Điều đáng báo động, trong các vụ án xuất phát từ mâu thuẫn, thách đố trên mạng xã hội, chủ thể phạm tội trong vụ án là thanh thiếu niên. Theo các chuyên gia, không chỉ giới trẻ mà mọi người đều cần học các kỹ năng tương tác, tham gia mạng xã hội một cách phù hợp, an toàn.
Những mảng tối tâm lý dễ bộc phát
Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang (nhà hoạt động xã hội và tác giả sách) cho biết, nhiều người có thể xem mạng xã hội chính là "sân khấu" và xét khi về mặt tiêu cực thì nó có thể khiến con người đánh mất sự kiểm soát bản thân, nghĩ mình oách hơn người chỉ bởi những lượt thích, chia sẻ và bình luận.
“Dần dần con người sẽ có nhu cầu thể hiện bản thân nhiều hơn vì nghĩ rằng đó là cách thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng và một trong những cách kiếm được nhiều tương tác chính là lên mạng xã hội tạo dư luận chẳng hạn, như: chửi bới, vu khống, xúc phạm, lăng nhục người khác. Thực tế, hành vi này không chỉ xảy ra ở giới trẻ...”, TS Giang phân tích.
Theo các chuyên gia, giới trẻ cần được dạy cách tương tác, tham gia mạng xã hội một cách phù hợp NGỌC DƯƠNG |
TS Giang nêu dẫn chứng và nói thêm, trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng có hành vi lên mạng xã hội chửi bới, vu khống, xúc phạm người khác... làm dậy sóng môi trường mạng xã hội, khiến cho đông đảo người tò mò, quan tâm. Từ đó có thể hình dung rằng việc thanh thiếu niên đăng lên mạng xã hội để chửi bới, xúc phạm ai đó cũng vì nghĩ rằng bản thân sẽ được quan tâm, nổi tiếng giống như thế.
"Cho nên lỗi ở đây không phải của giới trẻ mà là của cả cộng đồng, bởi vì có người không phản đối, lên án những hiện tượng sai trái mà thậm chí còn chạy theo ủng hộ, cổ vũ cho những sai trái diễn ra trên môi trường ảo và không có chứng cứ xác thực", TS Giang nhận định.
TS Giang cho rằng có thể do giới trẻ chưa được dạy cách tương tác với người khác một cách phù hợp, cộng với việc chứng kiến người thân, hàng xóm vì bất đồng mà đánh nhau hoặc do thường xuyên sử dụng mạng xã hội để giao tiếp dần trở tâm lý dễ kích động, bạo lực được nuôi dưỡng.
Mặt khác, giao tiếp qua mạng xã hội dễ đẩy mâu thuẫn, xung đột lên cao trào hơn, vì nếu trò chuyện ngoài đời thực ta còn thấy biểu cảm của đối phương còn giao tiếp qua mạng xã hội thì ta khó đoán ra đối phương đang nghĩ gì, thế nào nên dễ sinh tâm lý căm ghét, thù hằn. Do đó, những mảng tối tâm lý của con người sẽ dễ bộc phát hơn trên mạng xã hội.
Mạng xã hội là yếu tố xúc tác hành vi bạo lực, hung tính
Theo TS Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khoẻ tinh thần, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, hiện nay đa số thanh thiếu niên đều sử dụng internet và mạng xã hội. Trước tiên, mạng xã hội có nhiều lợi ích như tìm kiếm thông tin, kết nối xã hội, giải trí, quảng cáo và bán hàng.
Nhiều bài đăng trên mạng xã hội Facebook "nhuốm màu" bạo lực ẢNH CHỤP MÀN HÌNH |
Tuy vậy, việc sử dụng mạng cũng có những tác động tiêu cực như làm giảm mối quan hệ thân mật thực tế, bị mất an toàn, an ninh khi sử dụng mạng, trong đó phải kể đến bạo lực, xâm hại, lạm dụng hay lừa đảo. Điều này, khiến giảm sút chất lượng và thành tích học tập, nghề nghiệp và gia tăng các vấn đề sức khoẻ tâm thần như: cô đơn, tự đánh giá thấp bản thân, các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu.
Theo TS Công, trên thực tế, những hành vi bạo lực có thể dễ bùng nổ dưới yếu tố xúc tác là... mạng xã hội. Một số nghiên cứu cho thấy mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến hành vi bạo lực ở thanh thiếu niên, điều này có thể lý giải có thể do khi sử dụng mạng làm cho gia tăng cảm xúc và nhận thức tiêu cực. Điều này có thể kích hoạt hoặc dẫn tới các hành vi bạo lực. Ngoài ra, cũng có thể việc sử dụng mạng làm thay đổi nhận thức về bản thân hoặc tập nhiễm hành vi bạo lực dẫn tới các hành vi tiêu cực ngoài đời thật.
Cần bài trừ những hiện tượng sai trái trên mạng xã hội
Theo TS công, có nhiều cách để phòng ngừa, ngăn chặn cảm xúc tiêu cực, bạo lực khi sử dụng mạng xã hội dẫn đến sự việc đáng tiếc.
Thứ nhất, cần giáo dục năng lực cảm xúc xã hội cho trẻ em và thanh thiếu niên. Việc giáo dục này phải là liên tục cả trong nhà trường và gia đình để giúp cá nhân có năng lực quản lý cảm xúc và hành vi xã hội tiêu cực.
Thứ hai, học sinh thường có các khó khăn tâm lý do vậy cần được hỗ trợ tham vấn bởi giáo viên, các nhà tâm lý hoặc gia đình khi các em cần. Cần giáo dục cá nhân, trong đó có học sinh các kỹ năng sử dụng mạng an toàn và hiệu quả. Điều này có thể phòng tránh các nguy cơ lâu dài hoặc ngắn hạn.
Mặt khác, theo TS Giang, cần tôn vinh văn hóa phi bạo lực, bài trừ những hiện tượng sai trái trên mạng xã hội. "Muốn dạy con hiệu quả thì mỗi phụ huynh cần phê phán, lên án những hành vi lên mạng xã hội chửi bới, vu khống, xúc phạm người khác thay vì tung hô. Khi người lớn khước từ được những điều xấu xí do người lớn tạo ra thì thanh thiếu niên mới mong có môi trường phát triển toàn diện", TS Giang phân tích.