Quỹ Chủ - tiểu thuyết thứ tư của tác giả Lưu Vĩ Lân - Ảnh: P.VŨ
Tạm thời tách rời những thành viên dày dặn gia thế, học thức, trải nghiệm của Gia Đình trong ba cuốn tiểu thuyết trước (Mật Đạo, Ngẫu Tượng, Nghiệp Chướng - tác phẩm đoạt hai giải thưởng văn chương 2021), trong Quỹ Chủ lần này, tác giả Lưu Vĩ Lân chọn nhân vật chính có xuất thân và tính cách rất khác: Cao - một chàng ngư dân nghèo, học hành dang dở, hừng hực bản năng, phóng khoáng - hào sảng - nghĩa hiệp, đầy chất chơi miền Nam, lại pha thêm mạo hiểm - nhanh nhạy - khôn ngoan học được trên đường đời.
Anh chàng ấy được tác giả cho lớn lên trên con tàu cá tung hoành giữa những ngọn sóng rộng mở, tôi luyện với những xô đập của cuộc chiến đang vào hồi ác liệt và trưởng thành với những nụ hôn, những quấn quýt xác thịt.
Nhưng mấy năm chiến tranh ấy lại lướt qua nhanh như thanh xuân. 15 năm hòa bình đầu tiên mới chính là thời đoạn mà Quỹ Chủ tập trung để nhân vật thực sự sống cuộc đời của mình.
Mười năm Cao bước chông chênh giữa những biến động của một Sài Gòn đang oằn oại trong cuộc trở mình để thành TP.HCM. Cái cũ bàng hoàng, cái mới ngơ ngác; thành phố xao xác, thiếu thốn; con người quay quắt, đói nghèo.
Giữa những năm ấy, Cao bỗng trở thành "Quỹ Chủ". Cách chơi chữ khá thú vị của tác giả lôi cuốn độc giả dõi theo bước chân của Cao trong sự xô đẩy thời cuộc; từ con đường chính trị chuyển sang thương nghiệp rồi ra thẳng chợ trời vỉa hè; từ cuộc hôn nhân theo ý hướng của tổ chức với cô cán bộ nghiêm nghị tới mối tình cuồng si, oái ăm, thấm đẫm nhục dục với vợ cũ của một cố vấn Mỹ.
Phân thân giữa những vai kịch phức tạp chồng chéo, những cơ hội làm giàu lúc chính lúc tà giữa những luật lệ chưa hoàn chỉnh của một thời bỗng như ào ạt rơi vào tay Cao - người đã quen với những vận động của quy luật thị trường.
Sau Nghiệp Chướng, Quỹ Chủ tiếp tục kể với độc giả câu chuyện về Sài Gòn. Sức sống Sài Gòn vẫn bật dậy giữa những chính sách đóng cửa, o ép, phản phát triển. Những mối liên kết vẫn âm thầm móc nối vào nhau như mạng nhện để tìm đường thoát, tìm cách bung tỏa cho những khối năng lượng bị đè nén.
Thị trường vẫn vươn bàn tay vô hình của nó để mọi việc phải trở lại với quy luật, chính sách trói buộc cưỡng lại, con người luồn lách. Và trong quá trình ấy, trắng đen và tốt xấu cứ lẫn lộn vào nhau. Và cả tình yêu nữa.
Tình yêu của hai nhân vật chính - với bối cảnh là biển, là rừng, là những con phố Sài Gòn - cuồng nhiệt và dữ dội, san bằng tất cả mọi khác biệt, khoảng cách, rào cản. Yêu - làm việc - kiếm tiền - trả giá, họ đã chấp nhận sống bằng cả trái tim như vậy.
Và như vậy mới là cuộc đời. Lưu Vĩ Lân bảo anh dùng tiểu thuyết như là để chép sử. Đã đến cuốn tiểu thuyết thứ tư rồi, và độc giả - dù sẽ có người chưa hài lòng vì những kịch tính trong truyện vẫn chưa thể theo kịp đời thực - vẫn sẽ phải tiếp tục hồi hộp.
Liệu Cao có giữ được mình để vẫn là một "quỹ chủ" quyền biến, rộng rãi, tình nghĩa hay sắp biến thành "quỷ chủ"? Những suy ngẫm theo bước chân nhân vật ắt sẽ còn phải chờ đợi thêm một cuốn sách mới nữa, khi ông chủ Cao thật sự bước sang thời kỳ kinh tế hội nhập cùng với chính thể của mình.
Lưu Vĩ Lân - người viết sử
Với bốn cuốn tiểu thuyết của mình, Lưu Vĩ Lân đã trình hiện như là một người viết sử về một giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, giống như Vĩnh Quyền, anh chọn một góc nhìn độc đáo, ghi lại những biến chuyển của xã hội miền Nam trong và sau chiến tranh.
Có thể nói, Quỹ Chủ là một sự tiếp nối những gì anh đã khởi sự trong Nghiệp Chướng: viết về những biến chuyển của xã hội miền Nam sau chiến tranh.
Cái độc đáo trong tiểu thuyết của Lưu Vĩ Lân là một cái nhìn vượt qua được những định kiến, dù là về những người ở lại hay những người ra đi, về những người trong hệ thống và những người ở ngoài hệ thống.
Chính cái nhìn không định kiến ấy khiến tiểu thuyết của anh vượt qua được những cái bẫy, không trở thành một thứ hoài cổ vô vọng cũng như một thứ chủ nghĩa hiện thực phê phán hời hợt.
Qua hành trình của một con người từ một thanh niên tham gia cách mạng, trải qua những năm tháng sau giải phóng với tư cách một cán bộ cách mạng và trở thành một nhà tư bản trong nền kinh tế đang chuyển đổi, tác giả đã chỉ ra được cách mà con người tham gia vào lịch sử và chịu đựng lịch sử, chỉ ra được cái tất yếu của một cuộc thay đổi và sức sống tự nhiên của một xã hội để vượt qua những đổ vỡ, hàn gắn và tha thứ, đi qua cả những sai lầm từ mọi phía để hướng đến tương lai.
Dù dòng chảy cuồn cuộn của sự kiện và sự kể đôi khi khiến cho tiểu thuyết trở nên có phần đơn giản và nhiều nhân vật, kể cả nhân vật chính, không thể được khai thác đến tận độ nhưng Quỹ Chủ vẫn là một cuốn tiểu thuyết đáng đọc về một giai đoạn còn rất ít được nhắc đến trong văn chương Việt.
PHẠM XUÂN THẠCH
TTO - Là một nhà báo đồng thời là một tác giả sáng tác cho thiếu nhi, ông Phạm Huy Thông đã nhanh nhạy viết cuốn sách được xem là cuốn đầu tiên viết về việc học online thời đại dịch COVID-19, với cái tên ngộ nghĩnh ‘Cơ Bản là Cơ Bản’.
Xem thêm: mth.91571728042402202-uhc-yuq-iov-nog-ias-neyuhc-peit-cod/nv.ertiout