Dai-ichi Life đã đi giám định chữ ký và có quyết định hủy giao dịch tạm ứng, khách hàng không bị mất tiền - Ảnh: BÔNG MAI
Phản hồi với Tuổi Trẻ Online, Dai-ichi Life cho biết đã thực hiện giám định chữ ký liên quan đến vụ khách hàng Phượng (quận 7, TP.HCM) và khách hàng Mai (quận Tân Phú, TP.HCM), trong vụ tố bị đại lý bảo hiểm tự ý dùng thông tin cá nhân, giả mạo chữ ký trên "Phiếu yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm" và trên hồ sơ mở tài khoản tại Ngân hàng Bảo Việt (chi nhánh Nam Sài Gòn), nhằm rút trót lọt của mỗi người 100 triệu đồng và 350 triệu đồng tiền bảo hiểm.
Theo đó, sau khi làm việc với hai khách hàng vào ngày 21-3 và 23-3, đại diện Dai-ichi Life đã mang chữ viết và chữ ký của hai khách hàng trên cho bên thứ ba giám định, toàn bộ khoản phí do doanh nghiệp trả.
Trường hợp khách hàng Phượng, Dai-ichi Life cho biết trên cơ sở kết quả giám định chữ viết và chữ ký, doanh nghiệp sẽ thực hiện hủy bỏ giao dịch tạm ứng đã thực hiện trong vụ việc liên quan. Vì vậy, các giá trị hợp đồng vẫn được giữ nguyên, đồng nghĩa với việc không có giao dịch rút ra 100 triệu đồng.
Tính đến nay hợp đồng bảo hiểm của chị Phượng có tổng giá trị hơn 436 triệu đồng.
"Chúng tôi chân thành xin lỗi quý khách về sự việc vừa qua làm quý khách phiền lòng", ông Trương Minh Tâm - phó tổng giám đốc công nghệ và dịch vụ bảo hiểm Dai-ichi Life, chia sẻ trong văn bản gửi khách hàng Phượng, sau khi có kết quả giám định chữ ký.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm cũng cho biết đã trình báo sự việc đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM. Do đó khi có yêu cầu phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan công an, doanh nghiệp mong khách hàng cùng hợp tác để nhằm làm rõ sự việc.
Ngoài ra, khách hàng Mai (quận Tân Phú) cũng cho biết phía doanh nghiệp bảo hiểm đã liên hệ, thông báo sẽ hủy giao dịch tạm ứng, như cách làm với khách hàng Phượng. Đồng thời hai bên tiếp tục giải quyết các khúc mắc khác cũng liên quan đến người đại lý bảo hiểm trong vụ việc.
Văn bản Dai-ichi Life gửi khách hàng Phượng, thông báo sẽ hủy giao dịch tạm ứng, toàn bộ giá trị hợp đồng bảo hiểm vẫn được giữ nguyên như cũ - Ảnh: NVCC
Theo ông Trần Nguyên Đán - giảng viên bộ môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM - cách hành xử của Dai-ichi Life trong việc bảo toàn hợp đồng bảo hiểm cho khách là hợp lý, vì xem như công ty chịu tất cả các thiệt hại tài chính thay cho khách.
Dù vậy, doanh nghiệp nên xúc tiến tố cáo đại lý bảo hiểm liên quan và cập nhật tiến độ vụ việc cho khách.
Ngoài ra, ông Đán cho rằng doanh nghiệp cũng nên tự động xác nhận lại tất cả các giao dịch tương tự xem có trường hợp nào giống vậy hay không.
"Không riêng Dai-ichi Life, trường hợp giả chữ ký khách hàng không phải hiếm thấy trong ngành bảo hiểm, chỉ là khách hàng có biết và có khiếu nại hay không", ông Đán cho hay đồng thời khuyến cáo sự việc trên cũng là hồi chuông cảnh báo để các doanh nghiệp bảo hiểm khác cẩn trọng.
Thêm vào đó, từ vụ việc trên cũng phải làm rõ vai trò của ngân hàng. "Ngân hàng không thể vô can", ông Đán nói. Bởi nếu nhân viên ngân hàng không sơ suất thì người đại lý bảo hiểm cũng khó qua mặt để mạo danh mở tài khoản rồi nhận tiền.
TTO - Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng trong thị trường bất động sản, khách hàng thường là "bên yếu thế", do đó cần bổ sung các quy định về bảo hiểm để bảo vệ người mua nhà trước rủi ro.