Twitter cho biết: “Chúng tôi tin rằng tư tưởng chối bỏ biến đổi khí hậu không nên được lợi dụng để kiếm tiền trên Twitter, và những quảng cáo gây hiểu nhầm không nên đánh lạc hướng mọi người khỏi những thảo luận quan trọng về khủng hoảng khí hậu.”
Về vấn đề nguồn thông tin nào được coi là chính thống, Twitter cho biết quy định sẽ được hướng dẫn bởi “các nguồn thông tin đã được kiểm chứng”, bao gồm Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC). Trong vòng vài tháng qua, IPCC đã xuất bản các báo cáo cấu phần cho Báo cáo Đánh giá thứ 6 (AR6), với nội dung về tác động của biến đổi khí hậu cũng như các biện pháp giảm thiểu và thích ứng.
Twitter cũng cho biết sẽ sớm chia sẻ thêm thông tin về kế hoạch “tăng thêm nội dung ngữ cảnh đáng tin cậy và có thẩm quyền” về biến đổi khí hậu trên nền tảng của mình. Theo Twitter, nội dung thảo luận về “tính bền vững” đã tăng hơn 150% từ năm 2021, trong khi “phi carbon hóa” tăng 50% và “giảm thiểu chất thải” tăng hơn 100% trong cùng giai đoạn.
Một số công ty công nghệ khác trước đó cũng đã cam kết giảm thiểu nội dung sai lệch về biến đổi khí hậu, tuy hiệu quả thực thi có khác nhau. Tháng 10/2021, Google cam kết cấm quảng cáo có nội dung bác bỏ biến đổi khí hậu hoặc cho phép kiếm tiền từ thông tin sai lệch về vấn đề này. Tuy nhiên, một báo cáo từ tổ chức phi lợi nhuận CCDH cho thấy Google vẫn chưa thể áp dụng chính sách này đầy đủ như đã cam kết.
Tùng Phong (Theo The Verge)