Chị Thùy Anh đã mua được căn hộ cho gia đình mình - Ảnh: D.QUÍ
Tháng 11-2021, Nguyễn Nhị Lan Nhi khiến người thân, bạn bè không khỏi bất ngờ khi đăng tấm hình chụp một góc căn hộ lên Facebook kèm dòng trạng thái: "My Home. 5 năm 2 tháng vào Sài Gòn". Khi đó, Nhi mới 23 tuổi và mua nhà hoàn toàn bằng tiền của bản thân.
Tự mua nhà ở tuổi 23, được không?
Lan Nhi là một trong số những người trẻ nhờ nỗ lực làm việc, tích lũy, đầu tư nên đã sớm hiện thực hóa ước mơ mua nhà trả góp. Để không bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần không lối ra, Nhi và nhiều người trẻ đã tính toán, cân nhắc việc trả góp nằm trong khả năng và có lợi cho mình.
Căn hộ 38m² với 1 phòng ngủ thuộc một dự án ở TP Thủ Đức (TP.HCM) là thành quả tích cóp sau những năm làm việc của Nhi.
"Tôi ở một mình nên mua vậy là đủ rồi. Nó cách chỗ làm 15km nhưng quan trọng là thoải mái và nằm trong khả năng trả nợ của mình. Trong tương lai có điều kiện thì sẽ đổi căn lớn hơn", Nhi nói và cho biết tiền mua căn hộ được cô đưa trước hơn 50%, mỗi tháng góp trả dao động 10 - 15 triệu đồng.
Lan Nhi là biên tập viên Đài truyền hình TP.HCM (HTV). Cô gái quê Kon Tum thuộc típ người chọn ăn chắc mặc bền nên từ lâu đã khao khát một căn nhà là tài sản riêng mình ở TP.
"Suy nghĩ mua nhà đến từ lúc tiền nuôi sống bản thân còn chưa đủ, nhưng tôi đã cố làm mong có đủ 50% trả trước để đỡ áp lực trả nợ", Nhi nói.
Khoảng thời gian bào hết sức mình từ lúc còn là sinh viên để tích lũy mua nhà, cô gái quê Kon Tum đã làm một số công việc như biên tập, MC, làm truyền thông. Giờ đây khi đã mua được nhà với số tiền trả trước bằng 70% tiền tiết kiệm, cô chủ yếu tập trung làm việc ở Đài HTV.
Mỗi tháng, sau khi nhận về các khoản, Nhi chia thu nhập ra làm 4 phần: "Thứ nhất dành cho các khoản chi lớn như trả nợ ngân hàng, nó chiếm phần lớn thu nhập. Thứ hai là chi tiêu hằng tháng. Khoản thứ ba dành gửi về cho gia đình. Cuối cùng là khoản tiết kiệm, dự phòng".
Dù không chật vật mượn đầu này đắp đầu kia mỗi kỳ trả nợ, Nhi cũng phải cắt giảm một số khoản.
"Trước kia tôi đi học các khóa học bên ngoài rất nhiều để bổ trợ cho công việc, còn giờ cái nào thật sự cần thiết mới học như tiếng Anh. Lúc trước thích gì có thể mua liền hay là đi du lịch này kia, giờ không dám hoặc rất ít đi chơi xa. Tôi cũng quy định mình không được xài quá 10% khoản tiết kiệm hằng tháng", Nhi nói.
Cũng tự thân mua nhà sau khoảng thời gian dài lập nghiệp ở Sài Gòn, anh Nguyễn Đức Linh (27 tuổi) vừa thưởng cho chính mình căn nhà phố tại khu Nam Sài Gòn.
Anh Linh quê Kiên Giang, học hết cấp III, nhà khó khăn nên anh lên Sài Gòn học nghề cắt tóc rồi thuê mặt bằng mở tiệm. Sau một thời gian, nhờ chịu khó làm ăn và may mắn gặp thời, anh phất lên nhanh chóng. Dần dà, anh thuê thêm thợ, mở thêm 2 - 3 chi nhánh làm tóc với thu nhập hằng tháng cả trăm triệu đồng, chưa kể một vài việc làm ăn riêng bên ngoài.
Sau nhiều năm ở TP, bất chấp dịch bệnh nhiều tháng liền, đầu năm nay ông chủ salon tóc tậu một căn nhà hẻm xe hơi ở huyện Nhà Bè với diện tích sàn 157m². Ngôi nhà trị giá 7 tỉ đồng, anh Linh vay ngân hàng một nửa, thời gian vay tối đa 30 năm, áp dụng lãi suất thả nổi từ đầu nên số tiền trả hằng tháng lên đến 45 - 50 triệu đồng.
Do đã cân nhắc khả năng trả và có một khoản dự trù nên dù số tiền trả khá cao, anh Linh chưa bao giờ chậm trễ hay lo lắng về khoản vay.
Anh Phạm Anh trả hết 1 tỉ đồng trong 3 năm nhờ chăm chỉ làm việc và đầu tư thêm - Ảnh: NVCC
Trả dứt 1 tỉ trong 3 năm
5 năm trước, anh Phạm Anh cũng hoàn tất mục tiêu có nhà riêng trước 28 tuổi bằng việc sở hữu căn chung cư ở quận 7 từ một phần tiền riêng và có sự hỗ trợ lớn từ phía gia đình.
Ngày 25-6-2017, chàng trai gốc Long An đặt bút ký căn hộ 2 phòng ngủ, 2 toilet, có giá hơn 2,1 tỉ đồng. Anh trả trước 1 tỉ đồng và 380 triệu đồng tiền nội thất.
"Lúc đó vui thì tất nhiên có, nhưng lo nhiều hơn vì khi biết mình đã nợ hơn 1 tỉ đồng, làm ra bao nhiêu cũng không thấy đủ. Tôi suy nghĩ đến mức tóc khi đó còn mọc ra nhiều cọng bạc", anh nói.
Nhưng vốn là người lạc quan, anh dặn mình giữ tinh thần quyết liệt, phải theo đuổi đến cùng và không bỏ cuộc. "Trả nhanh hay chậm gì cũng phải trả, nên hãy làm những thứ chính đáng, hợp lý để tăng thu nhập", anh nghĩ.
Vậy là anh tập trung làm việc để trả tiền gốc trước thời hạn bởi không muốn tháng nào cũng ám ảnh tin nhắn nhắc nợ từ ngân hàng. Thời điểm mới mua nhà, thu nhập của chàng trai sinh năm 1989 dao động từ 20 - 40 triệu/tháng. Ngoài công việc đối ngoại và quan hệ nghệ sĩ ở một tập đoàn quảng cáo, anh còn làm MC thể thao cùng một vài hoạt động bên lề.
Đặt mục tiêu trả dứt 1 tỉ đồng trong vòng 3 năm, anh cho biết: "1 tỉ đồng trong 3 năm, mỗi năm phải trả trung bình 330 triệu đồng, nếu tính tiền gốc thì mỗi tháng khoảng 25 - 28 triệu đồng.
Nhưng do trước khi mua, tôi có deal (thỏa thuận) không phạt khi trả gốc trước hạn, nên tôi hay trả gốc theo kiểu một lần 5 - 10 triệu đồng, có khi 50 - 100 triệu đồng để tiền lãi mau giảm xuống", anh kể.
Ở năm đầu, Phạm Anh cũng chi tiêu dè chừng, mua gì cũng phải nhìn tới nhìn lui. Sang năm thứ hai, anh đổi kế hoạch. Dùng tiền dự kiến trả gốc đầu tư khoản nhỏ vào chứng khoán. Năm cuối, anh đem đầu tư đất đai.
Ngoài thu nhập từ công ty quảng cáo và MC tăng lên, cộng phần may mắn khi các khoản đầu tư đều có lời, tháng 10-2020, anh trả dứt nợ mua nhà và dư ra một khoản tiếp tục đầu tư.
Chị Thùy Anh (32 tuổi, quê Thanh Hóa) cũng là một trong số những người may mắn có người thân cho vay khi xuống tiền mua nhà. Căn hộ 54m² gồm 1 phòng ngủ và phòng khách, đầy đủ tiện nghi cho hai vợ chồng và một đứa con ở phường Phước Long B, TP Thủ Đức được mua vào năm 2017 với giá 1,4 tỉ đồng.
"Tôi vay 900 triệu đồng mua nhà, trong đó ngân hàng 300 triệu đồng nên mỗi tháng trả cũng chỉ 3 - 4 triệu đồng, sau thời gian làm việc gom tiền trả xong ngân hàng trước hạn, và giờ chỉ còn nợ người thân 200 triệu đồng", chị nói. Với chị, có nhà ở TP giúp cuộc sống mình thoải mái hơn.
"Đi về một nơi sạch sẽ, rộng rãi thì chắc chắc hơn hẳn nhà trọ. Ban đầu nhu cầu như vậy là đủ, sau này có thêm con cái thì sẽ tính chuyện chuyển sang căn hộ rộng hơn nhưng cũng phải xem thu nhập thế nào.
Lúc tôi mua nhà thì được khuyên là nên để tiền kinh doanh nhưng tôi vẫn mua, vì mua nhà cũng là một dạng đầu tư", chị Thùy Anh nói và cho biết dù hiện tại nhà vẫn chưa ra sổ, chị cũng sợ rủi ro nhưng ít ra đã hoàn tất nhu cầu mua nhà của gia đình.
Không ít bạn trẻ đang có nhiều giải pháp để mua nhà, như đầu tư miếng đất nhỏ, rẻ tiền ở xa. Họ trông đất lên giá để bán ra, lấy tiền quay lại TP mua căn hộ chung cư, nhưng đêm dài lắm mộng...
Kỳ tới: Mua đất xa để có nhà gần
TTO - Mua được nhà như ước nguyện, với những người thu nhập không cao, giấc mơ đó có thể thành gánh nặng khi sa vào vòng xoáy nợ nần.
Xem thêm: mth.89015259032402202-om-uhn-ped-ahn-nac-ed-5-yk-uc-na-ahn-iam-mit-nahn-cohn-ert-iougn/nv.ertiout