Một chiếc sà lan và một chiếc ghe chạy trên sông Sài Gòn - Ảnh: GIA TIẾN
Trong một bài viết ngắn, tôi chỉ xin trình bày 3 ý tưởng phát triển dòng sông tuyệt vời này:
Nắn thẳng dòng sông tạo nên một trục giao thông thủy bộ huyết mạch cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bảo tồn và xanh hóa hai bờ hình thành một không gian đáng sống và thiết kế một trái tim tâm điểm cho khối ASEAN trên sông.
1. Nắn thẳng sông Sài Gòn
Nhìn trên bản đồ dòng sông 256km này, bạn sẽ ngạc nhiên: "Ồ, sao nó thẳng thế". Nhưng trên thực tế, sông Sài Gòn không quá thẳng, đặc biệt là khúc sông từ bán đảo Thanh Đa ra đến điểm đổ vào sông Đồng Nai.
Cái khúc ngoằn ngoèo này tạo nên vẻ đẹp của dòng sông, nhưng cũng gây ra nhiều bất cập. Tàu bè di chuyển mất nhiều thời gian; khó xây một cao tốc "cong đến bất hợp lý" nương theo bờ sông và đặc biệt, thuyền bè vận tải chạy vào sát trung tâm thành phố, thiếu mỹ quan và gây ô nhiễm.
Các bất cập nói trên có thể giải tỏa hoàn toàn bằng cách nắn cho sông Sài Gòn thẳng lại. Chỉ cần đào hai đoạn kinh khúc Thanh Đa và Thủ Thiêm như phác họa trên bản đồ.
Không quá khó để làm điều đó. Trước đây kinh Thanh Đa đã từng được đào. Tuy nhiên, do hoàn cảnh thực tế lúc đó, dòng kinh đào quá nông và nhỏ, nên ngày nay, sà lan lên xuống chở container và vật liệu xây dựng với Bình Dương, Tây Ninh và Củ Chi, Hóc Môn vẫn phải đi vòng theo dòng chính.
Nếu ta khơi rộng và sâu thêm con kinh này, đủ để hai luồng sà lan tránh nhau, thì chúng có thể chạy một quãng đường nhiều lần ngắn hơn đi vòng như hiện nay.
Với Thanh Đa, ta phá bỏ cầu Kinh hiện tại nếu không đủ tĩnh không cho sà lan vận tải, xây hai cây cầu (trong dự định xây 5 cây cầu nối Thanh Đa ra bên ngoài) qua dòng chính cũ sẽ đơn giản và rẻ hơn nhiều vì không cần tĩnh không cao tương đương cầu Sài Gòn và cầu Bình Triệu (tàu bè đã đi lối kinh đào rồi).
Người dân Thanh Đa qua 2 cây cầu mới đó sẽ đi lại qua xa lộ Hà Nội và đường Phạm Văn Đồng, giảm bớt áp lực ùn tắc cho vòng xoay Hàng Xanh và ngã năm Đài liệt sĩ, vốn đang là nỗi kinh hoàng kẹt xe hiện nay.
Tương tự, một con kinh khác được đào phía bắc Thủ Thiêm (xem bản đồ). Nền đất mềm và xốp khiến việc đào đơn giản hơn cảm giác ban đầu rất nhiều.
Cần khảo sát thêm về "túi bùn" dưới nền đất Thủ Thiêm và ảnh hưởng của việc "vỡ túi bùn" đối với các kiến trúc cao tầng đã và sẽ xây trên nền đất này. Đất đào dùng để san lấp, bồi cao thêm nền đất Thủ Thiêm cũng rất có lợi cho kiến trúc tương lai và đỡ ngập úng.
Cùng với kinh Thanh Đa, kinh Thủ Thiêm nắn cho sông Sài Gòn thẳng lại, tạo nên một trục giao thông thủy thuận tiện hơn nhiều so với đường sông chạy vòng vèo theo dòng chính hiện nay.
Với một dòng sông "đã tương đối thẳng", ta có thể xây ở bờ đông sông Sài Gòn một trục giao thông đường bộ cho xe container chở hàng lên xuống giữa Bình Dương, Tây Ninh, bắc TP.HCM với các cảng lớn Cát Lái, Hiệp Phước, Phú Mỹ. Từ đó, nghiên cứu xây dựng các cụm công nghiệp tại khu vực hợp lưu sông Sài Gòn vào sông Đồng Nai.
2. Đôi bờ đáng sống
Việc đào kinh Thủ Thiêm sẽ "đẩy" vận tải đường sông Sài Gòn ra xa khu trung tâm TP.HCM, mở ra khả năng xanh hóa phần cong của dòng sông, đặc biệt là khúc từ Thanh Đa đến hết quận 4, biến hai bờ thành nơi vui chơi, nghỉ dưỡng cho người dân thành phố.
Các nhà thiết kế tha hồ thỏa chí sáng tạo với một khúc sông mềm mại, bình yên và đáng yêu như vậy. Với lớp trẻ đang "vô cùng thiếu chỗ chơi", đây chính là sự quan tâm không thể phủ nhận của chính quyền thành phố đối với họ.
Bán đảo Thanh Đa trở thành đảo xanh của TP.HCM với cụm dân cư cao tầng phía cầu Kinh và cụm công viên, nghỉ dưỡng phía bến đò Bình Thọ. Với quy hoach đó, hai cây cầu thấp là quá đủ cho bán đảo này, chứ không cần đến 5 cây cầu như dự định trước đây.
Ngược lên thượng nguồn, nên quy hoạch các khu dân cư xen kẽ các khu công viên xanh men theo hai trục xa lộ hai bên bờ sông. Hai tuyến đường đôi bờ phải thiết kế đủ lớn để chịu tải được áp lực dân số chắc chắn sẽ đè lên chúng.
Các tuyến đường ven sông nên lùi xa bờ một chút để giữ được cảnh quan đôi bờ tự nhiên, với chim muông và ếch nhái. Tôi tin, đôi bờ sông Sài Gòn sẽ là đôi bờ đáng sống nhất Việt Nam.
3. Trái tim ASEAN
Khi đào kinh Thủ Thiêm, vô tình chúng ta tạo ra một hòn đảo nằm giữa dòng tự nhiên và dòng nhân tạo của sông Sài Gòn. Nhìn trên bản đồ, chúng ta sẽ phải thốt lên: "Chính tâm của ASEAN!".
Quả vậy, nếu lấy hòn đảo đó làm tâm và mở khẩu độ compa 2 giờ bay, toàn bộ các thành phố lớn của ASEAN sẽ nằm lọt trong vòng tròn đó. Việc xây dựng và đưa vào vận hành sân bay Long Thành càng tôn thêm lợi thế tuyệt vời này.
Hãy biến điều đó thành lợi thế của TP.HCM. Trong tất cả các thành phố lớn của ASEAN, thành phố của chúng ta là thành phố lớn duy nhất không phải là thủ đô một nước. Thì sao? Bạn có thú vị với ý tưởng về một "trái tim" hay "thủ đô một khối" không?
Sẽ tuyệt vời nếu "đảo" Thủ Thiêm trở thành trung tâm quyết sách ASEAN với hàng vạn văn phòng đầu não của các công ty lớn và các tổ chức quốc tế. Sẽ tuyệt vời nếu "đảo" Thủ Thiêm trở thành trung tâm tài chính thương mại với hàng ngàn công ty tài chính, siêu thị, xuất nhập khẩu cùng các chủ thể khác tạo nên nền tài chính thương mại ASEAN và thế giới hiện nay. Sẽ tuyệt vời nếu "đảo" Thủ Thiêm trở thành trung tâm văn hóa - trí tuệ với hàng trăm nhà hát, khu biểu diễn, hãng phim, trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm,...
Và những điều tuyệt vời không phải là huyễn tưởng. Nó rất khả thi. Vấn đề là chúng ta có đủ ý chí để biến những điều khả thi của sông Sài Gòn đó thành hiện thực hay không mà thôi.
Hãy đào một con kinh!
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
TTO - Để phát triển sông Sài Gòn, hãy để các công trình xây dựng ven sông bắt buộc phải có mặt tiền hướng ra sông. Khi mặt tiền là sông Sài Gòn, tức các chủ đầu tư sẽ chú trọng, tôn tạo và bảo vệ môi trường mặt tiền này.
Xem thêm: mth.39850210181402202-mit-iart-tom-oat-av-aoh-hnax-gnaht-nan-nog-ias-gnos/nv.ertiout