Kỳ 3: ĐẤT "NỞ HOA"!
Mùa hè dài nhất (hơn một năm kể từ khi tôi đến vùng KTM) rồi cũng chấm dứt. Chúng tôi có trường mới, cách làng hơn một cây số. Trường nằm giữa một khu rừng bị tàn phá nham nhở, bên cạnh là khu nhà mồ của đồng bào thiểu số với những bức tượng gỗ sinh động đến sởn gai ốc. Một dãy nhà cấp bốn gồm năm phòng học quét vôi trắng dành cho cấp hai. Dãy thứ hai cất bằng cây rừng, tranh tre là khối cấp một. Giữa hai dãy nhà có con suối róc rách, nước trong thấy cả mấy con cá bé tẹo. Khu tập thể giáo viên cách lớp học hơn trăm bước chân - một dãy nhà gỗ xẻ lợp tôn.
Tôi bước vào lớp sáu với những đứa bạn lớn tồng ngồng, có đứa khai ít lại bốn, năm tuổi do bỏ học đã lâu. Ở lớp tám, lớp chín có anh chị trông còn già hơn thầy, cô. Đám bạn lớn này là con em các gia đình chế độ cũ đưa vào đây theo diện “di dân lập ấp” từ những năm trước ngày 30-4-1975, vào sớm không có trường nên phải chờ “lịch sử sang trang”. Còn dân KTM chúng tôi là “sản phẩm” của chế độ mới. Hai lứa tuổi bầm dập chuyện học hành vì chiến tranh, thời cuộc cùng ngơ ngác giữa sân trường ngập nước ngày khai giảng.
Vào năm học mới, từ lớp bốn đến lớp chín học buổi sáng, buổi chiều phải lao động. Những bạn nhà xa phải mang theo cơm độn khoai, bắp để ăn trưa và cuốc, xẻng để chiều lao động. Bước vào mỗi lớp học đều có câu khẩu hiệu “lao động là vinh quang” và cuốc, xẻng chất bên cạnh bảng đen. Suốt mấy năm dưới mái trường xã hội chủ nghĩa ở vùng KTM này, học trò từ nam đến nữ, lớn đến nhỏ tay chân đều chai sần vì lao động và đi chân đất. Đều cùng một màu “đồng phục” của loại vải mà năm đó hợp tác xã mang về phân phối.
*
* *
Đêm gói, cột đồ đạc chuẩn bị về vùng KTM, ba tôi cuộn chặt, gói kĩ dây điện, bóng đèn tròn, đèn tuýp 1,2m, các công tắc, ổ cắm gỡ từ căn nhà tạm cư ở khu gia binh Nguyễn Công Trứ - Đà Lạt. Ba vừa làm vừa dặn dò các con bằng niềm hy vọng và tha thiết nhất, làm tôi nhớ mãi: “Mình sẽ được cách mạng chia đất, được giúp đỡ để cất nhà. Mình sẽ mang hết đồ điện này theo để làm sáng căn nhà mà ba tin là sẽ rất rộng rãi, khang trang đó!”. Cả đời ba mẹ tôi làm mướn, ở nhà thuê, ước mơ có một căn nhà tự chủ của riêng mình là ước mơ lớn nhất, sâu thẳm tận xương tủy. Ba tin điều đó nên đã xung phong đi KTM ngay đợt đầu tháng 7-1976.
Ngày 28-9-1976, khi loa phóng thanh ở vùng KTM tường thuật lễ thành lập xã Tân Hội (thuộc huyện Đức Trọng - tỉnh Lâm Đồng) với lời hứa của các vị lãnh đạo xã, huyện: Sẽ có đường nhựa sau 3 năm và có điện sau 5 năm. Ba vừa nghe loa đọc bản tin, vừa ôm mớ dây điện, bóng đèn mà ba giữ như báu vật đó ra giữa căn nhà tranh vách đất ám khói của những đống lửa đốt hằng đêm lấy ánh sáng, hơi ấm và đuổi muỗi... để lau bụi, kiểm tra.
Mỗi năm có vài lần ba mang “kho báu” ấy ra vuốt ve, mơ ước. Cho đến một ngày, ông thở dài, lặng lẽ tuốt vỏ mục dây điện để lấy lõi đồng bên trong làm dây phơi quần áo; xếp các bóng đèn lớn nhỏ, tròn, dài và các công tắc, chuôi đèn đã hư mục vào một bao tải lớn để mang đi thiêu hủy. Nhìn đôi mắt già nua thất vọng của ba, tôi ứa nước mắt! Lúc đó tôi đã tốt nghiệp đại học và về TPHCM làm báo được vài năm. Tôi cố dành dụm mua tivi trắng đen 14 inches với bình điện (ắc quy) 25 ký để buổi tối cả nhà có chút ánh sáng và được coi tivi. Đó là thứ an ủi cho sự thất vọng về kỳ hạn “điện khí hóa nông thôn” của ba và vô vàn các gia đình còn sống mờ mịt, khổ sở dưới ánh đèn dầu le lói. Văn minh đã khe khẽ đến gõ cửa từng gia đình ở vùng KTM qua những chiếc tivi nhỏ xíu, mờ tịt, sóng nhiễu rè rè chạy bằng ắc quy đó.
Mãi đến năm 1996 - tức 20 năm sau ngày hình thành, vùng KTM R’Chai khi xưa, nay là thôn Tân Đà, mới có con đường nhựa khiêm tốn, rộng 6m, chạy dài 6km từ ngã ba nối Quốc lộ 20 vào tận UBND xã Tân Hội. Năm 1997 thì vùng này được xài điện lưới quốc gia. Cả xã với hơn hai vạn con người (năm 2000 tách thành ra xã Tân Hội - Tân Thành) đã nhảy cẫng, reo hò, mừng vui trong đêm đầu tiên được đón ánh sáng văn minh. Bấy giờ, cái bình ắc quy nặng nề đã xong “sứ mệnh lịch sử”, được anh em tôi khiêng ra để dưới mái hiên sau nhà.
Hơn 20 năm nữa trôi qua, xã Tân Hội đã là xã nông thôn mới khang trang, trù phú. Con đường đưa những thị dân trắng trẻo từ thành thị về vùng KTM, con đường gánh củi trần ai dưới trăng mờ, con đường ngày ngày đến trường nước ngập qua gối khi mưa lũ và con đường hẹn hò của tuổi mới lớn chúng tôi ngày nào, con đường nhựa rộng 6m chở đầy ước mơ của thế hệ đầu tiên đến khai khẩn vùng KTM giờ đã là Tỉnh lộ 742 rộng 16m với vỉa hè lát gạch hai bên, có hệ thống đèn đường chạy dây điện dưới đất khá hiện đại. Các nương rẫy dọc đường giờ thành cửa hàng, công ty, trạm xăng, nhà xưởng, nhà hàng tiệc cưới, khách sạn, nhà thờ tin lành, chùa, trường học (đạt chuẩn quốc gia)...
Khu vực trung tâm xã là thị tứ sầm uất có chợ và các siêu thị Bách Hóa Xanh, Điện Máy Xanh. Một số khu du lịch đang hình thành hoặc đã đi vào hoạt động. Mỗi ngày dọc con đường thênh thang mới tinh là các đoàn xe chở hàng hóa, kể cả các xe khách giường nằm hiện đại, từ Nha Trang, Sài Gòn và các tỉnh miền Tây chạy xuyên từ Quốc lộ 20 qua Lâm Hà để sang Đắk Nông - Đắk Lắk – Bình Phước - Gia Lai - Kon Tum rồi nối vào đường Hồ Chí Minh xuyên Việt.
Chính hạ tầng tốt đã kết nối giao thương giữa các vùng miền nên Tân Hội phát triển rất nhanh. 20 năm trước, xã Tân Hội đã được chia tách thêm xã mới là Tân Thành (gồm các thôn Tân Liên, Tân Nghĩa được chế độ cũ “di dân lập ấp” từ năm 1974). Nay theo xu hướng đô thị hóa, huyện Đức Trọng đang chuẩn bị lên đô thị khi đã có sân bay quốc tế Liên Khương, đường cao tốc từ sân bay này lên Đà Lạt; Khu công nghiệp Phú Hội đã lấp đầy 100% và Khu công nghiệp Phú Bình đang chuẩn bị được xây dựng ở Thác Ponguar - cách Đà Lạt 50km về hướng Nam... Vì thế, đề án sáp nhập hai xã Tân Hội - Tân Thành thành phường Tân Hội thuộc thị xã hoặc quận Đức Trọng đang được người dân bàn tán, trông đợi như đang trông đợi hệ thống nước máy sạch về thay nước giếng đào, giếng khoan họ đã sử dụng suốt 46 năm qua.
Là xã nông thôn mới đầu tiên của Việt Nam và từng được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm, Tân Hội hôm nay đang phấn đấu đạt mục tiêu “xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”... Cuộc sống ở vùng KTM nghèo đói, lạc hậu ngày nào giờ thay đổi đến kinh ngạc. Mỗi sáng bà con không còn ăn khoai, bắp lót dạ như 40 - 45 năm trước. Bây giờ từ mặt đường liên tỉnh lộ đến các con đường bê-tông xương cá len lỏi khắp xóm làng trù phú, xanh tươi đều nhan nhản các tiệm cà phê, quán phở, bún, cháo vịt, bánh xèo... Nông dân kể cả đồng bào K’Ho, Mạ, Chil... cứ đến các quán đó ăn sáng, uống cà phê như dân thành thị.
Đối với vùng KTM Tân Hội, các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã tác động sâu sắc đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của dân, HTX nông nghiệp, HTX mua bán lần lượt chấm dứt “vai trò lịch sử”. Đất đai lại được trả về cho nông dân quản lý, sử dụng, chấm dứt vĩnh viễn tình trạng “cha chung không ai khóc”. Bộ mặt nông thôn ở Tân Hội phát triển theo từng năm, theo từng bước tiến chung của cả tỉnh, cả nước.
Ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng... sốt đất, thì ở nơi từng là “khỉ ho cò gáy” này cũng sốt tương tự. Giờ cứ lên Google, YouTube gõ: “Bán đất Tân Hội - Đức Trọng” là vô vàn thông tin quảng cáo. Đất ven trục lộ 16m vừa hình thành có giá từ 300 - 600 triệu đồng/m ngang. Đất ngay chợ trung tâm xã hơn 1 tỷ/m ngang x dài 20 - 30m, vị chi mỗi mét vuông cũng từ 30 - 50 triệu đồng. Nhưng đó chưa phải là “đỉnh”, bởi ở thị trấn Lâm Hà - cách chợ Tân Hội chỉ hơn 10 cây số, 46 năm trước cũng là vùng KTM “rừng thiêng nước độc”, nhưng nay một căn nhà phố kinh doanh cũng có giá đến mười mấy tỷ, tương đương hơn nửa triệu USD.
Và còn rất nhiều vùng KTM ở Tây bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, kể cả khu KTM Lê Minh Xuân - Bình Chánh - TPHCM nay trở thành những thị trấn, thị xã sầm uất với giá trị đất đai, nhà cửa tăng cả trăm, cả ngàn lần so với 46 năm trước.
Trong những năm qua đã có hàng vạn kiều bào ta ở nước ngoài về thăm, làm ăn hoặc định cư luôn tại quê nhà. Trong số đó có rất nhiều người từng chống đối quyết liệt chính thể ở Việt Nam. Khi họ trở về và tận mắt chứng kiến những tiến bộ lớn lao của đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, họ đã thay đổi nhận thức và hăng hái thể hiện đại đoàn kết dân tộc; phản lại các tuyên truyền xuyên tạc.
Nhiều người trong số đó từng trải qua tháng năm đói nghèo, khổ sở ở các vùng KTM. Họ đã trở về, ngạc nhiên trước sự thay đổi của “chốn lưu đày” ngày nào, làm các cư dân KTM như chúng tôi càng thêm yêu mến, tự hào với vùng đất đã gắn bó suốt gần nửa thế kỷ này. “Hoa đã nở” trên các luống cày sau biết bao nước mắt, mồ hôi, xương máu của những người khai phá, xây dựng các khu KTM...
Xem thêm: lmth.633031_aoh-on-yad-uul-nohc/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc