Khu vực bến Bạch Đằng (đường Tôn Đức Thắng - công trường Mê Linh) trong tương lai sẽ có không gian ngầm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong đó, toàn bộ khu trung tâm của TP.HCM có 3 khu vực phát triển không gian ngầm: khu vực đường Nguyễn Huệ, khu vực đường Lê Lợi và khu vực mới là công viên bến Bạch Đằng (gồm cả không gian ngầm đường Tôn Đức Thắng và công trường Mê Linh).
Mở rộng không gian sống "ngầm"
Theo quy hoạch của TP.HCM, khu vực bến Bạch Đằng có nhiều không ngầm với mục đích sử dụng đa dạng như trung tâm thương mại, bãi đậu xe đến đường giao thông ngầm.
Trong đó, đường Tôn Đức Thắng sẽ được ngầm hóa để phục vụ cho giao thông. Bãi đậu xe công cộng ngầm Tôn Đức Thắng nằm cách công trường Mê Linh khoảng 100m về phía nam đường Ngô Văn Năm, dọc theo đường Tôn Đức Thắng.
Dự kiến tầng một sẽ là bãi đậu xe công cộng và lối ra/vào, tầng hầm thứ hai sẽ là bãi đậu xe công cộng và đường ngầm Tôn Đức Thắng.
Còn tại tầng ngầm của công trường Mê Linh sẽ có một vườn trũng ở giữa công trường Mê Linh, bố trí cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng... xung quanh.
Vườn trũng này kết nối trực tiếp với bãi đậu xe ngầm ở dưới đường Tôn Đức Thắng và có đầu mối để bảo đảm kết nối với không gian ngầm của các tòa nhà xung quanh trong tương lai.
Cũng theo quy hoạch trên, dưới đường Nguyễn Huệ có ít nhất hai tầng hầm. Tầng thứ nhất được bố trí làm trung tâm thương mại ngầm và hai hoặc ba tầng giữ xe ở phía dưới.
Ở tầng hầm thứ nhất có hành lang dành cho người đi bộ kết nối Nhà hát TP với công viên dọc sông Sài Gòn.
Các thang cuốn, thang máy kết nối giữa các tầng ngầm với mặt đất được bố trí gần các trạm xe buýt để người dân có thể dễ dàng đi lại giữa các trung tâm thương mại và hệ thống giao thông công cộng.
Ngoài ra, ở trung tâm TP.HCM còn có không gian ngầm dưới đường Lê Lợi. Hiện nay, ngoài đường metro 1 chạy dọc theo tuyến đường Lê Lợi hiện đã hoàn thành thì một doanh nghiệp đã nghiên cứu dự án trung tâm đô thị ngầm.
Với ba khu vực không gian ngầm được đưa vào quy hoạch chính thức tại quy chế quản lý kiến trúc trên, nhiều chuyên gia nhận xét hiện TP.HCM vẫn còn quá ít không gian ngầm.
Không gian ngầm hiện nay cũng như trong tương lai gần là quá thiếu so với diện tích, dân số và nhu cầu phát triển của TP.HCM.
Khu vực bến Bạch Đằng (đường Tôn Đức Thắng - công trường Mê Linh) sẽ có không gian ngầm trong tương lai -Ảnh: QUANG ĐỊNH
Muộn nhưng phải làm
Ngoài ba khu vực không gian ngầm được quy hoạch như trên, hiện tại TP.HCM có nhiều không gian ngầm đã hình thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Đó là nhà ga metro Bến Thành với bốn tầng hầm phục vụ cho các tuyến metro trong tương lai và các trung tâm thương mại, dịch vụ kèm theo.
Nhà ga Nhà hát TP cũng đã hoàn thiện tất cả các khâu chờ bàn giao và hoạt động. Tuyến metro số 1 chạy từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát, qua ga Ba Son đều đi trong không gian ngầm trước khi "nổi" lên mặt đất và đi trên cao qua khu vực quận Bình Thạnh.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư cũng đề xuất nghiên cứu bãi đậu xe ngầm ở công viên Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư, công viên Lê Văn Tám song chưa thành.
Các chuyên gia quy hoạch cho rằng những đề xuất xây dựng không gian ngầm này là cần thiết. Và TP cần nghiên cứu phát triển không gian ngầm ở cả khu đô thị mới Thủ Thiêm ngay từ bây giờ để các công trình được xây dựng đồng bộ từ đầu.
Có ý kiến về vấn đề trên, ông Trần Ngọc Chính - chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam - cho rằng TP.HCM đáng ra phải có quy hoạch không gian ngầm cách đây 10 năm.
Đến nay, TP.HCM mới quy hoạch không gian ngầm là đã muộn nhưng vẫn phải làm để giải quyết các vấn đề của đô thị. Các đô thị khác trên thế giới chỉ có 2 - 3 triệu dân đã có quy hoạch và bắt đầu xây dựng, khai thác không gian ngầm huống hồ TP.HCM nay khoảng 10 triệu dân.
"Hiện TP.HCM đã có tuyến metro số 1 đi ngầm trong khu vực trung tâm TP sắp hoàn thành, đi vào hoạt động thì TP sẽ rất khác. Bên cạnh các không gian ngầm công cộng còn có không gian ngầm của các tòa nhà, trung tâm thương mại xung quanh.
Hai không gian này kết nối lại với nhau, người dân đi metro xong đi chơi, mua sắm và hưởng thụ các dịch vụ công cộng trong không gian ngầm... trước khi lên mặt đất về nhà", ông Chính nhận xét thêm.
Theo Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, TP đang tổ chức cuộc thi ý tưởng quy hoạch không gian ngầm của TP.HCM để đưa vào đồ án quy hoạch chung mà TP.HCM đang xây dựng.
Hiện nay, với sự phát triển của kinh tế, khoa học kỹ thuật thì không gian ngầm không đơn thuần chỉ dành cho giao thông mà đòi hỏi có nhiều chức năng hơn như vui chơi, giải trí, thương mại, không gian sống về đêm, kể cả nhu cầu về an ninh... Lần quy hoạch này TP.HCM sẽ tính toán hết nhu cầu phát triển không gian ngầm cho hiện tại và tương lai.
Đồ họa: N.KH.
TS.KTS Khương Văn Mười (nguyên phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam):
Cần mở rộng không gian ngầm nhiều hơn nữa
Không gian ngầm của TP.HCM phải phát triển để đáp ứng nhu cầu của đô thị, chỉ có điều nhanh hay chậm. Giá trị của không gian ngầm sẽ đóng góp vào cấu trúc đô thị, gắn liền với cuộc sống của người dân.
Hiện nay, TP.HCM đang quy hoạch không gian ngầm trên cơ sở các vùng đất trống như công viên 23-9, đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, đường Tôn Đức Thắng chứ chưa quy hoạch cho các khu đất thuộc quyền sử dụng của khối tư nhân.
Theo tôi, cần quy hoạch ngầm cho cả những khu đất thuộc tư nhân này, có các chỉ tiêu quy hoạch ngầm như không gian trên mặt đất nhằm tăng cao tính kết nối và hiệu quả sử dụng đất...
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn:
Nên kết nối Thủ Thiêm
Theo tôi, khu vực nên làm không gian ngầm nhất hiện nay ở TP.HCM là khu công viên 23-9 vì nơi đây dễ dàng kết nối với không gian ngầm của ga metro trung tâm Bến Thành.
Khu sân vận động Phan Đình Phùng đang xây dựng lại, nên có không gian ngầm để làm bãi xe, thương mại dịch vụ sau đó kết nối với không gian ngầm ở khu vực hồ Con Rùa.
Bên cạnh đó, khu vực quanh công viên Tao Đàn - bên dưới Nhà văn hóa Lao động hoặc sân khấu Trống Đồng - cũng là những điểm thuận lợi để phát triển không gian ngầm.
Tôi cho rằng nên xem lại phương án ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng, vì có nhiều phương án xử lý giao thông khu vực này ít tốn kém hơn và kết nối tốt hơn với khu trung tâm TP và Thủ Thiêm. Không gian ngầm khu trung tâm phải kết nối với không gian ngầm của khu đô thị mới Thủ Thiêm, có thể bằng một tuy nen ngầm qua sông Sài Gòn...
Ông Lý Khánh Tâm Thảo (trưởng phòng quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, Sở Quy hoạch - kiến trúc):
Tìm kiếm ý tưởng qua cuộc thi
Tuyến metro số 1 sắp hoàn thành thì không gian ngầm của TP.HCM hiện hữu, nhu cầu kết nối, sử dụng không gian ngầm ngày càng rõ. UBND TP tổ chức cuộc thi ý tưởng quy hoạch không gian ngầm để có ý tưởng toàn diện hơn, kết nối được các không gian ngầm với nhau, phát huy được nhiều chức năng của đô thị như không gian thương mại, văn hóa, không gian đi bộ, kết nối với các tầng ngầm của các công trình xung quanh...
Các ý tưởng từ cuộc thi có thể là cơ sở để giúp TP có hình dung về không gian ngầm ra sao, nhất là ở khu trung tâm hiện hữu 930ha và khu Thủ Thiêm.
Cuộc thi này cũng sẽ giúp TP đánh giá lại các quy hoạch không gian ngầm trước kia có còn phù hợp nữa hay không. Và hơn hết, các ý tưởng phát triển không gian ngầm từ cuộc thi có thể giúp TP làm cơ sở để kêu gọi đầu tư hoặc điều chỉnh quy hoạch không gian ngầm khu 930ha và khu Thủ Thiêm.
Hà Nội, Đà Nẵng lên các kế hoạch lớn
Hà Nội vừa phê duyệt quy hoạch không gian ngầm đô thị ở 20 quận huyện. Đà Nẵng sẽ có hai công trình hầm chui lớn.
Hà Nội quy hoạch 20 quận huyện có không gian ngầm
20 quận huyện được quy hoạch không gian ngầm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng diện tích 756km2, độ sâu tối đa 30m.
Các quận huyện được quy hoạch mở rộng không gian ngầm gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì và Thường Tín.
Nội dung quy hoạch xác định các hạng mục xây ngầm gồm hai nhóm là hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, điện lực và công trình công cộng ngầm như trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, vui chơi giải trí, kho tàng, bãi đỗ xe...
Theo quy hoạch của Hà Nội, khu vực có tiềm năng xây dựng công trình ngầm gồm nội ô lịch sử và nội ô mở rộng, khu nhà cao tầng phía bắc sông Hồng, chuỗi đô thị phía đông đường vành đai 4, các dự án vành đai xanh và trục không gian hồ Tây - Ba Vì, tây hồ Tây, Cổ Loa và dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị.
Về độ sâu, quy hoạch chia làm 3 lớp với công năng riêng. Lớp nông (0-5m) phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm như lối vào tầng hầm, hầm đi bộ.
Lớp trung bình (5-15m) để xây công trình công cộng, bãi đỗ xe ngầm. Lớp sâu (15-30m) dùng để xây hệ thống giao thông ngầm, đường sắt đô thị...
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 15-4, đại diện Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội cho biết một đô thị văn minh, hiện đại thì yếu tố không gian ngầm luôn phải được chú trọng.
"Khi có quy hoạch chung không gian ngầm tại Hà Nội sẽ giúp bổ trợ những phần còn thiếu trên mặt đất, đặc biệt ở khu vực nội ô. Ví dụ như bến bãi đỗ xe vì gần như phía trên mặt đất khu vực này không còn đất để phát triển nữa", vị đại diện trên nói.
Một trong những dự án đáng chú ý là dự án đường hầm qua sân bay Đà Nẵng với tổng mức vốn kêu gọi hơn 8.000 tỉ đồng - Ảnh: TR.TRUNG
Đà Nẵng làm hầm chui xuyên qua sân bay, sông Hàn
Trong quyết định phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký vào tháng 3-2021, có nhiều nội dung phát triển không gian ngầm.
Đáng chú ý trong đó có quy hoạch và xây dựng hầm chui xuyên sân bay Đà Nẵng để kết nối phía đông và phía tây; công trình hầm chui qua sông Hàn nối đường Đống Đa - Trần Phú sang đường Vân Đồn - Trần Hưng Đạo.
Liên quan hai công trình ngầm này, Đà Nẵng cũng đã đưa vào danh mục các dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào TP giai đoạn 2020 - 2025.
UBND TP đã công bố thông tin thu hút đầu tư vào dự án đường hầm qua sân bay Đà Nẵng với tổng mức vốn kêu gọi hơn 8.000 tỉ đồng. Quy mô tuyến hầm này có chiều dài khoảng 3,7km với 6 làn xe cơ giới và xây dựng các nhánh kết nối khu đô thị phía tây sân bay.
Theo bà Trần Thị Thanh Tâm - giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Đà Nẵng, TP đã bố trí vốn để nghiên cứu, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trục đường giao thông chính, tuyến đường sắt đô thị.
Trong đó có công trình giao thông vượt sông Hàn được bố trí kế hoạch vốn 1 tỉ đồng, dự án tuyến kết nối giao thông theo hướng đông - tây (hầm chui qua sân bay Đà Nẵng) được bố trí kế hoạch vốn 2 tỉ đồng.
Singapore: cần tầm nhìn xa
Trong những năm qua, Singapore đã rất thành công trong việc khai thác các không gian ngầm, từ lắp đặt các đường ống dẫn đến mở các tuyến tàu điện ngầm. Singapore còn có hẳn hệ thống đường đi dưới lòng đất rộng rãi cho người dân ở các khu vực như vịnh Marina, tạo thành TP dưới lòng đất.
Theo Cơ quan Tái phát triển đô thị Singapore, việc khai thác không gian ngầm cần được triển khai theo kế hoạch với tầm nhìn xa, bảo vệ không gian để phát triển tiếp các cơ sở hạ tầng mới cho tương lai.
Vì các cơ sở hạ tầng dưới lòng đất rất khó xây dựng và thay đổi, nếu quy hoạch không tốt sẽ cản trở việc mở rộng và tối ưu hóa không gian.
Còn theo Hãng tư vấn xây dựng WSP, quy hoạch tổng thể giao thông trên đất liền đến năm 2040 của Singapore đã đề ra nhiều biện pháp cải thiện hệ thống giao thông bằng cách tận dụng không gian ngầm.
Cụ thể, phần không gian ngầm càng gần mặt đất sẽ được phát triển theo hướng lấy hoạt động của con người làm trung tâm, bao gồm các bãi đậu xe, cửa hàng bán lẻ, đường đi bộ, văn phòng, ga tàu điện ngầm và các đường hầm dành cho tàu hỏa.
Các không gian sâu dưới lòng đất được để dành cho đường ống điện, nước, kho chứa nhiên liệu và hệ thống thoát nước thải.
NGUYÊN HẠNH
PHẠM TUẤN - TRƯỜNG TRUNG
TTO - Sáng 17-3, Sở Xây dựng TP.HCM đã làm lễ khánh thành công viên Mê Linh và bến Bạch Đằng. Đây là chuỗi công trình được đầu tư nhằm chỉnh trang lại khu vực trung tâm, tạo điểm đến cho người dân và lưu giữ lại nhiều giá trị lịch sử.
Xem thêm: mth.84525638061402202-magn-naig-gnohk-oc-es-gnad-hcab-neb/nv.ertiout