Ngày 16.4, Ban QLDA 7 cho biết, tính đến ngày 15.4, toàn tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết mới giải ngân khoảng 2.425/6.065 tỉ đồng, đạt 39,99% giá trị hợp đồng. Tổng sản lượng xây lắp 1.996/6.065 tỉ đồng, đạt 32,92% giá trị xây lắp, chậm 12,21% so với kế hoạch đề ra.
Cho đến nay, toàn công trường dài hơn 100 km từ Vĩnh Hảo (H.Tuy Phong) đến xã Hàm Kiệm (H.Hàm Thuận Nam), các nhà thầu (với gói thầu XL01, XL02, XL03 và XL 04) đã huy động 443 thiết bị xe, máy và gần 2.500 nhân sự chia làm 3 ca thi công. Nhưng theo chủ đầu tư, tiến độ vẫn chậm dù được cải thiện hơn so với cuối năm 2021.
Thi công đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại gói thầu XL03 Hàm Thuận Bắc QUẾ HÀ |
Nhiều nguyên nhân chậm tiến độ
Đánh giá nguyên nhân chậm tiến độ, Ban QLDA 7 cho biết so với tháng 3.2022, khối lượng công việc tháng 4 được đẩy nhanh hơn. Tuy nhiên, việc chậm trễ, không kịp tiến độ vẫn xảy ra ở tất cả các nhà thầu thi công. Nguyên nhân chính vẫn do nhà thầu chưa chủ động được nguồn vật liệu đất đắp nền, công đoạn san lấp, đắp nền chỉ đạt 77,4% so với kế hoạch điều chỉnh đã đề ra (3,92/5,02 triệu m3).
Cũng theo Ban QLDA 7, hiện các nhà thầu đã nộp hồ sơ cấp phép 6 mỏ đất theo Nghị quyết số 60 và Nghị quyết số 133 của Chính phủ (nghị quyết ưu tiên không đấu giá quyền khai thác mỏ - PV). Tuy nhiên thủ tục cấp phép còn chậm so với kế hoạch đặt ra (hết tháng 3.2022 có 3/6 mỏ cấp phép, ngày 4.4 cấp phép thêm 1 mỏ, 2 mỏ còn lại dự kiến ngày 20.4 cấp phép).
Đến nay mới chỉ có 1/6 mỏ có thể khai thác cung cấp cho dự án, 3 mỏ còn lại đã cấp phép, dự kiến cuối tháng 4.2022 mới có thể khai thác.
Đoạn qua xã Thuận Hòa, Hàm Thuận Bắc chậm tiến độ do thiếu đất đắp nền QUẾ HÀ |
Một nguyên nhân khác là do nhiều nhà thầu yếu kém nguồn tài chính dẫn đến thiếu tiền mua vật liệu, thậm chí nợ lương công nhân hoặc thiếu trang thiết bị máy móc và nhân sự... Các nhà thầu như Tổng công ty Thăng Long (gói XL01); Công ty Nhạc Sơn (gói XL02); Công ty Công ty VNCN EC (huy động 14/15 mũi thi công) có nhân sự, xe máy thường xuyên biến động, thi công cầm chừng.
Lãnh đạo Ban QLDA 7 yêu cầu các nhà thầu huy động thêm nhân sự, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công như đã cam kết, thậm chí cắt bớt phần việc chuyển cho nhà thầu khác thi công. Trong đó, yêu cầu các nhà thầu tập trung thi công khẩn trương các cây cầu: cầu Km 160+408; cầu Cà Giây; cầu Sông Lũy; cầu Cà Tót; cầu Cà Ty xong trước ngày 30.6, nhằm thông đường công vụ trước mùa mưa.
Tiến độ khai thác mỏ đất chậm do các nhà thầu?
Về việc chậm khai thác các mỏ đất ở đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, trả lời PV Thanh Niên, đại diện Sở TN-MT Bình Thuận cho biết: “Hoàn toàn do các nhà thầu chủ động”. Theo đại diện Sở TN-MT, nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện cấp phép trên tinh thần Nghị quyết 60 và 133 của Chính phủ, ưu tiên sớm nhất để phục vụ thi công cao tốc. Đơn cử như các mỏ Hàm Cần, Hòn Lúp, Bình An (trữ lượng 1.190.000 m3) đã được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép từ ngày 25.3. Tuy nhiên, đến nay các nhà thầu được cấp phép 3 mỏ trên vẫn không nộp hồ sơ thuê đất cho Trung tâm hành chính công để hoàn thiện thủ tục đưa vào khai thác.
Chủ đầu tư là Ban QLDA 7 đang hối thúc các nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ như cam kết QUẾ HÀ |
Cũng theo đại diện Sở TN-MT, hiện nay 2 mỏ còn lại vừa mới đưa vào quy hoạch tháng 2.2022, theo tiến độ, ngày 20.4, UBND tỉnh Bình Thuận mới cấp phép khai thác. “Quan trọng là thủ tục thuê đất, các nhà thầu được cấp quyền khai thác phải chủ động nộp hồ sơ sớm và thực hiện nghĩa vụ tài chính để được khai thác”, đại diện Sở TN-MT Bình Thuận cho biết.
Đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km đi qua các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), được chia thành 4 gói thầu chính, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022.