Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương điều chỉnh mức giá tối đa dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa do các hãng hàng không Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi giá nhiên liệu tăng cao.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam - cho rằng, giá trần không phải là giá bán cụ thể mà là mức tối đa của khung giá và các hãng hàng không không được đưa ra mức giá bán vượt mức trần này. Việc điều chỉnh giá trần sẽ tạo khung pháp lý để các hãng tăng giá so với giá hiện hành và giá được phép tăng lên 3,75%.
Giá vé các chặng bay nội địa có thể tăng ngay nếu giá trần được nâng lên (trong ảnh: Hành khách làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất) - Ảnh: Q.Thái |
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Du lịch Việt Nam - lo ngại, khi nới giá trần, giá vé cụ thể sẽ tăng, ảnh hưởng đến ngành du lịch. Sau các đợt dịch COVID-19, kinh tế đang phục hồi nên cần thời gian để kích cầu tiêu dùng. Chính phủ vừa cho mở cửa toàn bộ dịch vụ từ sau ngày 15/3 nên các chính sách kích cầu càng trở nên quan trọng. Trong ngành du lịch, các doanh nghiệp (DN), nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan… đang giảm giá, chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc không có lợi nhuận để kích cầu tiêu dùng và rất cần sự đồng hành của ngành hàng không. Giá nhiên liệu thế giới tăng và giảm là điều bình thường, do đó, các DN hàng không nên tính toán phương án kinh doanh để có nguồn khách hàng lâu dài, ổn định chứ không nên chăm chăm tăng giá vé theo giá nhiên liệu.
Theo Cục Hàng không, việc tăng giá trần không đồng nghĩa với việc tăng giá vé máy bay mà chỉ nhằm tạo điều kiện cho các hãng hàng không đưa ra giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, tăng cường loại vé giá rẻ nhằm kích cầu, khuyến khích khách đi máy bay.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, về lý thuyết, lý giải của Cục Hàng không là không sai, nhưng trong thực tiễn, việc tăng giá trần đồng nghĩa với việc tăng giá vé nếu các hãng hàng không muốn, bởi họ được quyền tăng tối đa trong khung đã được nới. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định điều chỉnh giá trần. Thay vào đó, bộ nên cho phép phụ thu nhiên liệu. Đây là cách ứng xử linh hoạt trong điều hành giá. Giá nhiên liệu tăng thì không điều chỉnh giá vé hành khách mà chỉ phụ thu để bù vào giá nhiên liệu, khi giá nhiên liệu giảm thì giảm hoặc bỏ phụ thu nhiên liệu.
Nếu mức trần giá vé được thông qua như đề xuất, giá các chặng bay có thể tăng lên thêm từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chặng. Theo ghi nhận của chúng tôi, giá vé nhiều chặng bay dịp lễ 30/4 sắp tới rất cao và hết vé ở nhiều chặng, nhất là các chặng đi hoặc đến Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Lạt, Nha Trang. Cụ thể, chặng TPHCM - Phú Quốc ngày 30/4 còn rất ít vé khung giờ sáng, chỉ còn Vietnam Airlines có hai chặng nhận khách với giá 1,9 triệu đồng/vé/chiều, vé giá rẻ hoặc đi giờ muộn (sau 17g) là từ 1,5 triệu đồng/vé/chiều. Tương tự, giá vé chặng Hà Nội - Phú Quốc của Vietnam Airlines không dưới 3 triệu đồng/chiều, chặng TPHCM - Côn Đảo chỉ còn vé bay vào 23g59 ngày 30/4 với giá 1,7 triệu đồng/chiều, chặng Hà Nội - Côn Đảo không dưới 4,5 triệu đồng/vé/chiều. Nếu cộng thêm 250.000 đồng/vé/chiều thì dịp lễ tới, giá vé sẽ còn cao thêm nữa. |
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.0861641a-yab-yam-ev-aig-nart-gnat-ceiv-cahn-nac-nac/nv.moc.enilnounuhp.www