Số lượng lớn các dự án ôm đất nhưng chậm hoặc không triển khai thời gian vừa qua đã dẫn tới tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực của Thủ đô. 105 dự án bị đề xuất chấm dứt hoạt động đầu tư. Gần 300 dự án nằm trong diện chờ xử lý.
Theo báo cáo, thành phố đã rà soát tổng cộng 712 dự án chậm triển khai, bao gồm các dự án tới nay chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất và các dự án đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, với tổng diện tích đất được cấp là hơn 5.000 ha.
Đến nay, qua rà soát, thành phố đã giảm được 419 dự án, tương đương gần 60% của tổng số dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, gần 300 dự án còn lại, cần tiếp tục xử lý bao gồm 50 dự án chưa được giao đất; 150 dự án đã được giao đất tiếp tục cần các cơ quan hậu kiểm, giám sát việc xử lý; 93 dự án do các quận, huyện, thị xã phát hiện đề xuất. Thành phố cũng cho phép hơn 200 dự án được tiếp tục triển khai hoặc gia hạn sử dụng đất.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Trong thời gian tới, Hà Nội quyết tâm xử lý dứt điểm 293 dự án còn lại trước 31/12/2023. UBND thành phố đã xác định công tác xử lý đối với các dự án ngoài ngân sách còn chậm tiến độ, chậm triển khai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Chủ tịch UBND TP đã trực tiếp làm việc với từng quận, huyện để nghe chỉ đạo, xử lý cụ thể từng dự án. Ngay sau kỳ họp này chúng tôi tiếp tục làm việc với các quận, huyện để tiếp tục triển khai", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết.
Việc thu hồi các dự án treo từ trước tới nay luôn được cho là phức tạp, bởi còn những vấn đề nhất định về khung chính sách pháp luật, thể chế, quản lý chưa có sự đồng bộ và quan trọng vẫn là chính quyền địa phương có thực sự quyết tâm vào cuộc để tái sinh được nguồn lực từ đất của các dự án treo hay không.
"Công tác giải phóng mặt bằng nếu như Bí thư hay Chủ tịch không quan tâm chỉ đạo thì 1 nhiệm kỳ chứ 10 nhiệm kỳ không đẩy được. Nếu dự án chậm triển khai do năng lực không thực hiện tốt quy định nhà nước thì chúng ta tuyệt đối phải thu hồi, nhưng rất rõ là doanh nghiệp nào thực sự tích cực có đủ năng lực nhưng vướng về công tác quản lý, thủ tục hành chính chậm trễ thì phải quan tâm. Tới đây tôi cũng đề nghị hội đồng giám sát cụ thể tại sao cái dự án này chậm tiến độ, họ vướng mắc cái gì để đặt lên bàn khách quan, vô tư nhất", ông Vũ Mạnh Hà, Tổ đại biểu huyện Thường Tín, Hà Nội, nêu quan điểm.
"Doanh nghiệp hoàn thành giao đất, hoàn thành xong các thủ tục triển khai liên quan đến giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, tuy nhiên đến nay người ta cần tính toán việc sử dụng đất để hoàn thành nghĩa vụ tài chính, để khởi công xây dựng và bán hàng ra bên ngoài. Đây là nguồn thu rất quan trọng với ngân sách thành phố và các quận huyện hiện nay", ông Nguyễn Thanh Xuân, Bí thư Quận ủy Hà Đông, Hà Nội, cho biết.
"Đối với vi phạm nguyên nhân do chủ quan thì phải cương quyết để giữ kỷ cương. Thứ hai là vấn đề xã hội, người dân hết sức bức xúc khi các dự án chậm triển khai, gây ô nhiễm môi trường, không phát triển được sản xuất", ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thông tin.
Đất xây trường học bỏ hoang
Bỏ hoang nhà, khu đô thị là vấn đề tồn tại trong xã hội nhiều năm qua, khó giải quyết. Trong khi người có nhu cầu thực về chỗ ở không thể tiếp cận được các dự án vừa túi tiền, chủ đầu tư lại chỉ thích xây nhà trung, cao cấp, nên nghịch lý diễn ra là chỗ thiếu cứ thiếu. Hay như câu chuyện trường mầm non công lập thiếu dẫn đến quá tải tại nhiều khu vực nhất là những khu đô thị. Tuy nhiên cũng tại đây lại đang tồn tại 1 nghịch lý, tại chính những khu vực này có nhiều khu đất đã được quy hoạch để xây trường học trong đó có trường mầm non nhưng bị bỏ hoang hàng chục năm nay. Đất lãng phí.
10 năm ông Loan (hường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) trồng rau tại khu đất. Trong khi chờ đợi 1 trường mầm non được quy hoạch trên diện tích 0,6 ha, 10 năm, vẫn chưa có tín hiệu gì. Giờ người trồng rau, người dựng nhà gỗ để đồ.
Có 7 khu đất bỏ hoang như vậy với tổng diện tích gần 5ha tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, nơi có tới 85 tòa chung cư và trường mầm non công lập chỉ đáp ứng chưa đến 20% nhu cầu.
"Không thể để mãi được, đây là trách nhiệm của chính quyền các cấp, phải yêu cầu chủ đầu tư. Cấp phường không thể yêu cầu chủ đầu tư được. Phường chỉ kiến nghị lên quận, quận báo cáo thành phố", ông Nguyễn Tất Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết.
"Đang phải trả giá về việc là quan điểm của nhà đầu tư ngay từ đầu không thực hiện các dự án về hạ tầng dẫn đến việc khi dân cư được về ở đông đúc, áp lực lên hạ tầng, lên chính quyền vô cùng lớn. Chúng ta đang phải gánh chịu hậu quả này", ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Quản lý và Đô thị quận Hoàng Mai, Hà Nội, nhận định.
Từ câu chuyện phụ huynh học sinh đứng hàng dài, cả đêm nộp đơn xin học cho con vì thiếu trường, thiếu lớp, hay với nhu cầu thực của người dân về nhà ở xã hội, họ khó có thể tiếp cận được các dự án vừa túi tiền, cuộc sống tạm bợ chờ đợi của người dân ở những dự án treo… đã cho thấy phần nào các bất cập trong quá trình quản lý các dự án sử dụng đất, dẫn đến việc chậm, không triển khai, ảnh hưởng nguồn lực hoàn thiện hạ tầng xã hội. Còn 300 dự án thuộc diện còn xử lý trong năm nay sẽ là rất lớn.
Theo UBND thành phố tất cả danh mục liên quan đến các dự án sẽ công khai đến cấp xã trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng để chính quyền, người dân tổ chức giám sát nội dung này.
Qua những hành động và báo cáo trong kỳ họp lần này từ lãnh đạo thành phố đang cho thấy sự chuyển động, những quyết tâm kiên quyết thu hồi, chấm dứt các dự án chậm triển khai, không để tình trạng chây ỳ, kéo dài, chống lãng phí. Có như vậy, nguồn lực mới được giải phóng cho phát triển kinh tế - xã hội.
VTV.vn - Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 105 dự án bị đề xuất chấm dứt hoạt động đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.83663711060703202-iahk-neirt-mahc-na-ud-ioh-uht-teyuq-neik-ion-ah/et-hnik/nv.vtv