vĐồng tin tức tài chính 365

Tại sao Techcombank giữ hơn 40.000 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối?

2022-04-23 18:52

Phiên họp thường niên tổ chức sáng nay của Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, TCB) diễn ra với "sức nóng" ngay từ đầu phiên thảo luận, với hàng loạt câu hỏi từ phía cổ đông.

Cổ phiếu của nhà băng này là vấn đề được quan tâm đầu tiên, trong bối cảnh TCB đã giảm liên tục gần đây. Thị giá TCB mất gần 20% trong hai tháng khi nhà đầu tư lo ngại về ảnh hưởng của việc siết lại kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hay cho vay bất động sản. Đây cũng là những đề tài nóng nối tiếp câu chuyện thị trường, bên cạnh vấn đề phương án kinh doanh 2022 và kế hoạch phân phối lợi nhuận.

Riêng với câu chuyện cổ tức và tăng vốn, trong khi các ngân hàng tăng vốn điều lệ liên tục gần đây, Techcombank giữ nguyên quan điểm không chia cổ tức, không tăng vốn sau lần gần nhất thực hiện là năm 2018. Quy mô lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2021 đạt hơn 40.000 tỷ đồng. Điều này khiến nhiều cổ đông thắc mắc.

Nói về vấn đề này, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank, cho biết quan điểm của ban lãnh đạo ngân hàng luôn nhất quán, việc chia cổ tức bằng tiền, phát hành thêm để tăng vốn, sẽ phụ thuộc vào việc này có mang lại lợi ích dài hạn cho ngân hàng hay không.

Các chỉ tiêu quan trọng để đánh giá một ngân hàng đa phần dựa trên chỉ tiêu vốn chủ sở hữu, do đó tăng vốn điều lệ hiện nay, theo Chủ tịch Techcombank, là không cần thiết. Điều này nếu thực hiện chỉ làm giảm giá cổ phiếu, quy mô vốn hóa là không thay đổi.

"Có thể cổ đông cho rằng việc tăng vốn điều lệ làm giảm giá cổ phiếu sẽ làm thị giá tăng nhanh hơn. Tôi không nghĩ vậy, tại sao giá cổ phiếu không phải 100.000 hay 200.000 đồng. Chúng ta chưa làm thị trường đánh giá đúng Techcombank thì đó mới là điều cần chú ý. Quan điểm đôi khi bảo thủ nhưng là minh bạch, khi nào cần thiết mọi kế hoạch đều được xem xét", ông Hùng Anh nói.

Chủ tịch Hồ Hùng Anh (bên trái) và CEO Jens Lottner tại phiên họp thường niên sáng 23/4. Ảnh: Techcombank

Chủ tịch Hồ Hùng Anh (bên trái) và CEO Jens Lottner tại phiên họp thường niên sáng 23/4. Ảnh: Techcombank

Mục tiêu dài hạn cũng là trả lời cho câu hỏi của cổ đông liên quan đến việc phát hành cho đối tác chiến lược, IPO Công ty chứng khoán Techcombank (TCBS) hay đàm phán lại khoản phí bảo hiểm.

Ông Hùng Anh nhấn mạnh, ban lãnh đạo ngân hàng luôn ưu tiên các lợi ích dài hạn, không hướng đến lợi ích ngắn hạn. Như việc đàm phán phí bảo hiểm với Manulife, Techcombank lựa chọn nhận từng phần, không nhận ngay toàn bộ phí. Công thức tính phần phí bảo hiểm là phương pháp áp dụng chung cho thị trường, về cơ bản không khác nhau quá nhiều. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cân nhắc đến việc tăng trưởng đều đặn và tỷ lệ chiết khấu để đảm bảo lợi ích trong dài hạn và kế hoạch phát triển.

Tương tự với IPO TCBS, Chủ tịch Techcombank cho biết ban lãnh đạo ngân hàng có xem xét việc chào bán ra công chúng. Tuy nhiên, việc này triển khai khi ngân hàng có nhu cầu vốn, và đảm bảo lợi ích dài hạn, việc phát triển của ngân hàng nói chung và công ty chứng khoán nói riêng.

Với vấn đề trái phiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hồ Hùng Anh nói rằng, mảng kinh doanh của Techcombank đóng góp vào việc phát triển thị trường vốn là chiến lược phù hợp. Với kênh đầu tư này, ở góc độ ngân hàng, phải thẩm định như một khoản cho vay.

"Mọi người có thể nhìn trái phiếu doanh nghiệp ở góc độ khác biệt nhưng với ngân hàng thì đây chỉ đơn thuần là một khoản vay trung, dài hạn. Ngân hàng quản trị các yếu tố để đảm bảo nguồn trả nợ chặt chẽ", ông nói.

Việc làm lành mạnh thị trường trái phiếu gần đây, theo ông Hùng Anh, sẽ mang lại cơ hội cho những doanh nghiệp làm việc chuyên nghiệp, mang đến sản phẩm tốt cho thị trường. Tương tự với Techcombank và TCBS, diễn biến gần đây cũng là cơ hội. Không chỉ ở góc độ người mua mà còn trong vai trò phân phối các sản phẩm trái phiếu cho những nhà đầu tư khác.

Quan điểm này cũng tương tự với bất động sản. Chủ tịch Techcombank cho rằng lĩnh vực này sẽ tiếp tục là một trụ cột của nền kinh tế. Những dự án treo, găm đất, đầu cơ sốt đất đều không mang lại giá trị cho thị trường, việc kiểm soát là điều phải thực hiện. Việc phát triển một dự án đầy đủ, vừa mang lại thu nhập cho doanh nghiệp, vừa mang lại giá trị cho thị trường, là hợp lý.

Với Techcombank, ông Hùng Anh khẳng định chỉ cho vay các "dự án tốt". Nhà băng này hạn chế tối đa việc cho vay những khu đất có khả năng đầu cơ, không mang lại giá trị.

Một cổ đông đã đặt câu hỏi trực tiếp về mối quan hệ tín dụng của Techcombank với Vạn Thịnh Phát, Chủ tịch Techcombank cho biết ngân hàng không có liên quan gì tới khoản vay của tập đoàn bất động sản này.

"Có nhiều thông tin khác nhau nhưng trên thị trường thì đôi khi chúng ta không thể giải thích hết được. Quan điểm Techcombank rất rõ ràng, các khoản vay, trái phiếu chỉ vào những dự án có đầy đủ giấy tờ về pháp lý, đang triển khai bán hàng. Techcombank không cho vay các dự án treo", ông Hùng Anh khẳng định.

Về kế hoạch kinh doanh, ngân hàng này đã trình và được thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu thấp hơn 1,5%.

Minh Sơn

Xem thêm: lmth.0315544-iohp-nahp-auhc-nauhn-iol-gnod-yt-000-04-noh-uig-knabmochcet-oas-iat/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tại sao Techcombank giữ hơn 40.000 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools