Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HoSE: FRT) mới đây đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Tại đại hội, lãnh đạo FRT đã trả lời nhiều thắc mắc của cổ đông xoay quanh sự tăng trưởng của chuỗi FPT Shop và Long Châu.
Long Châu kỳ vọng lãi 50-100 tỷ đồng
FRT cho biết luôn tìm kiếm các mảng kinh doanh có tiềm năng để gối đầu cho mảng dược phẩm đang tiếp tục tăng trưởng. Điều này nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và đem lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông.
FRT năm nay kỳ vọng lợi nhuận Long Châu đạt 50-100 tỷ đồng. Tuy nhiên, FRT cũng cho biết mức lợi nhuận sẽ tùy thuộc vào tốc độ mở mới của Long châu và mức độ đầu tư cho dài hạn. Ngoài ra, doanh thu trên một nhà thuốc Long Châu để đạt điểm hòa vốn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: quy mô cửa hàng, tiền thuê nhà, khu vực nên sẽ dao động từ 500 triệu đồng - 2 tỷ đồng.
Chuỗi nhà thuốc An Khang của đối thủ Thế Giới Di Động đang có kế hoạch mở rộng. Trước vấn đề này, FRT cho rằng thị trường dược phẩm còn nhiều tiềm năng. Theo đó, toàn thị trường có tới 57.000 nhà thuốc. Do đó, cơ hội để mở rộng cho các chuỗi thuốc còn nhiều. Về vấn đề IPO chuỗi Long Châu, FRT bỏ ngỏ và cho biết sẽ đánh giá kỹ lưỡng để lựa chọn các phương án, giải pháp có lợi nhất cho cổ đông.
Trả lời thắc mắc của cổ đông về cuộc cạnh tranh giữa Long Châu và Pharmacity - chuỗi đang đứng đầu về số lượng nhà thuốc, đại diện FRT cho biết mỗi chuỗi có tiềm năng và định hướng khác nhau nên khó có thể so sánh. Hiện Pharmacity là chuỗi lớn nhất trên thị trường và Long Châu lấy đó làm động lực để tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, FRT đặt ưu tiên về hiệu quả, không quá đặt nặng về số lượng.
Xiaomi sẽ chiếm 7-10% doanh thu
Trước câu hỏi động lực tăng trưởng cho FPT Shop là gì khi nhu cầu học tập và làm việc tại nhà giảm sau giãn cách xã hội, đại diện FRT cho biết dù nhu cầu giảm song người dùng đã có thói quen sử dụng thiết bị công nghệ nên đối tượng sử dụng sản phẩm sẽ nhiều hơn và được trẻ hóa đến cả học sinh thay vì là sinh viên như trước đây. "Ngoài ra, còn số lượng lớn người tiêu dùng có nhu cầu nâng cấp thiết bị sau 2-3 năm sử dụng nên chúng tôi cho rằng thị trường này luôn có tiềm năng", đại diện FRT cho hay.
Về câu hỏi liên quan đến việc FRT hưởng lợi gì sau khi FRT synnex ký kết hợp tác với Xiaomi, FRT cho biết khi Xiaomi bổ nhiệm thêm một nhà phân phối (đồng nghĩa DigiWorld mất thế độc quyền phân phối Xiaomi) giúp số lượng hàng hóa đa dạng hơn, giá cả cạnh tranh tốt hơn. Vậy nên việc này đem lại lợi ích cho thị trường và cho người tiêu dùng. FRT đánh giá Xiaomi là thương hiệu lớn và có hệ sinh thái hoàn thiện nhất trong các hệ sinh thái về sản phẩm so với các hãng khác có mặt tại Việt Nam. FRT kỳ vọng Xiaomi sẽ chiếm 7-10% doanh thu của FPT Shop.
Ngoài ra, việc có mặt của TopZone (thuộc MWG) cũng không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của F.Studio. Vì về mặt thị trường sẽ có thêm đơn vị tham gia sẽ giúp người tiêu dùng hưởng lợi. F.Studio sẽ tiếp tục được mở rộng và làm mới việc kinh doanh Apple tại Việt Nam. Nhìn chung, FPT Shop vẫn duy trì mức tăng trưởng 2 chữ số giai đoạn 2022-2024.
FRT có kế hoạch mở mới hơn 70 trung tâm laptop để duy trì vị thế dẫn đầu thị trường bán lẻ máy tính xách tay. Doanh nghiệp cũng sẽ mở mới đến 100 cửa hàng cho FPT Shop để tăng vùng phủ đến các khu vực đông dân; đồng thời thử nghiệm các điểm bán PC Gaming, nghiên cứu mô hình kinh doanh mạng di động ảo, đầu tư chất lượng và tốc độ phục vụ khác hàng...
Tiết lộ về lợi nhuận quý I/2022, FRT cho biết quý đầu năm nay ghi nhận doanh thu tăng trưởng trên 65%, lợi nhuận tăng trưởng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến trong thời gian tới, tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định trở lại, tuy nhiên ban lãnh đạo FRT tự tin hoàn thành kế hoạch doanh thu lợi nhuận năm 2022.
Đại hội đã thống nhất thông qua kế hoạch doanh thu 27.000 tỷ đồng - tăng 20% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận trước thuế là 720 tỷ đồng - tăng 30%. Như vậy, dù mới hết quý I/2022, FRT đã hoàn thành khoảng 28% kế hoạch.
Trả cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt
Năm 2021, doanh thu hợp nhất của FRT tăng 53,4% lên 22.494,96 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 443,9 tỷ đồng, bằng 44 lần so với thực hiện năm 2020.
Với kết quả trên, FRT sẽ chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỉ lệ 5% và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 50%. Bên cạnh đó, kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 với tỉ lệ 10% (1.000 đồng/1 cổ phiếu) cũng được thông qua.
Ngoài ra, FPT Retail sẽ chủ trương phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) dựa trên kết quả kinh doanh năm 2022 với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, sau khi công ty vượt ngưỡng tăng trưởng 20%, cứ mỗi 10% tăng trưởng tăng thêm, các bộ nhân viên được hưởng 1% ESOP, tỉ lệ phát hành dự kiến tối đa là 2% trên số lượng cổ phiếu lưu hành tại thời điểm phát hành.
Thời gian hạn chế chuyển nhượng của số cổ phiếu này là 3 năm và được tự do chuyển nhượng theo từng năm, cụ thể: hết năm thứ nhất sẽ có 30% số cổ phiếu đã mua được tự do chuyển nhượng, hết năm thứ hai sẽ có 60% số cổ phiếu đã mua được tự do chuyển nhượng, hết năm thứ ba sẽ có 100% số cổ phiếu đã mua được tự do chuyển nhượng.
Cổ phiếu FRT hiện đạt 164.500 đồng/cổ phiếu (kết phiên ngày 15/4) và là một trong những cổ phiếu tăng trưởng bứt phá trong 2021 và hơn 4 tháng đầu năm 2022. So với hồi đầu năm 2022, cổ phiếu này đã tăng 65% còn so với hồi đầu năm 2021, FRT tăng 382%.