"Ở mức độ tối thiểu, trẻ dưới 10 tuổi hoặc cao dưới 1,35m cần có hệ thống an toàn trên xe ôtô để bảo vệ trẻ khi có tai nạn xảy ra" - Ảnh minh họa: RSA
Đây là thông tin tại hội thảo khoa học về thiết bị an toàn trên xe ôtô cho trẻ em tại Việt Nam, do Trường đại học Y tế công cộng, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Tổ chức Y tế thế giới tổ chức ngày 26-4 tại Hà Nội.
Tiến sĩ Kidong Park, trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho biết mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể, số liệu của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy tai nạn thương tích do tai nạn giao thông đường bộ còn cao, và vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em và nhóm người từ 10-39 tuổi ở Việt Nam.
Tai nạn thương tích đường bộ cũng là nguyên nhân cao thứ hai gây tử vong ở trẻ 5-9 tuổi...
Hiện, tỉ lệ trẻ em ngồi ghế trước của ôtô khá phổ biến. Con số khảo sát cho thấy 22,8% xe có trẻ ngồi ghế trước một mình; 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn, trong khi Việt Nam chưa có quy định về thiết bị, vị trí an toàn của trẻ em trên ôtô.
Tiến sĩ Kidong Park đánh giá cao việc Việt Nam xây dựng Luật đường bộ và Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. "Luật mới có mục tiêu chính đáng là thu hẹp khoảng trống lớn liên quan tới việc chuyên chở trẻ em trên xe ôtô. Nhiều bằng chứng cho thấy ở mức độ tối thiểu, trẻ dưới 10 tuổi hoặc cao dưới 1,35m cần có hệ thống an toàn trên xe ôtô để bảo vệ trẻ khi có tai nạn xảy ra", tiến sĩ Kidong Park nói.
Dự thảo luật mới cũng chỉ quy định trẻ em dưới 12 tuổi hoặc chiều cao 1,35m được chở trên xe ôtô chở người không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ. Trẻ em 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em...
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Việt Cường đề xuất, cần sớm có quy định pháp luật bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với các đối tượng trẻ em nhỏ hơn, bằng 12 tuổi hoặc nhỏ hơn 1,5m; quy định độ tuổi trẻ em (nhỏ hơn 12 tuổi) không được ngồi ghế trước; quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật thiết bị an toàn trên xe ôtô; quy định về chất lượng ghế an toàn...
Tại hội thảo, các đại biểu nghe tham luận về hệ thống an toàn cho trẻ em trên xe ôtô của Philippines, Malaysia..., thảo luận về định hướng cho triển khai xây dựng chính sách và thực thi chính sách về thiết bị an toàn cho Việt Nam.
Bà Evelyn Murphy (Tổ chức Y tế thế giới) cho hay, thiết bị an toàn trên xe ôtô cho trẻ em có thể giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc nằm quay mặt lên trên. Thiết bị này được thiết kế để giảm nguy cơ thương tích cho trẻ em trong trường hợp va chạm, hoặc xe giảm tốc độ đột ngột bằng cách cố định trẻ vào thiết bị an toàn.
"Ghế sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ em. Nguy cơ thương tích của trẻ giảm khi ngồi ghế sau, dù có sử dụng thiết bị an toàn hay không.
Khi ngồi ghế sau, trẻ không ngồi trong thiết bị an toàn giảm 26% nguy cơ thương tích so với trẻ ngồi ghế trước. Sử dụng thiết bị an toàn phù hợp và được lắp đặt đúng cách có thể giảm ít nhất 60% trường hợp tử vong ở trẻ em", bà Evelyn Murphy thông tin.
Trong 26 chiếc SUV được thử nghiệm thắt dây an toàn của Viện Bảo hiểm an toàn giao thông đường bộ Mỹ (IIHS), chỉ có Subaru Ascent 2022 và Forester 2021-2022 đạt xếp hạng “Tốt”.