ưu tiên dùng tiền đã xử lý được làm gì thì hiện nay vẫn còn tranh cãi. "Bên thuế thì đòi thu ngay bởi họ nói theo Luật thuế, còn bên ngân hàng lại bảo thu nợ trước theo Nghị quyết 42. Rõ ràng nó chưa đồng bộ về mặt luật pháp cũng như cách hiểu và cách làm", Tiến sĩ Cấn Văn Lực nói.
Trước đây, đã có những ví von ngân hàng lâm vào cảnh "đứng cho vay, quỳ đòi nợ". Vẫn biết, ý thức trả nợ của người vay đã cao hơn, tuy nhiên vẫn còn có những con nợ chây ì, tìm mọi cách để khất nợ, trốn nợ dù đã có Nghị quyết 42 quy định về thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan tới việc xử lý tài sản đảm bảo.
Kết thúc phiên họp thứ 10, Ủy ban thường vụ quốc hội đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42, thời hạn kéo dài đến ngày 31/12/2023, không mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi, đối tượng áp dụng so với Nghị quyết 42. Nếu không thay đổi phạm vi,tức là những khoản nợ xấu phát sinh sau 15/8/2017 sẽ không được áp dụng Nghị quyết 42 để xử lý, vậy lượng nợ xấu trong hệ thống 5 năm qua tăng lên như thế nào và có đáng lo ngại?
Những băn khoăn về các khoản nợ xấu gần đây phát sinh liên quan các dự án BOT, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp mà chủ thể phát hành là các ngân hàng, liệu có làm gia tăng nợ xấu của hệ thống ngân hàng?
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 15/4 với sự tham gia của Tiến sĩ Cấn Văn Lực đã có những phân tích thêm về các nội dung trên!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.82095057061402202-uax-on-naohk-gnuhn-hnis-ioh-24-teyuq-ihgn/et-hnik/nv.vtv