Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (hàng đầu tiên, bìa trái) và các đại biểu tham dự hội thảo 25 năm phát triển tỉnh Bình Dương - Ảnh: B.S.
Ngày 20-4, tại phiên toàn thể và bế mạc hội thảo "Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: thành tựu và triển vọng" do Hội đồng Lý luận trung ương, Tỉnh ủy Bình Dương và tạp chí Cộng Sản tổ chức, nhiều ý kiến ghi nhận sự phát triển của tỉnh nhưng cũng cảnh báo những thách thức mới.
TS Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng với những khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ dẫn đầu cả nước, Bình Dương đã làm được "kỳ tích", có nhiều đóng góp có tính chất "phá rào", nhiều cách làm hay nhưng song song với đó là nguy cơ bị sai sót. Vì vậy, cơ quan trung ương cần đồng hành, không để các địa phương năng động như Bình Dương đơn độc. Trung ương cần ghi nhận những cách làm "phá rào" nhưng vì khát vọng phát triển, động cơ trong sáng, có đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Quốc Dũng - giám đốc Học viện Chính trị khu vực II - cho rằng vừa qua Bộ Chính trị đã có kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, dám nghĩ dám làm. Đây là một chủ trương quan trọng để những địa phương năng động, sáng tạo như Bình Dương tiếp tục tìm tòi cách làm mới, đột phá.
Sinh viên các trường đại học tại Bình Dương trưng bày các sản phẩm sáng tạo bên lề hội thảo - Ảnh: B.SƠN
Ông Phạm Ngọc Thuận - tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC (doanh nghiệp vốn nhà nước chi phối, thuộc UBND tỉnh Bình Dương) - cho rằng mặc dù tự hào về các thành tựu nhưng Bình Dương cũng nhận ra các thách thức mới, đó là: bẫy thu nhập trung bình đến sớm hơn các tỉnh thành khác; đòi hỏi thay đổi giữa cơ cấu công nghiệp hiện chiếm chủ yếu để chuyển sang thương mại dịch vụ; sự quá tải về hạ tầng giao thông và đòi hỏi về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...
Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - trình bày thông điệp kết thúc hội thảo cho biết Bình Dương cần tiếp tục duy trì sự đoàn kết, kế thừa thành tựu hơn 25 năm phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư nhưng cũng cần tiếp tục có những đột phá trong giai đoạn tiếp theo thông qua đề án "thành phố thông minh". Theo đó, Bình Dương sẽ xây dựng hệ sinh thái công nghiệp mới và môi trường đổi mới sáng tạo... để tăng năng suất lao động. Qua đó sẽ vượt qua bẫy thu nhập trung bình và có nhiều tiện ích, công trình an sinh xã hội giúp mọi người đến với Bình Dương đều là nơi "đất lành chim đậu", không để ai bị bỏ lại phía sau sự phát triển.
Thu hút đầu tư và thu nhập bình quân ở top đầu cả nước
Ông Nguyễn Xuân Thắng - ủy viên Bộ Chính trị, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương - đánh giá mô hình phát triển của Bình Dương có nhiều thành tựu độc đáo, cần được đánh giá khi tổng kết sự phát triển của đất nước. Tiêu biểu như GRDP bình quân đầu người của Bình Dương đạt gần 7.000 USD/người/năm (tương đương với Thái Lan - PV), thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước dù tỉnh này có ít tài nguyên thiên nhiên, không có sân bay, không có cảng biển.
Từ năm 1997 đến nay, dân số Bình Dương đã tăng gần 300% với hàng triệu người chọn đến Bình Dương sinh sống và làm việc. Bình Dương cũng là "thủ phủ sản xuất công nghiệp", là nơi hiếm hoi có cả ba loại hình doanh nghiệp rất thành công gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).
Bẫy thu nhập trung bình là gì?
Theo các chuyên gia, bẫy thu nhập trung bình là tình trạng khi một nền kinh tế đạt đến mức thu nhập bình quân nhất định với những lợi thế sẵn có thì "dậm chân" tại mức thu nhập ấy mà không thể vượt qua ngưỡng thu nhập đó để trở nên giàu có hơn.
Đối với Bình Dương, các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng mặc dù tỉnh này đang có thu nhập bình quân đầu người ở tốp cao nhất cả nước nhưng những lợi thế cạnh tranh trước đây không còn. Ví dụ như trước đây Bình Dương đi đầu về phát triển công nghiệp thì nay cả nước hầu như tỉnh nào cũng đã có khu công nghiệp. Trước đây Bình Dương được khen về "trải chiếu hoa thu hút đầu tư" thì nay nhiều tỉnh cũng rất nỗ lực trong cải cách hành chính để thu hút đầu tư...
Vì vậy, chuyên gia cho rằng "bẫy thu nhập trung bình" của Bình Dương đã xuất hiện, đòi hỏi tỉnh này phải có những cách làm mới. Qua đó thu hút được đầu tư chất lượng cao, giảm các nhà máy chiếm nhiều lao động, thu hút các nhà máy ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động, qua đó tăng thu nhập và đời sống của người dân, vượt được "bẫy thu nhập trung bình".
TTO - Từ một tỉnh thuần về nông nghiệp với xuất phát điểm thấp nhưng với sự năng động, sáng tạo phát triển công nghiệp, hạ tầng và thu hút đầu tư, tỉnh Bình Dương trở thành "miền đất hứa".