Sáng 27/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021.
Báo cáo được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.312 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.127 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam.
Theo đó, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu PCI 2021 với điểm số 73,02. Trong bảng xếp hạng PCI năm nay, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất được xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế “Rất tốt”. Đây cũng là lần thứ 5 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh dẫn dầu toàn quốc về điểm số PCI.
VCCI cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp tại Quảng Ninh đánh giá cao chính quyền trong việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, điều hành kinh tế.
Trong điều tra PCI, 87,9% doanh nghiệp trong tỉnh đã đánh giá tốt hoặc rất tốt về ứng phó dịch của chính quyền trước đại dịch. Đây cũng là một trong những địa phương có tỉ lệ doanh nghiệp hài lòng về quản trị dịch bệnh cao nhất cả nước.
Trong năm 2021, tỉnh Quảng Ninh rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính để giảm 40-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Tính đến hết tháng 2/2022, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh đã cung cấp được 1,712 dịch vụ ở mức độ 3 và mức độ 4 trong tổng số 1,831 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 1.387 thủ tục, tương đương 75% số dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Tỉ lệ này cao hơn đáng kể so với tỉ lệ áp dụng dịch vụ công trực tuyến của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, với tỉ lệ trung bình khoảng 48%.
“Những nỗ lực thực chất của tỉnh Quảng Ninh đã giúp địa phương đứng đầu ở hai chỉ số thành phần của PCI 2021 là Chi phí gia nhập thị trường (798 điểm) và Chi phí thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính (8,52 điểm)”, báo cáo nhấn mạnh.
Đứng vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2021 là Hải Phòng với điểm số đạt 70,61 điểm. Hải Phòng đã cải thiện được 5 bậc trong xếp hạng PCI năm nay và đạt vị trí cao nhất từ trước đến nay nhờ những cố gắng trong thuận lợi hóa môi trường kinh doanh tại địa phương.
Nhờ việc thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch làm đầu mối theo mô hình "một cửa" đã giúp cho các hoạt động đầu tư của Hải Phòng, góp phần thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Nhờ vậy, trong năm 2021, thành phố không chỉ thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn trong nước mà còn vươn lên dẫn đầu trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Xếp ở vị trí thứ 3 và thứ 4 trong bảng xếp hạng là Đồng Tháp (70,53 điểm) và Đà Nẵng (70,42). Điểm số của Đà Nẵng được cải thiện so với năm 2020.
Vĩnh Phúc là tỉnh được đánh giá có sự trở lại ngoạn mục khi xếp hạng ở vị trí thứ 5. Có hơn 93,9% doanh nghiệp tại địa phương đánh giá thủ tục hành chính hiệu quả (cao thứ 6 toàn quốc).
Những vị trí tiếp theo trong top 10 PCI 2021 là các tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, Thừa Thiên – Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế trở lại đường đua top 10 sau 8 năm kể từ 2013 (đứng vị trí thứ 2). Tương tự kể từ sau PCI 2009, đây mới là lần đầu tiên Bà Rịa – Vũng Tàu góp mặt trong top 10 tỉnh dẫn đầu.
Hà Nội xếp hạng thứ 10 trong bảng xếp hạng trong bảng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm nay, tụt 1 hạng so với PCI 2020. Với Tp.HCM, địa phương này vẫn duy trì vị trí 14 trong bảng xếp hạng (2020 cũng xếp ở vị trí 14).
Theo đánh giá của VCCI, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, với hiệu quả và hiệu lực thực thi tại các cấp địa phương gia tăng. Những nỗ lực phòng chống tham nhũng đang phát huy tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Dù vậy, VCCI cho rằng, chính quyền các tỉnh cần đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, tập trung cải cách trong các lĩnh vực thuế, đất đai, bảo hiểm xã hội, môi trường, xây dựng… Các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện cần là trọng tâm cải cách trong thời gian tới, khi gánh nặng chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp còn lớn.
Kết quả điều tra doanh nghiệp FDI ghi nhận những cải thiện tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam. VCCI nhấn mạnh, để duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần tập trung cải cách những lĩnh vực thủ tục hành chính về thuế, phòng cháy, xuất nhập khẩu, đăng ký đầu tư và bảo hiểm xã hội.
Báo cáo PCI nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Triển khai xây dựng và công bố từ năm 2005, PCI là một bộ chỉ số hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, bao gồm: chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.