Sân vận động huyện Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) được đầu tư xây dựng đã nhiều năm, có quy mô khá lớn và hoành tráng nằm cạnh Quốc lộ 32.
Nhưng, trái ngược với vẻ nhộn nhịp, sôi động của đời sống xã hội cách đó vài trăm mét, khung cảnh bên trong sân vận động im lìm, bao phủ bởi sự xuống cấp, hoang tàn.
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong vào dịp cuối tháng 4/2022, ở phía chính diện sân vận động, tấm biển “Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội” vẫn còn khá mới.
Cỏ dại mọc tại Sân vận động huyện Phúc Thọ. Ảnh: Trường Phong
Ở một cổng phụ, vài người đang vận chuyển các tấm kính từ xe tải vào khu vực dưới hầm khán đài sân vận động. Khoảng đất giữa sân vận động và đường 32 có vài xe ô tô khách dừng đỗ.
Qua cánh cổng khép hờ, phóng viên Tiền Phong đi vào bên trong sân vận động. Nhiều dãy phòng ở dưới hầm khán đài, có vẻ trước đây được bố trí cho lực lượng chức năng thuộc huyện sử dụng, nay hoang hoá, biển tên xô lệch, hư hỏng. Nhiều phòng bị bung cửa, vỡ kính.
Đáng chú ý, rác thải, bụi đất vương vãi khắp nơi. Nhiều khu vực được trưng dụng làm nơi tập kết những bồn, bục, bệ không sử dụng. Một vài khoảnh đất xung quanh được tận dụng để trồng rau. Vài nơi dường như đã từng sử dụng làm nơi chăn nuôi gà.
Bên trong sân, cảnh hoang hoá, không được sử dụng thường xuyên càng hiện rõ. Mặt cỏ chủ yếu là cỏ dại, nhiều khu vực đã nở hoa trắng. Bục bệ bê tông trên khán đài qua mưa nắng đã mốc đen. Hàng rào sắt cũng han gỉ…
Những ngày cuối tháng 4/2022, Trung tâm văn hoá – thể thao huyện Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) sôi nổi hơn bình thường vì công tác chuẩn bị tổ chức nội dung võ thuật SEA Games 31.
Ngày 22/4, trong tiếng loa đài xập xình, vài công nhân tập trung sửa chữa, rà soát các nội dung chuẩn bị tại Nhà thi đấu trong nhà huyện Đan Phượng. Cạnh đó, “Nhà hát Đan Phượng” – công trình hoành tráng trăm tỷ “ngủ yên” nhiều năm qua cũng rục rịch trở lại.
Một vài nhân viên đi rà soát, sửa chữa hành lang, tiểu cảnh xung quanh toà nhà. Vài cánh cửa vẫn khoá, lớp bụi phủ dày đặc. Ở cửa chính, vài người làm công tác bài trí triển lãm tranh “Thiếu nhi Đan Phượng chung tay phòng chống dịch COVID-19”.
Một công nhân thi công ở nhà hát này chia sẻ, đã lâu lắm rồi “Nhà hát” mới “cất tiếng” trở lại. Theo đó, những nội dung văn hoá, văn nghệ sẽ diễn ra ở “Nhà hát Đan Phượng”, còn nội dung thi đấu sẽ diễn ra ở Nhà thi đấu trong nhà.
Trong khi Nhà thi đấu trong nhà và “Nhà hát Đan Phượng” được trưng dụng phục vụ SEA Games thì Sân vận động huyện Đan Phượng nằm cạnh đó vẫn rơi vào cảnh hoang hoá, xuống cấp nhiều năm qua.
Nhưng do nằm ở mặt tiền, cùng trong tổ hợp các công trình liên quan phục vụ SEA Games, mặt trước sân vận động cũng được thu dọn, xử lý, quét màu trắng.
Nhưng cũng như sân vận động huyện Phúc Thọ, sân vận động huyện Đan Phượng, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều dãy phòng chức năng nằm dưới gầm khán đài sân vận động trước đây được bố trí cho lực lượng công an huyện làm việc, nay đã không còn sử dụng.
Nhiều khu vực tiểu cảnh cây xanh, bồn hoa bị đào bới chưa được san lấp. Nhiều phòng hư hỏng nặng, bung cửa, vỡ kính. Bên trong sân vận động, cỏ dại nở hoa trắng. Hàng ghế khán đài đã mục, bay hết màu sắc.
Những công trình như “Nhà hát Đan Phượng”, sân vận động huyện Đan Phượng, sân vận động huyện Phúc Thọ… từng được báo Tiền Phong nhiều lần phản ánh về việc đầu tư số tiền rất lớn, nhưng hiệu quả sử dụng thấp, thậm chí nhiều nơi để hoang hoá, hư hỏng, xuống cấp.
Những vấn đề này, dự kiến sẽ được giải trình, làm rõ trong phiên giải trình về đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hoá, thể thao trên địa bàn thành phố do HĐND thành phố tổ chức ngày 25/4.
Theo đó, tại phiên giải trình này, lãnh đạo UBND thành phố, thủ trưởng các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan sẽ trực tiếp trả lời các yêu cầu giải trình của các đại biểu HĐND thành phố về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao, bao gồm: công viên, khu vui chơi, giải trí; cung văn hóa, bảo tàng, thư viện; trung tâm văn hóa, nhà thi đấu, nhà văn hóa, khu thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng,… cấp huyện, xã, thôn/tổ dân phố; các cơ sở dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí,… trên địa bàn thành phố Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
“Thường trực HĐND thành phố sẽ có kết luận cụ thể về các nội dung giải trình, đánh giá kết quả thực hiện việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan đối với những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nội dung trên; xác định biện pháp, lộ trình khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn để nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội”, thông tin từ HĐND thành phố Hà Nội nêu.
Theo Trường Phong
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.13193920152402202-yk-meihn-ueihn-neuq-ugn-gnart-hnaoh-hnirt-gnoc-ion-ah/nv.zibefac