Một lãnh đạo MS-13 trong nhà tù ở El Salvador - Ảnh: JAN SOCHOR - GETTY IMAGES
"MS-13 sử dụng bạo lực một cách vô lý không cần thiết. Chúng sẵn sàng đoạt mạng ai đó vì những lý do trời ơi đất hỡi như họ khoe ám hiệu băng đảng, hoặc nghi ai đó là thành viên băng đảng đối thủ. Người ta cứ nghĩ MS-13 sẽ giết người để tranh giành, mở rộng lãnh thổ hoặc vì lợi ích tài chính, nhưng không", Paul Liquorie, cảnh sát bang Maryland, Mỹ, cho biết trên tờ The Daily Signal.
Ngày 13-9-2016, Nisa Mickens 16 tuổi và Kayla Cuevas 15 tuổi đang đi bộ trên con đường vắng tại hạt Brentwood, Long Island thì các thành viên MS-13 tình cờ lái xe ngang qua và phát hiện họ.
Bạo lực vô nghĩa
Cuevas bị cho là đã chọc giận một thành viên MS-13 vì mâu thuẫn trên mạng xã hội và tại trường học. Theo báo Long Island Press, Cuevas đã bị MS-13 "đánh dấu chết" - tiếng lóng của băng đảng về quyết định giết ai đó. Thấy hai cô gái, nhóm thanh thiếu niên trên xe báo thủ lĩnh của băng và được lệnh hành động.
Mickens không liên quan gì, cô chỉ kém may mắn do đi cùng Cuevas.
MS-13 dừng xe. Với mã tấu và gậy bóng chày, chúng đánh đập Mickens dã man.
Cuevas chạy trốn nhưng không được bao xa, cô cũng chịu chung số phận với bạn mình.
Thi thể bị đánh đập dã man của Mickens được phát hiện trên con đường rợp bóng cây ở Brentwood ngày 13-9-2016, một ngày trước sinh nhật thứ 16 của cô. Hôm sau, thi thể Cuevas được phát hiện tại sân sau nhiều cây cối của ngôi nhà gần đó.
Đó là một trong những vụ án mà cơ quan tư pháp liên bang Mỹ, vốn ít khi xử tội tử hình, muốn kết án tử hình tên Alexi Saenz, người ra lệnh sát hại hai nạn nhân cho bảy thành viên khác thực hiện.
Bài xã luận trên báo New York Post viết: Các công tố viên liên bang muốn kết án tử hình bị cáo Alexi Saenz, thủ lĩnh băng MS-13 ở Brentwood. Nếu tội ác này không xứng với hình phạt cao nhất, sẽ không có vụ nào đáng với án phạt này.
Vụ án này cũng mang nhiều điểm đặc trưng đại diện cho nhiều vụ giết chóc "kiểu MS-13": nó vô nghĩa, ghê rợn và tàn độc.
Đây cũng chỉ là một phần trong làn sóng giết người do các băng nhóm MS-13 khác nhau thực hiện ở hạt Suffolk, Long Island. Từ năm 2016, trong 18 tháng có 45 vụ giết người, 17 vụ liên quan đến băng đảng.
Tổng thống Donald Trump khi đó đã lên Twitter gọi MS-13 là cầm thú và thề sẽ có chính sách để truy quét và trục xuất hàng ngàn tên thuộc băng đảng này khỏi nước Mỹ. Từ đây, báo chí cũng nhắc nhiều hơn đến MS-13.
Cảnh sát treo giải thưởng 15.000 USD cho ai thông tin giúp bắt được kẻ giết hai nạn nhân Kayla Cuevas và Nisa Mickens ở hạt Suffolk, Mỹ - Ảnh: AP
MS-13 ở Mỹ
MS-13 là từ viết tắt của Mara Salvatrucha 13. Theo hồ sơ về MS-13 đăng trên trang web của Bộ Tư pháp Mỹ, nhóm này do những người El Salvador chạy trốn nội chiến ở quốc gia mình nhập cư đến Mỹ và lập ra ở Los Angeles, California vào những năm cuối thập niên 1970.
Thuở ban đầu, MS-13 là tập hợp của những thanh thiếu niên nhập cư hâm mộ dòng nhạc rock heavy metal, trốn bố mẹ hút hít cần sa.
Khi cộng đồng người di cư không giấy tờ ở Los Angeles phải đối mặt với nhiều định kiến, MS-13 chuyển sang hoạt động theo kiểu băng đảng đường phố chống lại các băng nhóm khác. Đến giữa thập niên 1980, MS-13 có điều kiện mở rộng do nhiều người El Salvador tiếp tục tị nạn đến Mỹ.
Những người này tham gia vào MS-13 với tâm trạng vừa tò mò vừa sợ hãi. Họ nửa muốn tìm sự bảo vệ, nửa muốn kết nối với những người đồng hương El Salvador ở nơi đất khách quê người.
Cùng với sự mở rộng của MS-13, dao, mã tấu, rìu... được sử dụng để nhóm chiếm các lãnh địa trên đường phố. Kẻ địch lớn nhất của MS-13 là nhóm Barrio 18, gốc Mexico, có mặt ở Los Angeles từ những năm 1960.
Hai bên từ chỗ hữu hảo ban đầu đã trở thành kẻ thù vào cuối những năm 1980. Các vụ giết chóc man rợ lan rộng kể từ đó và trở thành một đặc điểm gắn với tai tiếng của MS-13.
MS là viết tắt của hai từ "Mara" có nghĩa là băng đảng, "Salva" là Salvador - quốc gia xuất thân của hầu hết các thành viên. Từ "trucha" có nhiều cách giải thích khác nhau.
Một trong những cách giải thích về "trucha" trên Đài BBC là "khôn lỏi, láu cá kiểu đường phố". Cách giải thích này có vẻ đúng nếu xét đến địa bàn hoạt động và nghề thu tiền bảo kê của MS-13. Số 13 đại diện cho vị trí của ký tự M trong bảng chữ cái.
Trải qua nhiều thập niên, theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), MS-13 có mặt ở 46 bang ở Mỹ và các quốc gia lân cận như Mexico, Canada, Nam và Trung Mỹ. Nó không phải băng đảng có nhiều thành viên nhất ở Mỹ nhưng nổi tiếng vì cực kỳ tàn nhẫn và máu lạnh. Từ năm 2010 đến nay, số thành viên của nhóm vẫn đâu đó 10.000 người, riêng ở Mỹ.
MS-13 phức tạp và đơn giản ở một số cấp độ nhất định. Theo một cáo trạng ở El Salvador, MS-13 là một "tập thể, nhiều cấp bậc và thành viên". Nó hoạt động mà không có bất kỳ hệ thống phân cấp rõ ràng nào và không có đại ca trùm cuối duy nhất nào kiểm soát.
Mỗi địa phương có một nhóm MS-13 nhỏ - gần như tự trị hoạt động với "thương hiệu" MS-13. Các nhóm thường lấy tên con đường, khu phố nơi chúng xuất thân làm tên nhóm.
Các nhóm nhỏ này tự kết nạp và kiểm soát thành viên. Ở hàng ngũ trên cùng, MS-13 có dàn đồng lãnh đạo là những tay anh chị dày dạn kinh nghiệm. Dưới hội đồng chỉ huy này là các chỉ huy cấp trung (cấp khu vực), quản lý các băng nhóm cấp địa phương độc lập nói trên.
Ở một mức độ nhất định, cách tổ chức này có hiệu quả trong việc khuếch trương thanh thế MS-13 vì các nhóm được khuyến khích để tăng ảnh hưởng, mở rộng lĩnh vực phạm tội. Nhưng hệ thống này có nhược điểm là làm MS-13 không thể hoạt động như một tập đoàn tội phạm có tổ chức chuyên nghiệp, đa quốc gia.
MS-13 có tổ chức chặt chẽ hơn ở El Salvador nhưng có những khác biệt quan trọng trong cách các băng đảng này hoạt động ở Mỹ. Ngoài ra, các chức danh cầm đầu ở địa phương hoặc quốc gia thường không được công nhận xuyên biên giới.
Do chưa trưởng thành về tổ chức như các nhóm tội phạm cao cấp, MS-13 có xu hướng phạm tội theo nhóm đông người. Thành viên băng đảng thường gặp nhau vào ban đêm vì trong khi các băng đảng khác có nguồn thu khổng lồ từ các hoạt động tội phạm quốc tế, thì MS-13 - thậm chí kẻ cầm đầu - vẫn làm những công việc tầm thường và đôi khi còn đi học vào ban ngày.
Cựu tổng thống Donald Trump cho rằng MS-13 là mối đe dọa nước Mỹ và đổ lỗi công tác bảo vệ biên giới yếu kém. Ông đặt ưu tiên loại trừ hàng ngàn tên thuộc MS-13 trong nhiệm kỳ của mình. Vô tình hay cố ý, điều này dường như làm MS-13 càng "nổi tiếng" hơn.
Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ cảnh báo rằng việc gọi MS-13 là một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia có thể gây hiểu lầm vì nhóm này không có lãnh đạo duy nhất hoặc tham vọng toàn cầu.
MS-13 gồm các băng nhóm đôi khi cạnh tranh nhau, do những thanh thiếu niên đầu óc còn non nớt tổ chức nên chúng chủ yếu quan tâm đến việc sử dụng quyền lực và bạo lực với những người trẻ khác để ra oai là chính.
------------------------
Những vụ án do MS-13 thực hiện có đặc điểm hung thủ rất trẻ, tầm 15-30 tuổi, ra tay tàn ác, vô lý.
Kỳ tới: Mỹ đau đầu với MS-13
TTO - Quốc hội El Salvador đã phê chuẩn, theo yêu cầu của tổng thống, việc ban bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến làn sóng bạo lực băng đảng đẫm máu khiến 62 người thiệt mạng chỉ trong vòng 24 giờ.