Báo cáo mới đây của Navigos Search cho biết, trong quý 1-2022, ứng viên người nước ngoài được các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam trả mức lương rất cao. Mức lương mà các ứng viên nhận được dao động từ khoảng 8.500 USD/tháng – 34.000 USD/tháng, tương đương từ gần 200 triệu đồng/tháng – gần 800 triệu đồng/tháng.
Theo đơn vị này, hiện đang thiếu những ứng viên người Việt cho các công việc đòi hỏi chuyên môn sâu. Ngay sau ngày 15/3/2022, khi Việt Nam mở cửa lại các đường bay quốc tế và miễn thị thực cho nhiều quốc gia, đã có rất nhiều chuyến bay từ các công ty nước ngoài sang Việt Nam để thực hiện khảo sát, tìm hiểu cho việc đầu tư tại Việt Nam. Theo chia sẻ từ các nhà đầu tư, Việt Nam vẫn là điểm đến đáng quan tâm trong khu vực ASEAN và châu Á nơi họ có thể đa dạng hóa khu vực sản xuất, giảm thiểu rủi ro, tăng cường chuỗi cung ứng. Ngoài ra, Việt Nam còn là thị trường lao động tiềm năng nơi họ đánh giá lực lượng lao động có kỹ năng tốt, học hỏi nhanh với giá nhân công hợp lý.
Trong khi đó, riêng với ngành may mặc, các ứng viên từ các quốc gia châu Á khác như Sri Lanka, Ấn Độ, Pakistan… khá quan tâm tới các cơ hội làm việc tại Việt Nam, nơi họ có thể nhận được cơ hội lương thưởng cạnh tranh và giúp họ có thêm kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài.
Cũng trong ngành may mặc, những vị trí chuyên sâu kỹ thuật như phát triển mẫu, kỹ thuật may, cải tiến, kiểm tra chất lượng… vẫn là những vị trí khó tìm ứng viên nhất. Các công ty rất nỗ lực trong việc giữ chân người lao động đặc biệt ở những vị trí này bằng chính sách lương thưởng cạnh tranh và tạo thuận lợi cho họ khi làm việc. Trường hợp không tìm được ứng viên người Việt, một số công ty mở rộng tìm kiếm ứng viên người nước ngoài cho những vị trí này. Các ứng viên người nước ngoài có kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam, am hiểu văn hóa và con người Việt Nam cũng là một điểm thuận lợi giúp họ được tuyển dụng trong lĩnh vực này.
Với ngành may mặc, đang có một số dự án đầu tư mới bắt nguồn từ sự dịch chuyển dây chuyền hoặc chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Quan sát của Navigos Search cho thấy, nhân sự cấp cao hoặc chuyên gia trong ngành pin ô tô điện đang đặc biệt thiếu do đây là một ngành đang được các doanh nghiệp đầu tư và mở rộng nhà máy mới trên toàn cầu.
Ngành du lịch, khách sạn cũng bắt đầu quay lại tuyển dụng các vị trí quản lý cấp cao Tổng Giám đốc, Tổng Quản lý, các Trưởng Bộ phận trong khách sạn và khu nghỉ dưỡng là các ứng viên người nước ngoài. Các dự án khách sạn nghỉ dưỡng hồi phục nên nhu cầu về nhân sự cấp cao ở các mảng xây dựng và vận hành cũng sẽ phát triển mạnh. Dự báo nhu cầu tuyển dụng người nước ngoài cho các vị trí quản lý sẽ phát sinh nhiều hơn trong mảng này.
Ngân hàng, với định hướng chuyển đổi số, tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao các vị trí liên quan đến công nghệ, dữ liệu và tư vấn cho các sản phẩm cao cấp của ngân hàng.
Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng cao dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt về nguồn ứng viên trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. Theo quan sát của Navigos Search, các doanh nghiệp trong mảng này rất tích cực về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đang đợi duyệt giấy phép đầu tư vào Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh và họ đánh giá việc kinh doanh của họ thậm chí cón thể còn tốt hơn so với thời điểm chưa có dịch Covid. Đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa đã bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Những công ty này đặt trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhà máy đặt tại các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Vũng Tàu…
Do đặc trưng yêu cầu của ngành nên các ứng viên trong mảng hàng tiêu dùng nhanh rất năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh nên không chỉ các doanh nghiệp trong ngành, mà còn có cả các doanh nghiệp ngoài ngành này "săn đón" và chào mời ứng viên về làm việc.
Hiện tại, các doanh nghiệp trong mảng này đang có nhu cầu cao trong việc tuyển dụng ứng viên có kinh nghiệm trong mảng Thương mại điện tử, kỹ thuật số nhưng nguồn nhân lực đáp ứng được không nhiều do sự phát triển của mảng thương mại điện tử chưa lâu và ứng viên cũng chưa đủ thâm niên làm việc trong ngành nên nguồn cung ứng viên không dồi dào. Bên cạnh đó, tình trạng "chảy máu chất xám" vẫn liên tục xảy ra do các ứng viên ngành này thay đổi công việc thường xuyên dẫn đến sự canh tranh về nhân tài trong ngành này cũng trở nên gay gắt hơn.
http://tintuc.vdong.vn/04/1329016.htmHoàng Thùy
Theo Nhịp Sống Kinh Tế