Tờ Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết, Elon Musk đã có buổi gặp gỡ với các lãnh đạo Twitter vào ngày chủ nhật khi công ty mạng xã hội này đã "cởi mở" hơn đối với lời đề nghị thâu tóm công ty trị giá 43 tỷ USD của Elon Musk.
Buổi gặp này tới vài ngày sau khi Musk tiết lộ rằng ông đã huy động đủ tài chính cho vụ thâu tóm này gồm cả việc được hỗ trợ cho vay bởi Morgan Stanley và một vài tổ chức tài chính khác. Nguồn tin giấu tên tiết lộ, Twitter hiện đang dần cởi mở hơn với việc thảo luận về thỏa thuận này, khác hẳn so với thái độ trước đây. Nguồn tin của tờ WSJ thậm chí còn cho biết thỏa thuận có thể kết thúc ngay trong tuần này.
Người phát ngôn của Twitter hiện từ chối bình luận về vấn đề này.
Được biết, trước cuộc họp vào ngày chủ nhật, Elon musk cũng đã gặp gỡ với hàng loạt cổ đông vào thứ 6 để tự thuyết trình trước một vài cổ đông. Tờ WSJ sau đó đã đưa tin rằng Musk cũng đã nói chuyện với Chủ tịch Twitter Bret Taylor trong những ngày gần đây rằng ông sẽ điều chỉnh mức giá 54,2 USD/cổ phiếu mà ông đã đề nghị.
Trong khi Twitter mới cho biết họ sẵn sàng thảo luận về thỏa thuận thì hội đồng quản trị ban đầu đã chống lại đề xuất của Musk bằng việc thúc giục cổ đông thực hiện chiến thuật "liều thuốc độc". Hành động khiến bất kỳ cổ đông nào của công ty kể cả Musk đều rất khó để mua được cổ phiếu công ty vượt 15% cổ phần.
Ngày thứ 6, Musk đã thực hiện một phần trình bày riêng với một số cổ đông chọn lọc thông qua hàng loạt cuộc họp video. Twitter vẫn đang ước lượng giá trị của mình.
Kể từ khi Musk công khai lời đề nghị thâu tóm vào ngày 14/4, cổ phiếu Twitter đã tăng 6,7%. Dẫu vậy, cổ phiếu này vẫn đang giao dịch ở mức thấp hơn 10% so với giá mua mà Musk đề xuất.
Trước đó trong một hồ sơ gửi SEC, Musk tiết lộ rằng ông đã nhận được một số thư cam kết từ các ngân hàng để tài trợ cho việc thâu tóm Twitter theo đề xuất của ông. Nhưng, gánh nợ hàng chục tỷ USD sẽ tốn rất nhiều chi phí trả lãi hàng năm.
Trong khi Musk dự định huy động một nửa số tiền từ tiền mặt của bản thân, ông cũng có kế hoạch sử dụng hỗn hợp nợ và hạn mức tín dụng để huy động phần vốn còn lại cần thiết để mua mọi cổ phiếu Twitter đang lưu hành mà ông không sở hữu với giá 54,20 USD/cổ phiếu.
Theo hồ sơ, Musk đã nhận được thư cam kết từ các ngân hàng đề nghị cho vay 13 tỷ USD nếu mua Twitter, với sự kết hợp giữa các khoản vay ngân hàng có bảo đảm và trái phiếu. Ngoài ra, Musk đã nhận được một lá thư từ các ngân hàng đề nghị cho ông vay thêm 12,5 tỷ USD, khoản tiền này sẽ được đảm bảo bằng 62,5 tỷ USD cổ phiếu Tesla của ông, hoặc khoảng một phần ba cổ phần của ông.
Cuối cùng, hồ sơ cho biết Musk đã cam kết tài trợ cho việc tiếp quản bằng 21 tỷ USD tiền mặt của chính mình.
Nhưng với những lá thư cam kết đó, Musk sẽ tốn rất nhiều tiền để cuối cùng có thể hoàn thành giao dịch và giữ quyền sở hữu Twitter. Lãi suất tiềm năng được nêu chi tiết trong thư cam kết thay đổi từ gần 6% đến cao nhất là khoảng 11%.
Dựa trên các khoản nợ khác nhau mà Musk sẽ huy động để tài trợ cho giao dịch, Matt Levine của Bloomberg tính toán rằng người giàu nhất thế giới sẽ phải trả khoảng 1 tỷ USD tiền lãi hàng năm. Ngoài ra, có nguy cơ là nếu giá cổ phiếu của Tesla giảm, Musk sẽ buộc phải bỏ thêm cổ phần của mình để làm tài sản thế chấp.
Do Musk ít quan tâm hơn đến lợi nhuận cơ bản của Twitter và quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề tự do ngôn luận và kiểm duyệt trên nền tảng này, nên không rõ công ty sẽ hoạt động tài chính tốt như thế nào dưới quyền sở hữu của Musk. Bất kỳ sự sụt giảm nào trong lợi nhuận của Twitter có thể sẽ đồng nghĩa với việc Musk phải bỏ tiền túi cá nhân của mình để trả các khoản nợ lãi hàng năm.
Dẫu vậy, dựa theo tính cách điển hình của Musk, có thể ông không bận tâm đến mấy vấn đề này.
"Tôi mua Twitter không phải để kiếm tiền", Musk nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên TED. "Ý thức trực giác mạnh mẽ của tôi là việc cần có một nền tảng công cộng được tin tưởng tối đa và bao trùm rộng rãi là cực kỳ quan trọng. Tôi làm là vì tương lai của nền văn minh chứ không quan tâm đến vấn đề kinh tế".
Nguồn: Bloomberg, WSJ
http://tintuc.vdong.vn/04/1325958.htmPhương Linh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế