Ray Kuschert và vợ trong đám cưới tại Bình Dương hồi tháng 4-2021 - Ảnh: NVCC
Sống ở Việt Nam, bạn sẽ bắt gặp hai kiểu đám cưới. Kiểu đầu tiên là ở các trung tâm tiệc cưới chuyên nghiệp, nơi đám cưới được tổ chức bài bản và kỹ lưỡng. Kiểu còn lại thường là đám cưới ở quê, người ta dựng lều trên đường trước nhà, tiệc được tổ chức ngay tại nhà cô dâu hoặc chú rể. Đây cũng là kiểu tôi thích.
Khi cặp đôi quyết định cưới, họ phải đi đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước. Việc ký giấy kết hôn được hoàn tất ngay tại nơi mà ở đó người ta cũng xử lý chuyện mua bán đất, đăng ký kinh doanh và các thủ tục khác, giữa cả trăm người lạ đang bận lo chuyện của họ.
Tiếp theo là một khía cạnh mà không nhiều người nước ngoài có cơ hội được chứng kiến. Dù là được cử hành theo nghi lễ tôn giáo hay truyền thống, đám cưới luôn bắt đầu bằng một nghi lễ ở nhà. Chỉ có gia đình và bạn bè thân thiết nhất mới được mời. Một buổi lễ được tổ chức ở nhà cô dâu, chú rể cùng gia đình mang mâm quả sang để hỏi cưới. Sau đó, gia đình, họ hàng tặng quà cưới (thường là vàng hoặc trang sức vàng) cho cặp đôi.
Đàng trai mang mâm quả sang nhà gái - Ảnh: NVCC
"Nghi thức" cuối cùng của một đám cưới Việt là tiệc cưới, sự kiện mà nhiều người nước ngoài sống ở đây thấy. Việt Nam có rất nhiều địa điểm tổ chức tiệc cưới, và đôi khi những nhà hàng và khách sạn lớn cũng kiêm thêm chức năng này.
Trước đám cưới 1-2 tuần, cô dâu và chú rể sẽ đi phát thiệp. Khi bạn đọc thiệp cưới, nhớ đọc kỹ. Dù trên thiệp ghi là mấy giờ thì cũng đều không đúng. Ví dụ, nếu thiệp ghi đám cưới diễn ra lúc 17h, thì bạn đừng mong là đám cưới sẽ bắt đầu trước 18hh30. Nên đến khoảng 1 tiếng sau giờ được ghi trên thiệp.
Khi bạn đến chỗ đám cưới, bạn sẽ thấy cô dâu chú rể đứng ở sảnh cùng với các tay máy. Tại đây, bạn chào cô dâu chú rể và đứng vào chụp một tấm ảnh kỷ niệm.
Trên chiếc bàn cạnh chỗ cô dâu chú rể đứng sẽ có một chiếc hộp, luôn có người canh. Đây là nơi khách mời tặng quà cưới, thường là tiền, và phong bì đựng thiệp mời cũng được dùng làm phong bì bỏ tiền mừng. Không giống như ở các nước phương Tây, ở Việt Nam người ta thường không mang quà đến đám cưới tặng.
Đến đây thì câu hỏi lớn nhất là nên mừng bao nhiêu tiền? Ít nhất là 500.000 đồng nếu chỉ là người quen bình thường. Nếu đi cùng một người nữa, và cô dâu chú rể là bạn bè hoặc đồng nghiệp thân, thì 1 triệu là hợp lý. Nếu rất thân với cô dâu hoặc chú rể, bạn có thể mừng đến 5 triệu hoặc hơn, tùy vào mối quan hệ và tài chính của bạn.
Và sau một khoảng thời gian chờ đợi như vô tận, chủ yếu là chờ những người đến trễ, cô dâu và chú rể được giới thiệu lên sân khấu cùng cha mẹ mình. Lúc này một nghi thức nhỏ diễn ra, thường kéo dài khoảng 10 đến 15 phút. Sau đó, họ cắt bánh cưới và rót sâm panh vào tháp ly bốc khói mờ ảo trên sân khấu trong tiếng nhạc vang lừng. Vậy là xong.
Cùng lúc cô dâu chú rể rời sân khấu, thức ăn được dọn lên. Dù đồ ăn ở các đám cưới có thể khác nhau một chút, nhưng nhìn chung sẽ có "công thức" cơ bản giống nhau. Bạn sẽ bắt đầu với các món khai vị, hoặc có thể là xúp. Tiếp theo là các món chính như thịt gà, tôm hoặc phổ biến nhất là thịt heo.
Sau một loạt các món mà bạn hầu như không có cơ hội ăn hết trước khi món tiếp theo xuất hiện, món lẩu truyền thống của Việt Nam sẽ được dọn lên. Món lẩu xuất hiện trên bàn cũng là lúc bạn biết tiệc vui sắp kết thúc. Đây sẽ luôn là món ăn cuối cùng trên bàn tiệc. Ngoài ra còn có một món tráng miệng nữa nhưng thường sẽ được dọn kèm lúc lên lẩu luôn.
Và đây là lúc sự ngạc nhiên xuất hiện. Sân khấu hát hò trở nên im bặt, phục vụ ngừng mang bia lên, và hơn nửa khán phòng đã về hết. Đám cưới chỉ diễn ra chớp mắt gần 2 tiếng đồng hồ. Thật không thể tin được! (Thông thường đám cưới ở Úc diễn ra từ 4-8 tiếng, riêng tiệc cưới là khoảng 4-5 tiếng). Nói tóm lại, đám cưới mời lúc 5h, bạn đến lúc 6h30, khai tiệc gần 7h, nghi lễ 15 phút, và bạn có 90 phút để quay cuồng ăn uống.
Dẫu vậy, dù là ngạc nhiên thế nào, dù phải uống cùng một loại bia, ăn những món tương tự, nghe những bài hát giống nhau ở tất cả các đám cưới, thì việc được ngồi ở đám cưới luôn là một cảm giác khiến tôi thấy hạnh phúc. Đó là dấu hiệu của sự chấp nhận, dấu hiệu của tình bạn và dấu hiệu cho thấy bạn là một người nước ngoài được yêu quý khi sống ở đất nước này.
Trong 2 tiếng đồng hồ, tôi được trở thành một phần của những người tốt quanh mình, và tôi được chấp nhận là một thành viên trong tập thể. Đó là một cảm giác rất đặc biệt.
TTO - Ngoài những món ăn nổi tiếng thế giới, Việt Nam còn tràn ngập những món ăn vặt được mọi người yêu thích, thế nhưng, nhiều người nước ngoài và du khách vẫn thường bối rối và thậm chí sợ hãi vì họ không biết đó là món gì.
Xem thêm: mth.19195651280402202-yk-cod-ohn-man-teiv-o-iouc-peiht-nahn-iaogn-er-gnahc-auc-neyuhk-iol/nv.ertiout