Thay vì chính thức triển khai từ ngày 5/5 tới như thông báo trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa cho biết thời điểm áp dụng chỉ có thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ được lùi 1 tháng so với dự kiến ban đầu để phục vụ việc tổ chức SEA Games 31.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, SEA Games 31 (Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31) được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 5/5/2022 đến này 23/5/2022.
Vì vậy, để bảo đảm nhu cầu tham gia giao thông và trật tự an toàn giao thông trong thời gian diễn ra SEA Games 31, Tổng cục Đường bộ Việt Nam dự kiến lùi thời gian bắt đầu thực hiện tới đầu tháng 6/2022.
Bên cạnh đó, việc lùi thời điểm áp dụng đến tháng 6 cũng phù hợp với báo cáo của Bộ GTVT trình Chính phủ. Theo đó, Bộ GTVT cho biết cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ chính thức thí điểm chỉ thu phí ETC trong tháng 6. Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu đến tháng 6 có tối thiểu 90% ô tô đang lưu hành trên cả nước được dán thẻ ETC.
Hiện tại, tỷ lệ phương tiện đã dán thẻ tại các tỉnh, thành phố tuyến đường cao tốc đi qua đạt trung bình 65% (tăng khoảng 10% so với tháng trước đó). Tỷ lệ phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng trên tuyến đạt 50% trên tổng lưu lượng xe (thời điểm tháng 3/2022) tăng khoảng 5% so với tháng trước đó.
Do tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát nên các hoạt động kinh tế - xã hội đã hồi phục nên việc thu phí tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã có sự khởi sắc so với hai năm vừa qua. Kết thúc quý I/2022, cao tốc Hà Phòng đã thu được hơn 392 tỷ đồng; trong đó, thu phí qua ETC là 178 tỷ đồng.
Trong khi đó, năm 2021 của các trạm thu phí trên tuyến cao tốc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đạt hơn 1.254 tỷ đồng; trong đó doanh thu thu phí qua hình thức ETC đạt hơn 306 tỷ đồng.
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.587 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng, thiết bị hơn 30.500 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng gần 3.700 tỷ đồng, chi phí tư vấn gần 1.160 tỷ đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến là 105,5 km, tốc độ thiết kế 120 km/giờ, có 6 trạm thu phí.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sau khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác đã sớm phát huy ý nghĩa kinh tế - xã hội, đặc biệt là giúp tốc độ phát triển kinh tế của trục tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quang Ninh tăng trưởng ấn tượng.
Trước đó, Bộ GTVT đã đồng ý với đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng trên tuyến cao tốc.
Bộ GTVT yêu cầu đơn vị này tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm không ảnh hưởng tiêu cực đến việc đi lại của người dân, đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Đường bộ tổ chức đàm phán, thống nhất với nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, tránh tranh chấp pháp lý trong quá trình thực hiện.
"Tổng cục Đường bộ tổ chức tuyên truyền cho chủ phương tiện; phối hợp với các cơ quan chức năng phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong quá trình triển khai thí điểm và tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm theo quy định", Bộ GTVT yêu cầu.
VTV.vn -Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Hải Dương về tiến độ thực hiện dự án nút giao cắt giữa đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.953811271402202-gnohp-iah-ion-ah-cot-oac-gnod-ut-ihp-uht-meid-iht-iul/et-hnik/nv.vtv