Khó khăn bảo tồn vùng nguyên liệu chè cổ thụ, hàng trăm năm tuổi, thiếu công nghệ chế biến, nghiên cứu thị trường, các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân còn lỏng lẻo… đây chính là những rào khiến việc phát triển dòng chè Shan Tuyết thời gian qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc còn chưa tương xứng.
Để thay đổi thực tế trên, thời gian gần đây, đã có những doanh nghiệp bắt tay với các hợp tác xã, đầu tư công nghệ, nhà xưởng, chuẩn hoá quy trình sản xuất để tạo ra các thành phẩm chè cuối cùng đến thẳng tay người tiêu dùng.
Thu hoạch chè shan tuyết cổ thụ. Ảnh: TTXVN.
Hợp tác xã Xà Phìn, Hà Giang có 50 ha chè Shan Tuyết cổ thụ, mỗi gốc cây ở đây đều có hàng trăm năm tuổi. Từ khi liên kết với doanh nghiệp, mỗi gốc cây chè được đánh số để bảo vệ, chăm sóc, thu hái theo đúng quy trình doanh nghiệp đưa ra.
Thời điểm này cuối vụ Xuân, mỗi ngày hợp tác xã cung cấp khoảng 250 kg chè tươi, làm nguyên liệu cho xưởng chế biến. Tại đây, chè được chế biến theo đúng chuẩn để ra thành phẩm cuối cùng. Theo đại diện doanh nghiệp, hiện những sản phẩm chè Shan Tuyết ở đây đã có mặt tại EU và trong 2 năm tới, EU cũng là thị trường trọng điểm của họ.
Trong bối cảnh các quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm của EU, Hoa Kỳ ngày càng nghiêm ngặt, theo Hiệp hội chè Việt Nam việc thúc đẩy dòng chè hữu cơ, chè cổ thụ đặc sản là hướng đi vừa đúng vừa trúng và nâng tầm giá trị cho cả ngành chè Việt Nam.
Việt Nam đứng thứ 6 về sản lượng chè trên thế giới nhưng tổng doanh thu của ngành chè chỉ khoảng trên dưới 500 triệu USD. Vì vậy, việc đẩy mạnh dòng chè đặc sản, hữu cơ là cách đi được nhiều doanh nghiệp ưu tiên trong thời gian tới để thay đổi cơ cấu của ngành chè giảm sản lượng, tăng giá trị xuất khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.79834615061402202-uahk-taux-ned-gnouh-teyut-nahs-ehc-gnod-gnoul-tahc-aoh-nauhc/et-hnik/nv.vtv