Tọa đàm Đảm bảo nguồn cung nước sạch - Hạn chế khai thác nước ngầm tổ chức tại Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) sáng 27-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Từ tình trạng đáng báo động của việc khai thác nước ngầm quá mức, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, y tế... cùng bàn giải pháp bảo vệ nguồn nước, cũng như chuyển đổi thói quen sử dụng nước ngầm chưa qua xử lý của người dân.
Khai thác nước ngầm “lợi bất cập hại”
Nguồn nước ngầm hiện nay tại TP.HCM có vai trò rất lớn, đóng góp nhiều cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên hiện nay việc khai thác quá mức đã dẫn đến một số hệ quả không chỉ về mặt đời sống, kinh tế, mà còn cả sức khỏe dân cư.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS Hà Quang Khải - khoa tài nguyên và môi trường, ĐH Bách khoa TP.HCM - cho biết giai đoạn năm 2000 nước ngầm khai thác chỉ từ 200.000m3/ngày, nhưng đến khoảng năm 2012 lượng nước khai thác lên 700.000m3/ngày.
“Việc khai thác quá nhiều, tập trung một số khu vực dẫn đến việc hạ thấp mực nước, gây ra tình trạng sụt lún mặt đất, có thể thấy ở các địa phương như huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè. Tốc độ sụt lún cứ tiếp diễn dẫn đến việc ngập nước.
Ngoài ra, theo ông Khải, hiện nay TP có khoảng 300.000 giếng khoan, khi khai thác quá nhiều lỗ khoan nhưng kỹ thuật khoan kém dẫn đến ô nhiễm trên bề mặt dễ dàng thấm xuống tầng dưới. Khi nguồn nước hạ thấp làm chênh lệch áp lực gây ô nhiễm trên bề mặt.
Không chỉ tác động đến môi trường, cảnh quan, việc sử dụng nước từ khai thác giếng ngầm còn được cảnh báo về các nguy cơ gây ra bệnh cấp tính, mãn tính.
TS Hà Quang Khải - khoa tài nguyên và môi trường, ĐH Bách khoa TP.HCM - đưa ra quan điểm về nguy cơ từ việc khai thác nước ngầm quá mức - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo ông Đào Phú Khánh - phó trưởng khoa sức khỏe y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay việc sử dụng nước ngầm chưa qua kiểm định chất lượng, nhiễm tạp chất, gây ra các loại bệnh.
“Nếu là bệnh cấp tính như tiêu chảy, thương hàn..., còn mãn tính về lâu dài chúng ta rất khó phát hiện, nhưng nguy cơ gây hại đến các cơ quan như gan, thận, thậm chí gây ung thư do sử dụng chất độc hại trong nước thời gian dài”, ông Khánh chia sẻ.
Nguyên nhân vẫn còn nhiều hộ dân sử dụng nước ngầm, ông Khánh cho rằng thói quen "trước giờ xài không có vấn đề gì", nên nhiều hộ dân sử dụng không biết đến hậu quả.
Ông Khánh cũng thông tin qua kiểm tra ngẫu nhiên chất lượng nước khoan giếng có đến 70% không đạt tiêu chuẩn (298/398 mẫu). Qua đó, ông Khánh khuyến cáo, cần ưu tiên tập trung sử dụng nước máy do mạng lưới cấp nước của TP cung ứng để đảm bảo sức khỏe.
Ông Đào Phú Khánh, phó trưởng khoa sức khỏe y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết tác hại sức khỏe qua việc sử dụng nguồn nước ngầm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đừng để đồng hồ nước “vô nghĩa”
Ông Trần Quang Minh - tổng giám đốc Sawaco - cho biết các hộ dân thường lo ngại về vấn đề chi phí khi sử dụng nước máy. Thống kê các tháng đầu năm có khoảng 160.000 đồng hồ nước không sử dụng, chiếm tỉ lệ 12%. Với chi phí đầu tư 3-5 triệu đồng/đồng hồ, xét góc độ nào đó, đây là sự lãng phí lớn.
Để khuyến khích người dân chuyển sử dụng nước ngầm chưa qua xử lý sang nước sạch, ngoài tuyên truyền vận động, Sawaco tính tới việc giảm tiền nước sạch cho người dân ở một số khu vực.
“Chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan truyền thông cùng đồng hành để có thể lan tỏa thông điệp chuyển đổi sử dụng nước giếng sang nước máy, bảo đảm an toàn sức khỏe và môi trường sống”, ông Minh nói.
Giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) Trần Quang Minh chia sẻ tại tọa đàm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bên cạnh đó, TS Hà Quang Khải cho biết thêm so với các địa phương, TP nghiên cứu phương pháp, sử dụng vỉa hè trồng cây cối tăng lượng thấm, bổ cập cho nguồn nước ngầm.
Các chuyên gia đánh giá, nước ngầm là công cụ tốt thích ứng với biến đổi khí hậu, thay vì khai thác không đúng kỹ thuật gây ảnh hưởng môi trường, chúng ta có thể suy nghĩ khai thác nước ngầm hiệu quả, như nguồn dự phòng các sự cố xảy ra từ môi trường.
Khách mời của tọa đàm tham quan toàn bộ quy trình xử lý nước tại Tổng công ty Sawaco (TP Thủ Đức) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phải hành động ngay
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Xuân Toàn, ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ, nhận định những câu chuyện liên quan tới tài nguyên nước luôn là chủ đề nóng.
Dễ nhận thấy một điều nước là tài nguyên hữu hạn. "Nhiều người nghĩ rằng nước vô hạn nhưng không phải, quan điểm đó khiến việc khai thác sử dụng nước vượt mức cho phép.
Nước chúng ta đang sử dụng hằng ngày lấy từ 2 nguồn nước mặt và nước ngầm. Đối với nước ngầm, từ lâu người dân khai thác nước ngầm để sử dụng, và chính trong quá trình này đã xảy ra nhiều bất cập và hệ lụy với tự nhiên.
Thực tế nhiều quận huyện ở ngoại thành có hàng trăm ngàn giếng ngầm tại nhà dân, nhiều khu công nghiệp cũng khai thác quá phá vỡ quy hoạch. Và từ đó gây áp lực, cạn kiệt nguồn nước ngầm hiện hữu.
Còn nguồn mặt từ các con sông thì bắt đầu ô nhiễm. Hành động làm sao để tương lai ổn định nguồn nước phục vụ cho người dân TP thì phải bàn, phải hành động ngay", ông Toàn bày tỏ.
TTO - Nguồn nước sạch tại TP.HCM hiện nay có đến 95% lấy từ hệ thống sông, 5% còn lại từ hệ thống nước ngầm. Để nguồn nước đến người dân an toàn, bền vững, ngành cấp nước phải cân đối bài toán bảo vệ nguồn nước.
Xem thêm: mth.92750306172402202-mch-pt-iat-coun-nougn-aod-ed-oc-yugn-cum-auq-magn-coun-caht-iahk/nv.ertiout