Tổng Công ty Viglacera - CTCP (HoSE: VGC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với những chỉ tiêu kinh doanh khả quan.
Cụ thể, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 3.833 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu doanh thu, mảng bất động sản là 569 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ. Mảng bán các sản phẩm kính, gương tăng 2,5 lần so với quý I năm liền trước lên 859 tỷ đồng. Mảng dịch vụ cho thuê bất động sản khu công nghiệp, hạ tầng khu công nghiệp và các dịch vụ liên quan đến quản lý đem về cho công ty hơn 1.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 19%. Biên lợi nhuận gộp kỳ này được cải thiện lên 36,4% trong khi cùng kỳ năm trước là 28,7%.
Quý đầu năm nay, doanh thu hoạt động tài chính tăng hơn 300% lên 17,3 tỷ đồng, chủ yếu từ khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay. Công ty liên doanh, liên kết cũng đem lại 42 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với quý I/2021.
Khấu trừ đi các chi phí, Viglacera lãi sau thuế 752 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 702 tỷ đồng.
Giải trình kết quả kinh doanh kỷ lục, Viglacera cho biết đóng góp chính cho kết quả tăng trưởng này là lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Đồng thời, lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng cải thiện nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh của Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ, sau khi Viglacera nâng tỉ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này từ 35% lên 65% vào ngày 1/10/2021.
Theo tài liệu họp ĐHCĐ năm 2022, Viglacera dự kiến thu về 15.000 tỷ đồng doanh thu và 1.700 tỷ đồng lãi trước thuế hợp nhất, lần lượt tăng 34% và 10% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kế hoạch kinh doanh cao nhất từ trước đến nay của đơn vị. Như vậy, so với kế hoạch này, công ty thực hiện được 25% chỉ tiêu doanh thu và 44% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tính đến hết quý I/2022, tổng tài sản của Viglacera đạt 22.781 tỷ đồng, tăng 3,5% so với hồi đầu năm. Doanh nghiệp đang nắm giữ 3.325 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tăng khoảng 600 tỷ so với đầu năm và chiếm khoảng 1/7 tổng tài sản. Hàng tồn kho có giá trị 3.660 tỷ đồng, không biến động so với đầu năm.
Nợ phải trả tại thời điểm cuối quý I/2022 là hơn 13.684 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay là 3.322 tỷ đồng, tăng khoảng 100 tỷ sau 3 tháng đầu năm.
Viglacera dự định sẽ chi khoảng 3.000 tỷ đồng vào đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ khu công nghiệp chiếm tỉ trọng lớn nhất với 2.450 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực bất động sản, trong năm tới đơn vị sẽ tiếp tục triển khai chuẩn bị đầu tư các khu công nghiệp mới: Đồng Nai mở rộng - Quảng Ninh (145 ha), Tiền Hải mở rộng - Thái Bình (329 ha), mở rộng KCN Phú Hà - Phú Thọ (100 ha), Đồng Văn 4 mở rộng - Hà Nam (300 ha), Khu A KCN Phong Điền - Thừa Thiên Huế (120 ha)…
Đối với mảng khu đô thị và nhà ở, trong giai đoạn 2022-2023, Tổng công ty lên kế hoạch chuẩn bị đầu tư và triển khai đầu tư mới khoảng 2.000 ha khu công nghiệp và 200 ha trong lĩnh vực nhà ở.
Công ty dự kiến khởi công mới các dự án nhà ở công nhân tại KCN Đông Mai, KCN Hải Yên; khảo sát, chuẩn bị đầu tư phát triển các dự án ở Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình. Ngoài ra, công ty sẽ triển khai các bước để chuẩn bị đầu tư, tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án như khu đô thị mới Tây Bắc TP. Bắc Ninh, khu đô thị - dịch vụ Phù Ninh - Phú Thọ.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng lên kế hoạch sẽ tiếp tục triển khai các bước thoái vốn tại một số đơn vị vật liệu xây dựng không đem lại hiệu quả như kỳ vọng tại một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Gạch ngói Từ Sơn, Công ty Cổ phần gốm xây dựng Yên Hưng, Công ty Cổ phần Từ Liêm.
Mã VGC chốt phiên giao dịch ngày 22/4 đạt 47.400 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này vừa trải qua chuỗi giảm mạnh từ vùng đỉnh 68.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 4. Diễn biển này khiến thị giá vốn của VGC giảm còn 21.251,8 tỷ đồng (dưới 1 tỷ USD).