Một hình ảnh trình chiếu nằm trong thông điệp "Beacon In The Galaxy" phát ra bên ngoài Trái đất - Ảnh: Jonathan Jiang/NASA
Cuối tháng 3, các chuyên gia tại Cơ quan Hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) công bố rằng họ đã viết một thông điệp có tên "Beacon In The Galaxy" ra bên ngoài Trái đất.
Thông điệp này được mã hóa nhị phân, phát thông tin về Hệ Mặt trời, bề mặt Trái đất và loài người tới một phần của Dải Ngân hà được xác định là nơi có nhiều khả năng nhất của các nền văn minh ngoài Trái đất.
Đây vốn là phiên bản cập nhật của thông điệp Arecibo từ năm 1974, gửi thông tin tương tự vào không gian bằng kính viễn vọng vô tuyến ở Puerto Rico.
Tuy nhiên, tiến sĩ Anders Sandberg, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Tương lai nhân loại (FHI) của Đại học Oxford, cảnh báo rằng việc chia sẻ những thông tin như vậy có nguy cơ rủi ro rất cao.
Con người từng cố gắng gửi nhiều thông điệp ra ngoài Trái đất để tìm kiếm nền văn minh ngoài vũ trụ nhưng chưa bao giờ có hồi đáp - Ảnh minh họa: Shutterstock
Tiến sĩ Anders Sandberg cho rằng khả năng thông điệp đến được với một nền văn minh ngoài hành tinh là rất thấp. "Beacon In The Galaxy" sẽ gặp khó khăn khi "đi qua" không gian giữa các vì sao và (nếu) đến được với một nền văn minh ngoài Trái đất nào đó thì có thể cũng chẳng hề được coi trọng như những gì chúng ta mong đợi.
"Thông điệp mà chúng ta kỳ vọng đối với họ có thể chẳng khác nào tấm bưu thiếp tẻ nhạt", nhà nghiên cứu Anders Sandberg nói.
Ngược lại, ông cảnh báo việc gửi thông điệp ra ngoài Trái đất của NASA có thể "có tác động tiêu cực lớn đến mức thực sự cần phải xem xét một cách nghiêm túc". Cụ thể là khả năng vô tình tiết lộ vị trí và kích hoạt một cuộc xâm lăng Trái đất của người ngoài hành tinh.
Một chuyên gia khác tại Đại học Oxford là Toby Ord cũng từng đưa ra lập luận tương tự trong The Precipice, cuốn sách xuất bản năm 2020, phân tích những rủi ro tồn tại và tương lai của nhân loại.
Tiến sĩ Ord cho biết câu hỏi cần đưa ra là tỉ lệ các nền văn minh hòa bình so với các nền văn minh thù địch.
"Chúng ta có rất ít bằng chứng về việc này là cao hay thấp, và không có sự đồng thuận khoa học. Do điều tiêu cực rất có thể lớn hơn nhiều so với tích cực nên việc tìm kiếm hoặc gửi thông điệp ra ngoài Trái đất không chắc là điều nên làm", ông nêu trong cuốn The Precipice.
Nhóm nghiên cứu NASA nói gì?
"Beacon In The Galaxy" do nhóm của Jonathan Jiang, một nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm lực đẩy phản lực của NASA, phát minh.
Thông điệp bao gồm các khái niệm toán học và vật lý cơ bản để thiết lập một phương tiện liên lạc phổ biến. Tiếp theo là thông tin về thành phần sinh hóa của sự sống trên Trái đất, vị trí của Hệ Mặt trời trong Dải Ngân hà so với các cụm sao đã biết, cũng như mô tả về Hệ Mặt trời và bề mặt Trái đất được số hóa.
Thông điệp kết thúc bằng những hình ảnh số hóa về hình dạng con người cùng với lời mời cho bất kỳ nền văn minh nào tiếp nhận phản hồi.
Do chúng ta chưa thể biết "người ngoài hành tinh" có thể "nghe, đọc, nói, viết" theo ngôn ngữ nào nên các chuyên gia trong nhóm của Jonathan Jiang đã mã hóa thông điệp dưới dạng nhị phân và truyền bằng kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ 500 mét ở Trung Quốc và Mảng kính viễn vọng Allen của Viện SETI ở California (Mỹ) tới một khu vực trong thiên hà được cho là có nhiều khả năng có sự sống nhất.
Phía NASA chưa có câu trả lời nào trước cảnh báo của chuyên gia tại Đại học Oxford. Jiang và các đồng nghiệp của ông cũng thừa nhận nguy cơ tiêu cực, nhưng cuối cùng phản bác rằng bất kỳ người ngoài hành tinh nào có khả năng giải mã thông điệp nhị phân đều không có khả năng là những kẻ xâm lăng hung hãn.
Nhóm nghiên cứu của Jonathan Jiang cho biết: "Về mặt logic thì một loài đã đạt đến mức độ thông minh để có thể giao tiếp thông qua vũ trụ thì cũng sẽ biết được tầm quan trọng của hòa bình và hợp tác vũ trụ".
TTO - Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang thử nghiệm phương pháp mới để chế tạo kính thiên văn lớn gấp 10-100 lần so với loại kính hiện đại nhất hiện nay.