Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá (gọi tắt là dự thảo Nghị quyết). Nghị quyết quy định thí điểm việc cấp quyền lựa chọn theo nhu cầu sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, bao gồm: giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá, trường hợp bán cho người duy nhất tham gia đấu giá, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân (gọi tắt là người) trúng đấu giá và sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số.
Theo Điều 6, dự thảo Nghị quyết, thời hạn thực hiện thí điểm trong 3 năm tính từ khi tổ chức đấu giá biển số đầu tiên. Sau đó, Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết này báo cáo Quốc hội.
Đại tá Đỗ Thanh Bình |
Nói thêm về vấn đề này, đại tá Đỗ Thanh Bình – Cục Phó Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, theo dự thảo thì tất cả người dân đều được lựa chọn biển số trong kho biển số theo sở thích, nhu cầu cá nhân của mỗi người . Cơ quan Nhà nước không đưa ra khái niệm biển số “xấu, đẹp” để đưa ra đấu giá.
“Do đó, sau khi người dân chọn biển số trong kho chưa được cấp, thì cơ quan chức năng sẽ đưa ra đấu giá công khai” – đại tá Bình thông tin.
Theo đại tá Bình, việc thí điểm đấu giá biển số hiện tại người trúng đấu giá chưa được mua bán, sang nhượng quyền sở hữu vì đây là một loại “hàng hóa đặc biệt”.
“Quan trọng nhất trong việc đấu giá biển số là người dân được chọn biển số theo nhu cầu, đây là tư duy mở trong khái niệm về biển số. Cùng với đó, biển số đấu giá là để phục vụ việc đăng ký xe, do đó, người dân có nhu cầu mua nhiều xe thì cũng có quyền được đấu giá nhiều biển số mà không bị giới hạn” – đại tá Bình cho biết.
Theo tờ trình “Về việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá” gửi Quốc hội, Chính phủ đề nghị đưa vào Nghị quyết Quốc hội quy định: “Bán cho người duy nhất trong trường hợp khi đã hết hạn đăng ký tham gia mà chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá, 1 người tham gia đấu giá, 1 người trả giá, 1 người chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu”.
Cùng với đó, để đảm bảo Đề án triển khai thực hiện đúng quy định của pháp luật sẽ phải bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trên. Căn cứ khoản 2 Điều 15, Điều 148, Điều 149 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết (theo trình tự, thủ tục rút gọn) quy định thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng khác với quy định của Luật hiện hành.
Theo Thanh Hà
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.35944909062402202-oan-eht-hnid-yuq-coud-ped-uax-neib-mein-nauq-ot-o-neib-aig-uad/nv.zibefac