Dù can to hay can nhỏ, dù thương hiệu nào sản xuất, hàng hóa cũng thưa thớt tại các kệ bán dầu ăn ở siêu thị Barcelona, Tây Ban Nha. Hiện tượng này xuất hiện ngày càng thường xuyên khi cuộc xung đột tại Ukraine tiếp tục kéo dài.
"Tôi nghĩ rằng mọi người đã mua tích trữ dầu ăn vì sợ mặt hàng này ngày càng khan hiếm hơn, làm tôi nhớ đến cảm giác siêu thị bị vét sạch giấy vệ sinh hồi dịch COVID-19 mới bùng phát", bà Mayca Martinez, người dân thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, chia sẻ.
Muốn cảm nhận rõ nhất tác động của việc khan hiếm dầu ăn thì phải ghé các nhà hàng trên phố. Cửa hàng bánh của ông Javier chuyên phục vụ món bánh quẩy chiên ngập dầu truyền thống của Tây Ban Nha. Khan hiếm dầu ăn đẩy giá tăng cao khiến ông đau đầu với bài toán chi phí.
Một phụ nữ mua sắm tại khu vực bán dầu, với một phần kệ dầu hướng dương trống rỗng, ở một siêu thị Barcelona, Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters)
"Năm ngoái tôi mua dầu ăn có 0,8 Euro một lít, giờ đã là 2,6 Euro mỗi lít, tăng 300%. Bột mì tăng giá và giờ là dầu ăn, chi phí quá cao khiến việc kinh doanh không có lãi", ông Javier Alvarez, chủ nhà hàng Churreria, Barcelona, Tây Ban Nha, cho biết.
Xung đột tại Ukraine cũng khiến các nhà sản xuất tại châu Âu lao đao. Công ty sản xuất dầu ăn Cérélia nhập khẩu dầu hướng dương từ Ukraine để chế biến thực phẩm. Chiến sự nổ ra, nguồn cung bị cắt đứt khiến việc sản xuất hoàn toàn ngưng trệ.
"Tôi năm nay 60 tuổi, đã kinh doanh trong nghề hơn 40 năm, nhưng chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng ở mức độ sâu rộng như thế này. Chúng tôi đang vất vả tìm nguồn cung khác thay thế", ông Guillaume Réveilhac, Chủ tịch Công ty sản xuất dầu ăn Cérélia, Pháp, cho hay.
Việc tìm nguồn cung khác cũng không phải dễ. Chiến sự tại Ukraine làm chao đảo thị trường dầu hướng dương toàn cầu, đẩy giá các loại dầu ăn từ thực vật khác lên cao. Dầu ăn từ dầu cọ được tiêu thụ phổ biến.
Indonesia có sản lượng dầu cọ lớn nhất toàn cầu, nay tuyên bố ngừng xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước. Giới phân tích dự báo tình trạng khan hiếm dầu ăn sẽ còn diễn biến phức tạp trong ít nhất là vài tháng tới.
VTV.vn - Ngày 8/4, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) thông báo giá lương thực toàn thế giới ở mức "cao chưa từng có" hồi tháng 3.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.4264711242402202-eniarku-iat-tod-gnux-iv-na-uad-meih-nahk-ua-uahc/et-hnik/nv.vtv