Bệnh viện tư nhân bí ẩn tại Thái Nguyên
Cách đây không lâu, công ty chứng khoán SSI dành những đánh giá tích cực cho một doanh nghiệp y tế địa phương niêm yết trên sàn HOSE. Theo đánh giá của SSI, bệnh viện này là một trong số ít bệnh viện niêm yết có mức sinh lời tốt và định giá còn tương đối rẻ, với mức P/E dự phóng thấp hơn 29% so với các công ty cùng ngành trong khu vực. Bệnh viện được SSI nhắc đến là Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH).
SSI ước tính doanh thu thuần của TNH đạt 407 tỷ đồng (tăng 21%) trong năm 2021 và 471 tỷ đồng (tăng 16%) trong năm 2022. Lợi nhuận sau thuế (LNST) ước tính đạt 112 tỷ đồng (tăng 3%) trong năm 2021 và 121 tỷ đồng (tăng 9%) trong năm 2022. Trong 5 năm tiếp theo, công ty chứng khoán này ước tính CAGR doanh thu thuần và LNST của TNH lần lượt đạt 22% và 26%.
Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên là một bệnh viện tư nhân tại tỉnh Thái Nguyên, được thành lập vào năm 2013. Ban đầu TNH chỉ có một bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với 150 giường bệnh và 950 dịch vụ y tế. Sau đó, TNH đã mở rộng lên 2 cơ sở bệnh viện, với tổng 600 giường bệnh và 1300 dịch vụ y tế trong năm 2021. TNH hiện đang hướng tới các dịch vụ y tế chuyên khoa về phụ sản (chăm sóc thai phụ), nhãn khoa (chẩn đoán/điều trị mắt) và phẫu thuật/thủ thuật, đồng thời mở rộng hoạt động sang các tỉnh lân cận.
Sau nhiều đợt phát hành cổ phiếu, cơ cấu cổ đông của công ty này tương đối phân mảnh, trong đó ban lãnh đạo sở hữu 36% cổ phần, phần còn lại là do các nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhân viên bệnh viện nắm giữ. Cổ đông lớn nhất của công ty là Ông Hoàng Tuyên - Chủ tịch HĐQT (12%), Ông Nguyễn Văn Thủy - Phó Giám đốc (6%), Ông Lê Xuân Tân - Giám đốc (7%), Ông Vũ Hồng Minh – thành viên HĐQT (4%) và ông Nguyễn Xuân Đôn – thành viên HĐQT (10%).
Theo SSI, TNH duy trì biên lợi nhuận ổn định từ khi thành lập vào năm 2014, với biên lợi nhuận gộp khoảng 35-40% trong khi biên lợi nhuận ròng ở mức 30-35%, nhờ hoạt động tối ưu công suất và thắt chặt chi phí. Mặc dù mức biên lợi nhuận cao đột biến hiện tại sẽ điều chỉnh dần khi bệnh viện hoạt động ổn định nhưng SSI ước tính biên lợi nhuận vẫn sẽ duy trì trong khoảng trên, khi thị trường y tế tiếp tục thuận lợi và mức độ cạnh tranh trong ngành còn thấp, với số lượng bệnh viện công hạn chế và chỉ có một số ít các bệnh viện tư sẽ mở mới trong khu vực.
TNH cũng đang nằm trong số các bệnh viện có biên lợi nhuận cao hơn hẳn so với các bệnh viện cấp II và tuyến tỉnh tương đương, thậm chí là các bệnh viện tư nhân cấp I như Thu Cúc, Hoàn Mỹ, FV, Hồng Ngọc.
Nguồn: SSI Research.
Những lợi thế hiếm có
SSI đánh giá TNH có vị trí thuận lợi với nhu cầu khám chữa bệnh ổn định và chịu áp lực cạnh tranh thấp. Hiện khu vực Đông Bắc Bộ chỉ có 10 - 15 bệnh viện tư nhân lớn đang hoạt động, còn lại là các bệnh viện công và phòng khám tư nhân nhỏ lẻ. Đây là một thị trường có ít đối thủ cạnh tranh hơn. Như vậy, TNH có thể tránh được sự cạnh tranh trực tiếp với các bệnh viện tư nhân nổi tiếng như Vinmec, Medlatec, Thu Cúc hoặc các bệnh viện công lập lớn như Bệnh viện Bạch Mai, 108, Hữu Nghị ở những khu vực có sự cạnh tranh cao như Đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, do có ít các bệnh viện tư nhân cạnh tranh ở khu vực Đông Bắc Độ, số lượng cán bộ nhân viên ngành y tế trở nên dồi dào hơn, với mức lương trung bình sẽ thấp hơn từ 15 - 20% so với các thành phố lớn.
Ngoài ra Thái Nguyên được xếp hạng là tỉnh có dân số đông thứ 8 ở miền Bắc. Số lượt khám bệnh hàng năm tại Thái Nguyên cũng đứng thứ 5 trong khu vực, với tỷ lệ lấp đầy giường bệnh trung bình trong khu vực là 81% theo Niên giám thống kê y tế Việt Nam năm 2019.
Địa phương này có vị trí không quá xa và đi lại thuận tiện hơn đối với những người dân ở các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc khác như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang. Hiện nay, 35% số bệnh nhân tại các bệnh viện của TNH đến từ các tỉnh ngoài Thái Nguyên. Với cơ sở hạ tầng y tế của Thái Nguyên ngày càng phát triển, người dân có thể chọn chuyển hướng đến Thái Nguyên như một địa điểm điều trị y tế thường xuyên, thay cho việc phải di chuyển dài ngày tới Hà Nội.
Một điểm cần lưu ý là Bệnh viện quốc tế Thái Nguyên hiện sở hữu vị trí chiến lược đối với cơ sở. Bệnh viện chính được đặt ở trung tâm tỉnh Thái Nguyên, gần bệnh viện công lớn thuộc tuyến trung ương là Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên (TWTN). Trong khi đó, cơ sở Yên Bình ở thị xã Phổ Yên nằm gần 3 khu công nghiệp lớn là Yên Bình, Phổ Yên và Điềm Thụy. Điều này mang lại những lợi thế khác nhau cho các bệnh viện của TNH.
Mặc dù nằm gần bệnh viện tuyến trung ương và cả 2 bệnh viện đều cạnh tranh với các dịch vụ như nhau, TNH vẫn thu được lợi ích khi có sự hiện diện của TWTN trên địa bàn. Thứ nhất, TWTN là bệnh viện cấp trung ương, có nhiều kinh nghiệm và uy tín hơn trong điều trị chuyên khoa (phẫu thuật, chăm sóc bệnh nhân cấp tính, bệnh mãn tính & các phẫu thuật phức tạp khác). Do đó, những bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt thông thường sẽ chọn đến trực tiếp TWTN để điều trị, trong khi những bệnh nhân có tình trạng nhẹ hơn sẽ chọn TNH để nhận được khám dịch vụ nhanh hơn. Thứ hai, bệnh viện tuyến quốc gia như TWTN cũng thu hút thêm nhiều bệnh nhân từ các tỉnh khác do cả nước chỉ có 38 bệnh viện tuyến quốc gia, do đó, tăng sức hấp dẫn của các dịch vụ y tế Thái Nguyên, gián tiếp mang lại lợi ích cho TNH. Tuy nhiên, về lâu dài, có thể có rủi ro là TWTN có thể mở rộng thêm công suất giường bệnh, gây ra áp lực cạnh tranh cho các bệnh viện lân cận.
Đối với cơ sở còn lại là Bệnh viện Yên Bình được hưởng lợi từ Nhu cầu khám chữa bệnh ổn đinh 3 khu công nghiệp lớn của Thái Nguyên, nơi tập trung các doanh nghiệp có số lượng lớn lao động như Samsung Electronics. Theo số liệu của SSI, các khu công nghiệp này đáp ứng gần 89% công suất hiện tại của Bệnh viện Yên Bình.
Với tiêu chí hiện tại của Bộ Y tế, TNH sẽ được xếp hạng là bệnh viện tư nhân Cấp II, tương đương với bệnh viện công tuyến tỉnh. Sau khi so với các bệnh viện đồng hạng, lợi thế cạnh tranh đầu tiên của TNH là chi phí đầu tư trên một giường bệnh thấp hơn 18% so với các bệnh viện công tuyến tỉnh và thấp hơn 31% so với bệnh viện tư nhân Cấp II. Theo SSI, kết quả từ kinh nghiệm của ban lãnh đạo TNH trong quá trình quản lý nhiều bệnh viện khác nhau và mối quan hệ với các đơn vị cung cấp thiết bị y tế, góp phần quan trọng vào các yếu tố như lựa chọn thiết bị/máy móc chuyên dụng hay thiết kế bố trí bệnh viện, không đầu tư quá mức vào các thiết bị y tế đắt tiền trong khi vẫn duy trì một tiêu chuẩn tối thiểu để hoạt động.
Nguồn: SSI Research.
Đồng thời, nhờ các lợi thế về kiểm soát tốt chi phí hoạt động, TNH đang duy trì mức giá viện phí tương đối cạnh tranh, chỉ cao hơn bệnh viện công tuyến tỉnh khoảng 25 - 30%, trong khi thấp hơn bệnh viện tư nhân Cấp II khoảng 15 - 20%. Ngoài ra, vì TNH hiện đang đăng ký là bệnh viện tuyến huyện nên bệnh nhân sẽ được quỹ BHYT công lập chi trả 100% viện phí (tính theo giá bệnh viện công), điều này có nghĩa là bệnh nhân chỉ cần trả một mức viện phí khoảng 25 – 30% giá khám chữa bệnh, thấp hơn nhiều so với các bệnh viện tư đồng hạng khác.
Với giá viện phí cạnh tranh như vậy, TNH duy trì tỷ lệ lấp đầy giường bệnh cao, trung bình trong giai đoạn 2015-2020 ở mức 80%, có năm 2016 lên tới 110%. Do ngành kinh doanh bệnh viện tương tự như mô hình kinh doanh khách sạn, bất kỳ yếu tố trong quá trình thành lập như vốn đầu tư ban đầu, vị trí xây dựng và phân khúc khách hàng sẽ góp phần xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững so với các đối thủ mới trong tương lai.
http://tintuc.vdong.vn/04/1324077.htmMộc An
Theo Pháp luật và bạn đọc