Tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều nay, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết, đã chỉ đạo cơ quan chức năng Italy ngăn chặn không giao hàng cho bên thứ ba và tiếp tục điều tra, đưa vụ việc ra xét xử.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Italy đã phối hợp tích cực xử lý vụ việc.
Các container điều xuất khẩu bị mất kiểm soát của 5 doanh nghiệp Việt bắt đầu được phát hiện từ đầu tháng 3 khi các doanh nghiệp xuất khẩu phát hiện nhiều dấu hiệu lừa đảo khi gửi hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ. Số SWIFT (mã riêng của từng ngân hàng được sử dụng trong các giao dịch liên ngân hàng trên toàn cầu), bị thay đổi nhiều lần.
Sau khi ngân hàng bên mua nhận chứng từ, đối tác mua hàng lại thông báo không đúng thông tin của họ, yêu cầu trả lại bộ chứng từ, nhưng lại không ghi rõ trả theo hình thức nào dù phía ngân hàng Việt Nam đã nhiều lần liên hệ. Một số hợp đồng khác được phía ngân hàng Italy thông báo, hồ sơ gửi chỉ là bản photo, không phải bản gốc, thậm chí là giấy trắng.
Theo tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh, trong 36 container điều bị mất kiểm soát, thực tế chỉ có 35 chiếc bị mất bộ chứng từ gốc (cái còn lại đã tìm thấy chứng từ và đang trong quá trình bán cho đối tác nước ngoài). Trong số này, 10 container đã thỏa thuận xong với hãng tàu về việc đặt cọc, bảo lãnh để đưa hàng trở lại Việt Nam.
9 container điều khác được một công ty cho rằng họ "không biết việc có người đứng tên công ty mình" để đặt mua. Do đó, họ đã từ chối nhận lô hàng trên để hãng tàu trả lại quyền sở hữu cho người bán. 16 container còn lại đang được xử lý tiếp.
Hiện, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng của Italy điều tra làm rõ hành vi lừa đảo để tòa án ra phán quyết, làm cơ sở cho doanh nghiệp sớm lấy lại hàng.
Cũng tại cuộc điện đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Italy sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), ủng hộ và thúc đẩy EU gỡ bỏ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam (IUU). Ông cũng mong muốn Italy sớm công nhận hộ chiếu vaccine và tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm, trái cây mùa vụ như xoài, thanh long, vải thiều...
Thủ tướng Mario Draghi cam kết Chính phủ nước này sẽ thúc đẩy Quốc hội Italy sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA; khẳng định các doanh nghiệp Italy mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, quản lý nguồn nước, đổi mới sáng tạo...
Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5,6 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020.
Anh Minh