Ông Đỗ Đình Hồng - giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội - trả lời tại phiên giải trình - Ảnh: HĐND TP
Tại phiên giải trình, nhiều câu hỏi về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa được đặt ra. Đại biểu Vũ Ngọc Anh (Bắc Từ Liêm) cho biết giai đoạn một dự án Bảo tàng Hà Nội gồm tòa nhà bảo tàng đã hoàn thành năm 2010. Giai đoạn hai gồm nội dung trưng bày hiện vật, khái toán khoảng 800 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2015, nhưng đến nay chưa hoàn thành.
Ông Vũ Ngọc Anh đề nghị Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội trả lời rõ nguyên nhân, trách nhiệm và thời gian hoàn thành của dự án trên.
Bảo tàng Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ông Đỗ Đình Hồng - giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội - cho biết Bảo tàng Hà Nội là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong hệ thống bảo tàng nước ta với tổng kinh phí trên 2.300 tỉ đồng.
Năm 2010, dự án đã được khánh thành phần xây dựng và bắt đầu thực hiện phần thiết kế, là công đoạn cần nhiều "hội tụ" của cấp quản lý, các nhà khoa học, văn hóa, lịch sử, nên mất rất nhiều thời gian.
UBND TP Hà Nội đã thành lập hội đồng tư vấn khoa học để xây dựng dự án thiết kế. Năm 2009, TP đã phê duyệt đề cương trưng bày thiết kế bảo tàng. Tuy nhiên, thời điểm đó, toàn bộ hệ thống hiện vật chưa được kiểm kê.
Tới năm 2020, UBND TP phê duyệt lại đề cương thiết kế bảo tàng. Trong những năm vừa qua, chủ đầu tư cũng thay đổi từ Sở Xây dựng, Sở Văn hóa và thể thao, tới nay là Bảo tàng Hà Nội...
Ông Hồng cho biết khi tiếp cận với công việc này, đơn vị đã rà soát lại dự án với số lượng công việc rất lớn, liên quan tới nhiều ngành, nhiều cấp. Ngoài hiện vật của Hà Nội đã sưu tầm thì trang thiết bị và công nghệ để thể hiện các hiện vật này cũng rất quan trọng, cần sự tư vấn của các chuyên gia của Nhật, Pháp.
Ông Hồng cho biết đến nay cơ bản thực hiện được 65% thiết kế thi công, riêng thiết kế kỹ thuật đã làm xong gửi Sở Xây dựng vào ngày 31-3. "Sau khi thanh tra xong, sở sẽ báo cáo UBND TP phê duyệt điều chỉnh dự án này", ông nói.
Lãnh đạo Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội thừa nhận: "Dự án này rất khó, trải qua nhiều công đoạn, đơn vị đã báo cáo UBND TP thành lập tổ công tác liên ngành để hỗ trợ Ban quản lý dự án bảo tàng, trực tiếp do tôi làm tổ trưởng với sự tham gia của Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và đầu tư…
Chúng tôi quyết tâm cố gắng tới giữa năm 2024 kết thúc dự án này. Cố gắng nếu được sẽ hoàn thiện phần trưng bày vào năm 2023 để chạy thử, nghiệm thu".
Hà Nội thiếu nhiều khu vui chơi, địa điểm văn hóa
Theo báo cáo của UBND thành phố, đến tháng 3-2022, Hà Nội có 30 thiết chế văn hóa, thể thao cấp thành phố, 57 thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện, 136 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố.
Tuy nhiên, các thiết chế văn hóa vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp cần được đầu tư, cải tạo; chưa có nhiều công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của nhân dân.
Việc đầu tư các công trình bằng nguồn vốn ngân sách còn hạn chế. Việc huy động xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao đạt kết quả chưa cao. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng nhưng việc quản lý, khai thác còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả.
TTO - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lý do điều chuyển Bảo tàng Hà Nội về Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch quản lý thay cho UBND TP Hà Nội, Thủ tướng nói do bảo tàng đã khánh thành 10 năm vẫn chưa thể mở cửa đón khách.