Nói về hiện tượng sốt đất trong một toạ đàm do VTC tổ chức mới đây, GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường cho rằng, người ta chỉ gọi một đất nước rơi vào tình trạng sốt đất khi đất trên toàn bộ thị trường bị sốt, còn nếu chỉ tại một địa phương nào đó, tại một thời điểm nào đó thì có thể coi là biến động giá. Theo GS. Đặng Hùng Võ nhận định tình trạng ở Việt Nam hiện nay là sốt đất.
Ông Hùng khái quát Việt Nam có 4 lần sốt đất. Trong đó lần sốt đất thứ 3 (2007-2008) và lần thứ 4 (2020-2022), giá đất đã lên quá cao. Vị GS dẫn theo một nghiên cứu của Australia cho rằng, một nền kinh tế chỉ cần đầu tư 1/3 vốn của xã hội vào thị trường bất động sản là hợp lí, nếu vượt thì sẽ có nguy cơ sốt đất. Một đất nước muốn phát triển kinh tế thì phải đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tức là những nơi sản xuất ra hàng hóa tiêu dùng, đây là đầu tư vào đồng tiền động. Trong khi đó, đầu tư vào bất động sản là đầu tư vào đồng tiền nằm yên, đồng tiền chết.
GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường
"Sự thực mà nói, những người giàu ở Việt Nam chủ yếu là nhờ đất. Trong đó có thể những người không có chức tước hay làm doanh nghiệp gì, suốt đời chỉ lọ mọ đi mua đất, nhà ở nhưng mang tính tích trữ, có đồng nào để vào nhà đất... Cũng có các đại gia bất động sản đều giàu lên rất nhanh từ đất.
Đầu tư vào bất động sản là đầu tư vào đồng tiền chết, tức là quẳng tiền vào một chỗ và bắt nó nằm yên. Không có lý thuyết kinh tế nào cổ động cho việc đó cả. Tôi cho rằng việc để nền kinh tế Việt Nam dẫn đến chỗ người dân cứ đi vay rồi bỏ tiền vào bất động sản là điều không hay chút nào cả", vị chuyên gia nhận định.
GS. Đặng Hùng Võ cho rằng hiện những người mong muốn giàu lên nhờ đất càng ngày càng nhiều và người có tiền muốn đi theo con đường bất động sản để tiếp tục giàu thêm lại càng nhiều hơn nữa. Thực trạng người Việt làm giàu nhanh từ đất đai là một điều đáng buồn.
GS. Đặng Hùng Võ còn cho rằng ngay cả các doanh nghiệp bất động sản cũng chỉ mong sốt. Ví dụ một dự án của một nhà đầu tư đứng đắn, xin và được phê duyệt, họ đầu tư rồi bán nhưng họ cũng chờ sốt đất. Họ không cần làm gì cả, miễn là có thông tin về sốt đất thì lập tức đưa giá bán lên gấp đôi nhờ hưởng lợi từ hiện tượng này. Khi tăng giá lên, lợi nhuận đối với doanh nghiệp là đồng tiền thật, nhưng đối với nền kinh tế là ảo, vì nó được hình thành mà không có sự đảm bảo, tăng lên của vật chất.
Hoàng Thuỳ
Theo Nhịp Sống Kinh Tế