vĐồng tin tức tài chính 365

Khánh Hòa hướng đến phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp

2022-04-27 03:42

Lợi thế của tỉnh Khánh Hòa để phát triển nuôi biển

Tại hội thảo, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển nuôi biển khi có đường biển dài 385km với 200 hòn đảo lớn nhỏ; có nhiều đầm, vịnh như vịnh Vân Phong, vịnh Cam Ranh, vịnh Nha Trang, đầm Nha Phu.

Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu về biển như Trường đại học Nha Trang, Viện Hải dương học Nha Trang, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3… Nhờ đó, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ khá phát triển, đã chủ động sản xuất được nhiều giống mới, hoàn thiện nhiều quy trình nuôi tiên tiến cho năng suất cao”.

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa có 5 vùng nuôi trên triều chính là huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, Tp.Nha Trang, huyện Cam Lâm, Tp.Cam Ranh. Đối tượng nuôi chủ yếu là tôm chân trắng, tôm sú, cá biển, ốc hương, cua… với tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh hàng năm trên 4.000 ha, sản lượng đạt 16.000 – 18.000 tấn.

Về nuôi thương phẩm biển, tôm hùm và cá biển (cá bớp, cá chim, cá mú, cá chẽm…) là đối tượng nuôi chủ yếu. Bên cạnh đó, hàu Thái Bình Dương, hải sâm, tu hài, ngao hai cồi, trai ngọc, rong biển…cũng là đối tượng mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Kinh tế vĩ mô - Khánh Hòa hướng đến phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp

Quang cảnh hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cũng nhận định tỉnh Khánh Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi biển như có vùng biển thích hợp để phát triển nuôi biển công nghiệp. Đồng thời, đã có 2 mô hình nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, theo phương thức quản lý hiện đại.

Ngoài ra, tỉnh này có điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác quốc tế thu hút công nghệ, vốn và thị trường; có điều kiện đào tạo cán bộ quản lý và công nhân chuyên nghiệp…

Theo ông Lê Tấn Bản, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, tỉnh Khánh Hòa cũng còn một số khó khăn như các vùng nuôi lồng bè hiện nay chủ yếu gần bờ và ven đảo nằm trong các đầm, vịnh.

Ngư dân nuôi biển trong tỉnh chủ yếu nuôi theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ, hầu hết lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ, không chịu được sóng gió lớn; một số vùng nuôi nằm chồng lấn với các quy hoạch khác của tỉnh.

Công nghệ nuôi biển bằng lồng bè của ngư dân còn lạc hậu, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu. Một số đối tượng chưa có quy trình nuôi chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu nuôi thử nghiệm.

Đa số ngư dân sử dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm; khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn hạn chế, chưa chủ động hoàn toàn về con giống sản xuất nhân tạo, con giống sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi thương phẩm.

Nuôi biển cần vốn đầu tư lớn, thời gian nuôi dài; sự tham gia của các doanh nghiệp lớn còn ít; trong khi đó lao động tham gia nuôi biển thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật và hạn chế ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường vùng nuôi.

Nuôi biển kết hợp với du lịch

Ông Lê Tấn Bản cho hay tại Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Bộ Chính trị xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng “nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường”.

Đồng thời, chương trình hành động của Tỉnh ủy Khánh Hòa thực hiện Nghị quyết 09 cũng khẳng định cần phải “xây dựng đề án nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa và đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đầu tư trên lĩnh vực nuôi biển công nghệ cao” để nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên biển và phát triển toàn diện kinh tế biển.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp, mô hình cũng như kinh nghiệm đã áp dụng trong thực tiễn để phát triển nuôi biển bền vững. Trong đó, một trong những giải pháp được nhắc đến nhiều nhất chính là nuôi biển kết hợp với du lịch.

Kinh tế vĩ mô - Khánh Hòa hướng đến phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp (Hình 2).

Tỉnh Khánh Hòa hướng đến phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp.

Theo PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam để nuôi biển công nghiệp được thực hiện và phát triển bền vững thì điều cần thiết là phải có quy hoạch không gian biển.

Trong đó, cần phải giải quyết được một số vấn đề trong quy hoạch phát triển kinh tế biển như mâu thuẫn không gian giữa các ngành kinh tế: Du lịch – nuôi trồng, hàng hải – thủy sản, bảo tồn – khai thác thủy sản, du lịch – bảo tồn; tính tương tác và tác động lẫn nhau của các hoạt động trên đảo và trên mặt nước biển.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý đến tình trạng tự phát và thiếu hiệu quả quản lý; nuôi biển nhếch nhác về cảnh quan và ô nhiễm môi trường; tình trạng “quy hoạch treo” trong việc sử dụng mặt nước...

Tại hội thảo, ông Josh Goldman, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam cũng đã nói về kinh nghiệm phát triển nuôi biển bền vững và kế hoạch phát triển nuôi biển kết hợp du lịch trong tương lai.

Theo ông Josh Goldman việc quy hoạch phải bao gồm cả phân vùng trên đất liền và trên biển để đảm bảo sự phát triển đa dạng, đa ngành. Ưu tiên, tạo sức mạnh tổng hợp giữa các ngành nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch và dịch vụ hậu cần. Trong đó, có thể phát triển du lịch trải nghiệm trên giàn nổi kết hợp với nuôi trồng thủy sản.

“Điểm nổi bật của của du lịch trải nghiệm là chúng ta có thể kết hợp làm trung tâm trải nghiệm, ẩm thực, câu cá và giải trí để thu hút du khách” – ông Josh Goldman cho biết.

Đại diện của Bảo tàng Kyst Museum cũng đã giới thiệu mô hình tích hợp nuôi biển với du lịch ở Na Uy. Với mô hình này, du khách có thể tham quan, chứng kiến các quy trình nuôi cá trên biển. Từ đó, người xem có thêm nhiều hiểu biết về nuôi trồng thủy sản. Đây là điều kiện để thu hút được cả du khách cũng như người dân địa phương đến du lịch trải nghiệm.

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Trí Tín đưa ra mô hình nuôi biển đa canh tổng hợp (IMTA) kết hợp du lịch biển trải nghiệm ở quy mô nhỏ.

IMTA là hệ thống nuôi biển đa loài được thiết kế sao cho các chất thải của loài được nuôi này trở thành chất dinh dưỡng cho các loại khác được nuôi trong cùng hệ thống.

Vì vậy, việc áp dụng IMTA sẽ góp phần bảo vệ môi trường biển, làm gia tăng đáng kể hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích và hỗ trợ cho sự phát triển một số ngành liên quan, tạo sự phát triển bền vững và hiệu quả xã hội được nâng cao.

Hiện nay, công ty đang thực hiện nuôi thực nghiệm giai đoạn nuôi trong ao, đìa và trong thời gian tới dự kiến thực nghiệm nuôi ngoài biển hở. Từ đó sẽ kết hợp với du lịch trải nghiệm biển như câu cá giải trí; tắm và lặn biển khám phá sinh vật biển; trải nghiệm các hoạt động trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến rong biển, món ăn; bơi thuyền đáy kính ngắm sinh vật biển; thưởng thức các món đặc sản tại mô hình…

Ngoài ra, tại hội thảo các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp để nuôi biển bền vững như giải pháp hạ tầng nuôi biển công nghệ cao kết hợp với du lịch sử dụng vật liệu nhựa HDPE; sử dụng camera giám sát cho ăn, container/sà lan cho cá ăn tự động… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị để phát triển nuôi biển bền vững.

Kinh tế vĩ mô - Khánh Hòa hướng đến phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp (Hình 3).

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết tỉnh đã giao cho Sở NN&PTNT xây dựng đề án phát triển nuôi biển bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và đảm bảo quốc phòng. Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp đối với các hộ nuôi trồng thủy sản bị giải tỏa, di dời; hỗ trợ chuyển đổi lồng nuôi cho ngư dân sang vật liệu phù hợp, chịu được ảnh hưởng của thời tiết tốt hơn…

Phó Chủ UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT xây dựng tiêu chuẩn trang trại, từ đó đảm bảo cho các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm trong ngành nuôi biển; tham mưu Chính phủ ban hành chính sách, cơ chế thông thoáng về giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản không bị chồng lấn với các ngành kinh tế khác và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đối với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ về chính sách và kinh nghiệm về nuôi biển; tìm kiếm các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư nuôi biển công nghiệp tại Khánh Hòa…

Ông Đinh Văn Thiệu cũng kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh những ý tưởng nuôi phù hợp với các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh. Khánh Hòa luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư và mở rộng mô hình nuôi biển theo phương thức nuôi công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Châu Tường

 

Xem thêm: lmth.900155a-peihgn-gnoc-neib-ioun-gnuv-neb-neirt-tahp-ned-gnouh-aoh-hnahk/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khánh Hòa hướng đến phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools