Ảnh: STRAITS TIMES - Dữ liệu: BẢO ANH tổng hợp - Đồ họa: N.KH.
Triết lý sống của tôi, được cha mẹ dạy và thấm nhuần khi còn bé, là với bất kỳ nhiệm vụ nào được giao cũng phải cố gắng làm hết sức mình. Nếu năng lực của tôi giảm sút (điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra theo thời gian) thì tôi sẽ nỗ lực học hỏi, cố gắng cải thiện và làm tốt hơn nữa.
Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong chia sẻ trong cuộc họp báo sáng 16-4.
Các chuyên gia cho rằng sự thể hiện của ông Wong trong vai trò đồng chủ nhiệm lực lượng đặc nhiệm ứng phó COVID-19 của Singapore thời gian qua, cùng với hình ảnh dễ gần của ông, khiến ông trở nên khác biệt so với các ứng cử viên khác khi PAP tìm cách thu hút nhóm cử tri trẻ hơn.
Được trui rèn qua nhiều vị trí
Năm 2019, trước khi COVID-19 xuất hiện, khi hỏi bất kỳ một người nào tại Singapore rằng "Ai sẽ là người kế nhiệm ông Lý Hiển Long?" thì câu trả lời luôn là ông Vương Thụy Kiệt (Heng Swee Keat), sinh năm 1961.
Tuy nhiên, sau màn thể hiện gây thất vọng trong tổng tuyển cử năm 2020 (mà trong đó PAP giành được tỉ lệ ủng hộ thấp kỷ lục kể từ năm 2011), sự kỳ vọng trong PAP lẫn dư luận đã dần dịch chuyển.
Tháng 4-2021, viện dẫn lý do tuổi tác và tin rằng Singapore cần một người trẻ để tạo ra "đường băng dài hơn" giúp đất nước cất cánh sau COVID-19, ông Vương xin rút khỏi vị trí lãnh đạo nhóm 4G.
Đó là một diễn biến mà một số tờ báo châu Á mô tả là khiến cả Singapore bị sốc. Điều này xuất phát từ lịch sử của Singapore và PAP, đó là một khi lãnh đạo thế hệ trước đã nhắm ai thì gần như chắc chắn người đó sẽ thành thủ tướng.
Sau cuộc cải tổ nội các hồi tháng 5-2021, ông Vương không còn giữ ghế bộ trưởng tài chính dù vẫn là phó thủ tướng. Vị trí bộ trưởng tài chính được chuyển cho ông Lawrence Wong - vị bộ trưởng giáo dục khi đó mới 49 tuổi.
Vào thời điểm đó, đã có ý kiến râm ran rằng ông Wong là người được Thủ tướng Lý chấm khi giao cho ghế bộ trưởng tài chính - vị trí thường được dành cho người kế nhiệm tập sự. Bản thân ông Lý cũng đã phải thử thách năng lực ở bộ này trong hơn 6 năm trước khi trở thành thủ tướng.
Trước mọi đồn đoán, Thủ tướng Lý chọn cách không giải thích và tuyên bố ông sẽ tiếp tục lèo lái con thuyền Singapore qua bão COVID-19, thay vì nghỉ hưu trước 70 tuổi như dự tính, và sẽ trao lại vị trí cầm lái khi thấy đất nước đã đủ tốt.
Trên thực tế, ông Lý đã bắt đầu tìm người kế nhiệm vào cuối năm 2021, vài tháng trước khi ông đón sinh nhật thứ 70. Đương kim thủ tướng cũng thổ lộ điều này trong cuộc họp báo sáng 16-4, sau khi công bố ông Lawrence Wong là lãnh đạo nhóm 4G.
Bà Meredith Weiss, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học New York, nhận định ông Wong đã xây dựng một hình ảnh "không chỉ có năng lực mà còn dễ gần và có tình có lý".
"Vai trò của ông Wong trong lực lượng đặc nhiệm ứng phó COVID-19, cùng với các vị trí ông từng đảm nhiệm ở mảng giáo dục, tài chính và các vai trò khác trong quá khứ, đã có lợi cho ông ấy" - bà Meredith Weiss nói.
Cuộc họp kín và những vấn đề mở
Dù Thủ tướng Lý Hiển Long không trực tiếp tham gia vào quá trình tham vấn chọn ra lãnh đạo nhóm 4G, nhưng ông mô tả đó là một quá trình "gần như thiền định": cần sự tập trung, bình tĩnh suy xét và gạt bỏ mọi yêu ghét, thiên kiến cá nhân sang một bên.
19 người, trong đó có 17 bộ trưởng nội các thuộc nhóm 4G, đã trải qua hàng giờ nói chuyện với cựu chủ tịch PAP Khaw Boon Wan để nói về những người mà họ nghĩ xứng đáng hơn bản thân mình trong việc trở thành thủ tướng.
"Thủ tướng Lý đã nói với tôi rằng nhiệm vụ của tôi không chỉ là xác định xem ai là người có sự ủng hộ mạnh mẽ nhất từ các bộ trưởng mà còn nghĩ cách làm thế nào để thúc đẩy sự đồng thuận và gắn kết nhóm lại với nhau", ông Khaw chia sẻ trong họp báo sáng 16-4. Cuối cùng, Bộ trưởng Lawrence Wong đã được 15 trong tổng số 19 người lựa chọn.
Khi được hỏi về kết quả này, rằng bản thân có thấy áp lực khi có 4 người không chọn mình (thực tế là 3, vì bản thân ông và những người khác không được tự chọn chính mình), Bộ trưởng Lawrence Wong đã khéo léo đáp ông cảm ơn mọi sự ủng hộ.
Trước đó, trong một câu hỏi khác về thế hệ 4G, ông khẳng định việc lãnh đạo chính trị "chưa bao giờ là chuyện của một người" và cam kết sẽ tập hợp các bộ trưởng khác, xây dựng một nhóm cùng làm việc để dẫn dắt Singapore.
"Để trở thành một thủ tướng hiệu quả, Lawrence Wong cần phải tin tưởng và dựa vào các bộ trưởng của mình. Các bộ trưởng của ông ấy cũng phải góp vai vào, phải hỗ trợ thủ tướng và hỗ trợ cả nhóm. Tất cả họ đều phải cùng nhau ghi thành tích cho Singapore", Thủ tướng Lý giải thích thêm.
Tuần báo Nikkei Asia nhận định đây sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ông Wong cần làm trước cuộc tổng tuyển cử năm 2025, bên cạnh việc cải thiện tỉ lệ ủng hộ của người dân với PAP. Bản thân ông Lý vẫn để ngỏ về khả năng tiếp tục lãnh đạo PAP giành chiến thắng trong tổng tuyển cử năm 2025, sau đó trao lại quyền cho ông Lawrence Wong.
Tuy nhiên trong cuộc họp báo ngày 16-4, ông cũng tuyên bố có thể chuyển giao quyền lực trước bầu cử, vào bất kỳ thời điểm nào ông Lawrence Wong sẵn sàng.
Từ thư ký riêng đến người kế nhiệm
Không giống như Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long, ông Lawrence Wong không xuất thân từ gia đình có truyền thống chính trị hay học những trường tinh hoa ở Singapore.
Nhờ học bổng của chính phủ, ông được đi học tại Mỹ và trở thành công chức tại Bộ Thương mại - công nghiệp khi về nước năm 1997. Năm 2005, ông trở thành thư ký riêng cho ông Lý Hiển Long và gia nhập nội các năm 2011 sau khi đắc cử nghị sĩ.
TTO - Ông Lawrence Wong, người sẽ kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long, được đánh giá có năng lực và dễ gần. Có lần trước Quốc hội Singapore, ông nghẹn ngào rơi nước mắt khi bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhân viên chống dịch.
Xem thêm: mth.88025113271402202-hcid-iad-ut-nel-ion-iougn-gnow-ecnerwal/nv.ertiout