Minh họa: DAD
Trong nghệ thuật nghe nhìn có thuật ngữ phân nhãn để chỉ trường hợp một đối tượng bị đặt vào khung cảnh, đạo cụ, trang phục, trang sức, ánh sáng... nào đó khiến khán giả mất tập trung chủ thể. Thực tế này diễn ra khá rõ trên các bục diễn thuyết.
Chuyện để hoa trên bục diễn thuyết hình như chỉ có ở ta và vài nước châu Á, ở những xứ Âu tôi có dịp đi qua không thấy hoặc rất ít. Diễn giả của họ vì thế được cử tọa nhìn, nghe tập trung hơn. Ở nước ta, bắt đầu từ chuyện trang trí cho lịch sự, các "ảng" hoa trên bục diễn thuyết ngày càng phô ngợp.
Hoa làm con người thêm lễ nghĩa, thanh tao, lịch lãm và văn minh, nhưng hoa trên bục diễn thuyết dày dày lớp lớp thì có gì hơi gợn xốn. Ngoài chuyện làm phân nhãn, mất tập trung chủ thể, đám hoa dày đặc kia gây cảm giác xuê xoa nếu là hoa giả, xót xa ngân sách nếu là hoa thật.
Tôi có quen một nữ thương nhân chuyên doanh hoa lá, cây cảnh. Sau chiến tranh, kinh tế đất nước khó khăn, cả nhà đi nước ngoài sinh sống nhưng bà nhất quyết ở lại. Hỏi lý do thì bà nói con người đâu đâu cũng yêu hoa, nên qua thời đói kém chắc chắn xã hội sẽ lại cần hoa cho nhiều lĩnh vực đời sống; nghề của bà chắc chắn sẽ phục sinh, tấn phát. Bà nghĩ đúng.
Thế gian ai ai cũng yêu hoa, tôi cũng thích ngắm, chưng hoa, thích được tặng, được nhờ cậy hoa gửi yêu thương, nuối tiếc... Nhưng những ảng hoa đẹp tốn vài triệu đồng ngân sách kia có vẻ không cộng gì cho nội dung nghị sự, đôi khi còn trớ trêu khi chủ tọa nói về những nội dung căng thẳng, đau buồn... Kém sang hơn nếu phóng viên chọn góc máy lấy hoa làm "điểm nhấn", lấn át luôn chủ thể.
Cái đẹp chỉ cần và đẹp khi đặt đúng chỗ. Các quốc gia phát triển ít ai để hoa trên bục diễn giả, đặc biệt nơi công sở. Trong khi ở nước ta hoa trang trí này cứ ngày một phô trương, phổ biến như "ảnh tượng" riêng. Với một đất nước vừa trải qua những ngày đau thương, tang tóc do đại dịch, các hình ảnh và hình tượng kia trở thành xa xỉ, thiếu tự tin.
Dẫu biết đây là chuyện nhỏ giữa muôn trùng chuyện lớn, nhiều nơi không để ý đến chuyện hình thức này, cứ trang bày như thói quen lâu nay. Nhưng là một nghệ sĩ và là một công dân trong rất nhiều công dân trân cầu thực chất, tôi xin được lên tiếng. Hy vọng ý kiến chân thành của tôi và rất nhiều người có tâm trạng như tôi sẽ được lưu tâm.
TTO - Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường không tổ chức lễ tri ân - trưởng thành dành cho học sinh các lớp cuối cấp một cách phô trương, hình thức gây tốn kém cho phụ huynh và học sinh.
Xem thêm: mth.47225711281402202-aoh-ax-cou-gnom/nv.ertiout