Giá tour giảm khi khách chịu mua sắm
Ông Phạm Quý Huy - Giám đốc Công ty Kiwi Travel - cho biết hoạt động mua sắm nằm trong chương trình các tour đi Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc… Với tour đến Thái Lan, nếu khách chấp nhận ghé điểm mua sắm, giá tour sẽ rẻ hơn. Do đó, cũng đi Thái Lan với số ngày và số điểm đến như nhau nhưng có đơn vị bán tour với giá khoảng 4 triệu đồng/khách, có đơn vị bán tour với giá 6-7 triệu đồng/khách. Các tour có giá cao là do doanh nghiệp (DN) bỏ bớt chương trình mua sắm ra khỏi lịch trình.
Tình trạng cắt bớt chương trình tour để đưa khách vào các trung tâm mua sắm, điểm dừng cũng khá phổ biến đối với tour nội địa, nhất là tour đưa khách từ miền Bắc vào miền Nam. Các tour này thường là của các DN lữ hành phải thuê xe đưa đón khách. Nếu khách không đồng ý vào trung tâm mua sắm thì giá xe, chi phí vận chuyển sẽ cao hơn, giá tour cũng bị đẩy lên. Với một số DN du lịch, trước khi đưa khách vào điểm mua sắm hay trạm dừng chân hướng dẫn viên (HDV) sẽ hỏi ý kiến của khách trên xe. Các điểm dừng chân mà xe đưa đoàn chọn ghé thường được các đơn vị lữ hành khảo sát trước về cơ sở vật chất, mặt hàng, chất lượng phục vụ.
Các doanh nghiệp du lịch nên thông tin rõ về điểm mua sắm, thời gian mua sắm trong lịch trình tour cho du khách (trong ảnh: Khách du lịch mua đặc sản địa phương ở chân núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh hồi tháng 10/2021) |
Hiện có ba cụm điểm du lịch nổi cộm về tình trạng các tour đưa khách vào mua sắm là Phú Quốc, Quảng Ninh và các tỉnh miền Trung. Chẳng hạn, tại Phú Quốc, các trung tâm kinh doanh ngọc trai liên kết với nhiều nhà xe và các công ty lữ hành đưa đón khách. “Thông thường, những du khách lẻ dễ chọn trúng tour có phần mua sắm nhiều hơn trải nghiệm, còn khách đoàn lớn ít gặp hơn. Với các tour châu Âu, thời gian mua sắm cũng ít” - ông Phạm Quý Huy nói.
Du khách cần được thông tin trước
Theo ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển Golden Smile (Golden Smile Travel) - các tour mua sắm (shopping) nhận được một phần tài trợ của các DN cung cấp dịch vụ (trung tâm mua sắm) vẫn phổ biến và được nhiều du khách chọn do có giá rẻ hơn, nhất là sau một thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhưng, chất lượng hàng hóa ở các điểm mua sắm trong tour có thể không bảo đảm.
Ông cho rằng, để khai thác hiệu quả tour kết hợp mua sắm, các DN du lịch cần có bộ phận độc lập khảo sát thay vì giao cho hướng dẫn viên, tài xế hay công ty đối tác. Ông góp ý: “DN lữ hành và HDV nên tư vấn chân thật với khách về địa điểm mua sắm, chất lượng và giá cả các mặt hàng mà khách muốn mua”.
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho rằng tùy đối tượng khách hàng mà các DN lữ hành lên chương trình tour khác nhau. Các tour kết hợp mua sắm cũng được rất nhiều du khách quan tâm, yêu thích, nhất là du khách nữ. Ông nhận xét: “Nhiều du khách tới các điểm dừng chân, mua sắm trong chương trình tour không chỉ để mua hàng mà còn học cách thiết kế, bài trí hoặc chỉ đơn giản là thỏa mãn nhu cầu nhìn ngắm hàng hóa. Các cửa hàng trong và ngoài nước hiện nay rất chịu khó thiết kế, trang trí cửa hàng, quầy kệ”.
Ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, để cân bằng giữa tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng và mua sắm, các DN du lịch nên tư vấn để du khách chọn đúng tour mà mình muốn: “Đưa nội dung mua sắm vào tour không có gì xấu, quan trọng là chương trình tour phải cân đối, đáp ứng đúng thị hiếu của du khách. Ngược lại, tour du lịch mà không có mua sắm cũng làm hạn chế sự trải nghiệm của du khách”.
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.0051641a-mas-aum-iov-mek-id-gnouht-ruot-oas-iv-hcil-ud/nv.moc.enilnounuhp.www