Theo Vnexpress và Thanh niên, cơ quan điều tra đã xác định bà Nguyễn Phương Hằng trước đây mang tên Nguyễn Thị Thanh Tuyền, đến năm 2010 đổi tên như hiện tại. Ngoài quốc tịch Việt Nam, bị can còn có quốc tịch Cộng hòa Síp (Cyprus).
Trước đó, vào ngày 24/3, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân.
Việc các doanh nhân Việt Nam có thêm quốc tịch khác không phải là chuyện hiếm như bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch Malta hay Tổng giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp được báo chí quốc tế nhắc đến hồi tháng 8/2020.
Theo thông tin chúng tôi có được, năm 2019, có 2 doanh nhân mang hộ chiếu nước ngoài là "Nguyen Hang Phuong", "Huynh Uy Dung" đã cùng một số doanh nhân khác góp vốn vào một công ty hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi.
Hai doanh nhân "Nguyen Hang Phuong" và "Huynh Uy Dung" có cùng địa chỉ đăng ký tại đảo Síp có tên khá giống với vợ chồng doanh nhân Huỳnh Uy Dũng – Nguyễn Phương Hằng chủ của khu du lịch Đại Nam. Do đó không loại trừ khả năng đây có thể quốc tịch thứ 2 của hai doanh nhân này.
Tại CTCP Đại Nam cũng như một số công ty liên quan, doanh nhân Huỳnh Uy Dũng đều dùng quốc tịch Việt Nam.
Síp là thành viên của Liên minh châu Âu từ năm 2004 và nằm trong số những nơi định cư tốt nhất thế giới, theo khảo sát của hãng tư vấn bất động sản Knight Frank.
Hầu hết các nhà tư vấn thuế quốc tế đều cho rằng Cộng Hoà Síp là quốc gia có cơ chế thuế cá nhân trong nước ưu đãi: 12,5% thuế doanh nghiệp (nước có mức thuế thấp nhất châu Âu); 0% thuế thừa kế và doanh thu bán cổ phiếu; không phải chịu thuế nếu có mặt ở Síp dưới 1 năm…
Cộng hòa Síp và Malta là những quốc đảo nhỏ tại Đại Trung Hải và đều là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) vốn được biết đến rộng rãi với các chương trình đầu tư nhận quốc tịch.
Chương trình định cư Cộng hoà Síp thông qua đầu tư được ban hành vào tháng 4/2013 cho phép các nhà đầu tư trên thế giới có quyền thường trú nhân hoặc quốc tịch khi mua bất động sản Síp (Golden Visa). Chương trình đầu tư để trở thành công dân của Cộng hoà Síp căn cứ theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng ngày 13/9/2016 ban hành, dựa theo điều 111A (2) của luật đăng ký nhận quốc tịch năm 2002.
Để tham gia vào chương trình đầu tư nhập quốc tịch Síp, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra tối thiểu từ 2 – 2,5 triệu euro (52 – 66 tỷ đồng) vào một bất động sản tại quốc gia này. Nhà đầu tư cũng được yêu cầu khuyên góp một khoản không hoàn lại trị giá 100.000 euro cho Quỹ Nghiên cứu và Đổi mới và 100.000 euro cho Tập đoàn phát triển đất đai của Cộng hoà Síp.
Với chương trình đầu tư định cư cấp thẻ thường trú nhân (thẻ xanh), nhà đầu tư đầu tư vào một bất động sản có giá ít nhất 300.000 euro và chứng minh thêm một số điều kiện về tài chính…
Theo số liệu từ World Bank, GDP của Cộng hoà Síp năm 2020 đạt 23,8 tỷ USD, dân số hơn 1,2 triệu người. Thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người năm 2020 đạt 26.110 USD.
Thiên Long
Nhịp sống kinh tế