Nhiều bạn trẻ chọn mua chung cư bình dân vùng ven TP với giá khoảng 1,5 - 2,5 tỉ đồng và chấp nhận đi làm xa Ảnh: QUỐC MINH
Sức lực, tinh thần của họ bị "bào" hết mức để gồng số tiền trả góp mỗi tháng và chắt bóp chi tiêu, cắt hết các thú vui giải trí. Thậm chí có người còn phải hoãn sinh con vì sợ không nuôi nổi.
Không dám sinh con, để tiền trả nợ
Như nhiều người trẻ, vợ chồng chị Trần Mai Linh (ở TP Thủ Đức, TP.HCM) có ý định tìm kiếm một nơi ở đứng tên mình tại thành phố dù thu nhập ở mức ba cọc ba đồng. Năm 2015, đôi vợ chồng mới cưới bắt đầu tìm kiếm chỗ ổn định. Sau mấy lần tìm kiếm, họ chấm được căn hộ ở phường Linh Trung, TP Thủ Đức.
Căn hộ có giá 1,6 tỉ đồng, chị Linh trả trước 300 triệu đồng từ tiền sau đám cưới và gia đình chồng đi vay bên ngoài. Chị Linh làm công việc hành chánh, còn chồng làm quản đốc công ty may mặc, thu nhập cộng lại chỉ hơn 20 triệu đồng một chút song cả hai vẫn bất chấp rủi ro để "có nhà trước rồi tính".
"Khi đó chúng tôi nghĩ mua nhà là động lực cho mình làm việc, nỗ lực gấp đôi, gấp ba để có thu nhập cao hơn, mặc kệ được nhắc nhở sức khỏe có thể bị ảnh hưởng vì lao lực, thậm chí không trả nổi tiền góp" - chị Linh nhớ lại mình cũng không quá để tâm đến những biến cố bất ngờ xảy ra không nằm trong dự tính.
Sau khi xuống tiền, vợ chồng chị Linh bắt đầu ra sức làm việc để trả số tiền gần 14 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng nhiều tháng sau, họ bắt đầu "thấm đòn" khi tiền góp chiếm hơn một nửa thu nhập, chưa kể sinh hoạt phí, tiền gửi về quê, thi thoảng thuốc men đau ốm. "Gần như không có khoản dư nào, chỉ vừa đủ hoặc thiếu hụt", chị ngậm ngùi kể.
"Liều mạng" mua nhà trong khi thu nhập ít ỏi, hai vợ chồng quyết định hoãn chuyện có con. Với họ, "khi cuộc sống hai đứa còn đang chật vật trả nợ, nếu sinh con thì không biết căn nhà hay đứa con sẽ thành gánh nặng". Có lần phát hiện que thử thai hiện hai vạch, cô gái 25 tuổi khi ấy đã nuốt nước mắt bỏ đi đứa con còn chưa kịp thành hình, dù cả hai và gia đình nội ngoại rất "thèm" đứa cháu này.
"Có bầu phải ăn uống, bồi bổ, bớt làm việc để dưỡng thai. Rồi sinh con ra tiền tã sữa, quần áo, bao nhiêu chi phí phải lo khi nuôi một đứa trẻ. Chưa có con mà còn chắt bóp hết mức thì sao dám đẻ", người phụ nữ quê Gia Lai trải lòng về những "cái giá phải trả" sau khi mua nhà TP.
Sau 8 năm "chạy... sút quần", số tiền góp hiện tại đã đỡ bóp nghẹt cuộc sống của vợ chồng chị Linh. "Giờ mỗi tháng chỉ góp gần 4 triệu đồng", chồng chị Linh nói.
Lương không thấy, chỉ thấy tới hạn đóng tiền
Anh Nguyễn Thanh Nam (ở quận Bình Tân, TP.HCM) cũng trải qua cảnh nhiều đêm mất ngủ, rầu lo ngay trong chính chốn an cư của mình. Tháng 5-2021, vợ chồng anh Nam ly hôn, đồng thời bán luôn căn chung cư đang ở 5 năm. Vào thời điểm bán, căn nhà còn chưa trả hết nợ ngân hàng.
Giống như gia đình chị Linh, vợ chồng anh Nam vào năm 2016 cũng đã quyết định xuống tiền mua căn hộ 67m² gồm 2 phòng ngủ, 2 toilet với giá 1,3 tỉ đồng ở quận Bình Tân.
Khi đó, anh Nam tích cóp được khoản nhỏ sau thời gian làm việc, còn vợ anh mới ra trường với thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Họ đặt cọc trước 59 triệu đồng để giữ căn hộ "phong thủy", anh tiếp tục đắp thêm số tiền còn lại cho đủ khoản trả trước với phần lớn nhờ sự hỗ trợ của hai bên gia đình khi người cho đứt, người cho mượn.
Bất chấp được nhiều người cảnh báo nguy hiểm, vợ chồng anh Nam vay đến 70% giá trị căn nhà vì "quá thèm". Gần 15 triệu đồng là số tiền mà họ phải trả hằng tháng, bao gồm gốc lẫn lãi.
Nhưng cảm giác sung sướng chưa bao lâu. Qua 3 tháng kể từ khi mua, họ rơi vào áp lực và rất lo sợ mỗi lần tới hạn trả nợ. "Lương chưa thấy, chỉ thấy tới hạn trả nợ. Mùng 10 là ngày trả mà ngày 5 chưa có lương là chạy khắp nơi mượn người thân, bạn bè, đồng nghiệp rồi khi nào có lương thì đắp qua trả", anh Nam trải lòng.
Để gia giảm gánh nặng trả nợ, vợ anh Nam ngoài việc chính còn bán hàng online. Ba năm đầu trả góp, họ hầu như từ bỏ hết các thú vui mua sắm, giải trí. Những chuyến đi chơi của vợ chồng chỉ là loanh quanh thành phố hoặc xa nhất là về Lâm Đồng (quê vợ), Quảng Ngãi (quê anh Nam) mỗi năm một, hai lần. "Mua nhà để an cư mà an cư đâu chưa thấy, chỉ thấy mất ngủ rồi làm quần quật trả nợ", anh nói.
Dành dụm một thời gian, họ có thêm 200 triệu đồng đưa vào trả gốc. Sau 5 năm, số tiền góp hằng tháng đã giảm nhiều. Nhưng tháng 5 năm ngoái, hai người ly hôn sau nhiều năm cãi vã mà trong đó có liên quan đến tiền nong.
Qua "cò" nhà, họ bán căn hộ giá 1,7 tỉ đồng, cao hơn 400 triệu đồng so với thời điểm mua, rồi trả dứt nợ cho ngân hàng. "Bây giờ tôi không còn muốn mua nhà TP nữa, đi thuê rồi thích ở chỗ nào thì ở. Nghĩ lại nếu trở về 6 năm trước thì tôi sẽ không mua vì dính vô mới thấy áp lực cỡ nào, cứ nơm nớp sợ không có tiền trả.
Người ta nói mắc nợ mới là động lực giúp mình làm việc hết mình, nhưng phải coi việc đó là việc gì. Việc mà thu nhập ba cọc ba đồng thì nên từ bỏ" - người đàn ông 34 tuổi tâm sự quan điểm riêng của mình và nói rằng nhiều người có thể nghĩ khác.
Nhiều căn hộ rao bán trả góp đã hấp dẫn các vợ chồng trẻ tìm mái nhà riêng và chịu nợ nần - Ảnh chụp màn hình
Bán khi chưa kịp ở
Anh Hoàng Huy ở quận Bình Thạnh cũng gặp bất trắc trong hành trình tìm kiếm một chốn dừng chân ở thành phố. Anh Huy đăng ký mua nhà dự án - tức mua từ khi căn hộ chỉ mới được nhà thầu dựng cột, sau đó sẽ vào tiền từng đợt đến khi nhà thành hình. Theo anh, như vậy sẽ rẻ hơn so với mua nhà thô.
Căn hộ có giá 1,7 tỉ đồng khi hoàn thành, nằm ngay mặt tiền quốc lộ 13, giáp TP Thuận An (Bình Dương). Ban đầu, người thanh niên quê Quảng Nam dự tính sẽ vô tiền dần, đến khi căn hộ hoàn thành sau 3 - 4 năm thì anh đã trả được 30% giá trị nhà.
Sau đó, anh sẽ kê khai thu nhập và một số thủ tục liên quan, đợi ngân hàng duyệt hồ sơ sẽ hỗ trợ anh 70% số tiền còn lại với thời gian vay trong 10 - 30 năm tùy vào khả năng chi trả mà anh đăng ký.
Nhưng "đời không như mơ", đợt dịch vừa rồi khiến công việc anh sa sút và thu nhập bị ảnh hưởng nặng. Nhắm không thể duy trì tiếp, anh Huy quyết định bán lại suất giữ chỗ căn nhà cho người khác khi đã đóng được 200 triệu đồng. Sau 2 tháng rao qua mạng xã hội, anh "chia tay" giấc mơ khi chưa kịp an cư, đồng thời chịu lỗ 20%.
"Mua để ở mà chưa kịp vô ở ngày nào đã phải bán tháo để có tiền làm những cái khác. Nhưng tôi thấy mình vẫn còn may mắn khi bán lại được. Tôi biết có nhiều người không thể bán được, phải đối mặt với nợ nần, khủng hoảng", anh Huy trải lòng.
Mua nhà để... nở mày nở mặt
Nhớ lại thời điểm quyết định mua nhà, anh Thanh Nam kể: "Hai đứa muốn an cư lạc nghiệp, gắn bó lâu dài ở thành phố. Nghĩ tới chuyện đi làm, tối về được ở nhà của mình nó sướng lắm.
Dự tính góp sau 10 - 15 năm sẽ xong, cứ động viên nhau chịu khó cố gắng qua thời gian trả nợ là dư được cái nhà, chứ đi thuê hoài cả đời chẳng có gì hết. Thêm yếu tố thôi thúc nữa là khi về quê, người ở quê chỉ cần nghe mình nói có nhà thành phố là ba má cũng nở mày nở mặt", anh Nam nói. Tuy nhiên, giấc mơ đã không như thực tế.
----------------------
"Tôi vay 900 triệu đồng mua nhà, trong đó ngân hàng 300 triệu đồng, nên mỗi tháng trả cũng chỉ 3 - 4 triệu đồng và giờ chỉ còn nợ người thân 200 triệu đồng".
Kỳ tới: để căn nhà "đẹp như mơ"
TTO - Trong khi nhiều người trẻ có việc làm ổn định, đang cố gắng hết sức để đạt giấc mơ cầm chìa khóa nhà riêng của mình ở TP.HCM, thì cũng có một số người đã từ bỏ "kế hoạch lớn" này với những quan điểm rất riêng.