Sáng 27-4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 (PCI 2021). Đây là năm thứ 17 VCCI tổ chức công bố chỉ số này.
Lắng nghe, tạo điều kiện thuận lợi cho DN
Trình bày báo cáo PCI 2021, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết Quảng Ninh năm 2021 luôn duy trì tinh thần chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành. 40%-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính đã được cắt giảm. Tỉnh này đang “hiện thực hóa cam kết đồng hành, lắng nghe và giải quyết hiệu quả các khó khăn của doanh nghiệp (DN)”.
VCCI công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021. Ảnh: C.LUẬN |
Bảng xếp hạng PCI 2021 |
Trong ứng phó với dịch COVID-19, Quảng Ninh còn hỗ trợ các DN phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn. Bên cạnh các hỗ trợ về thuế, phí, BHXH và tiếp cận tín dụng, Quảng Ninh đã thành lập từ sớm Tiểu ban sản xuất và lưu thông hàng hóa của tỉnh để bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19, cũng như bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, không gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động cung ứng.
“Tỉnh cũng triển khai ủy quyền cho UBND cấp huyện quyền hạn quyết định hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn bởi dịch COVID-19 nhằm giải quyết kịp thời nhất các vấn đề phát sinh ở cấp cơ sở. Trong điều tra PCI 2021, 87,9% DN trong tỉnh đã đánh giá “tốt” hoặc “rất tốt” về ứng phó của chính quyền tỉnh trước đại dịch COVID-19. Đây là một trong những địa phương có tỉ lệ DN hài lòng về quản trị dịch bệnh cao nhất cả nước” - ông Tuấn nói.
Năm 2021, lần đầu tiên Hải Phòng đánh giá và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện (DDCI). Đây là bước đi mạnh mẽ và nỗ lực cải cách tại một TP trực thuộc trung ương.
Hải Phòng trong bảng xếp hạng PCI 2021 đã vượt năm bậc, đoạt vị trí “á quân” nhờ những nỗ lực tháo gỡ vướng mắc cho DN qua đối thoại trực tiếp hằng tháng giữa DN với lãnh đạo UBND TP và các sở, ngành chức năng. Hải Phòng cũng đã thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch làm đầu mối theo mô hình “một cửa” cho các hoạt động đầu tư, góp phần thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Cũng trong năm 2021, Hải Phòng lần đầu tiên tiến hành đánh giá và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện (DDCI). Việc đánh giá DDCI là một bước đi mạnh mẽ và nỗ lực cải cách tại một TP lớn, trực thuộc trung ương như Hải Phòng.
“Nhìn bảng xếp hạng, có thể Hải Phòng đang trở thành một cực tăng trưởng quan trọng của khu vực Đông Bắc. Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh đang có thay đổi rất tích cực. Ở khu vực ĐBSCL, Đồng Tháp tiếp tục nằm trong top 5, mặc dù điều kiện tự nhiên, điều kiện địa lý không thuận lợi. Chính môi trường kinh doanh và sự thân thiện của chính quyền dành cho DN đã giúp tỉnh này có thời gian nằm trong top 5 lâu nhất” - ông Tuấn nói.
Năm năm liên tiếp giữ vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng PCI là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực, liên tục, bền bỉ có kế thừa đổi mới và phát triển để xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo (...). Đó còn là kết quả của ý chí trong bộ máy quản lý có vai trò dẫn dắt định hướng, đã định hình rõ văn hóa đồng hành cùng nhà đầu tư, DN, tạo nên những không gian mở, thân thiện, tăng sự tương tác giữa chính quyền, người dân và DN.
Ông NGUYỄN XUÂN KÝ,
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh
Vẫn còn nhiều tồn tại, nhất là thủ tục đất đai
PCI 2021 ghi nhận những đánh giá tích cực của DN về sự năng động, tinh thần tiên phong, thái độ làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn trong phát triển kinh tế địa phương.
Tuy vậy, ở góc độ khác, vẫn còn nhiều tồn tại mà DN phản ánh trong nhiều năm qua.
“Chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm trong nhiều lĩnh vực. Cùng với việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, hoạt động phòng chống tham nhũng đem lại những chuyển biến tích cực” - ông Tuấn cho biết.
Năm 2021, DN phải trả chi phí không chính thức giảm còn 41,4%, so với 44,9% năm 2020. Đây là mức thấp nhất trong 16 năm qua (năm 2006 là 70%).
Trong đó có tới 67,2% cho biết chi phí không chính thức còn cao trong hoạt động thanh tra xây dựng; 61,36% trong cấp phép kinh doanh có điều kiện. Các thủ tục hoặc nghiệp vụ hay phải trả chi phí không chính thức khác là quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, thanh tra PCCC, đất đai…
“Hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính có cải thiện, song vẫn cần thêm nhiều nỗ lực cải cách. Thủ tục trong các lĩnh vực thuế, phí, đất đai, BHXH và xây dựng tiếp tục là những lĩnh vực gây nhiều khó khăn nhất” - ông Tuấn nói.
Một điểm đáng chú ý khác tại PCI 2021 là thuế phí, tiếp cận đất đai, thủ tục xây dựng. Đây là nhóm đang bị đánh giá “phiền hà nhất”, gây khó khăn lớn nhất cho DN. Nếu cải cách những thủ tục này sẽ là “chìa khóa lớn” để thay đổi môi trường kinh doanh.
Về quy hoạch đất đai, khoảng 30,5% DN phản ánh “việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng”; 21,5% DN cho biết địa phương có tình trạng “thiếu quỹ đất sạch”, công tác giải phóng mặt bằng chậm, việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và việc xử lý hồ sơ về đất đai lâu hơn quy định.
“Những phiền hà liên quan đến thủ tục đất đai là nguyên nhân khiến 53,8% DN phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh” - ông Tuấn cho hay.•
Bình Thuận vượt lên khó khăn, vươn lên vị trí 21
Trong bảng xếp hạng PCI 2021, Bình Thuận đứng thứ 21/63 tỉnh, thành; tăng 13 bậc; đạt 65,96 điểm, tăng 2,67 điểm so với năm 2020, thuộc nhóm khá của cả nước.
Vào năm 2020, PCI Bình Thuận đứng thứ 34/63.
Để vươn lên 13 bậc, Bình Thuận có 6/10 chỉ số tăng điểm là tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí không chính thức; tính năng động của chính quyền tỉnh; dịch vụ hỗ trợ DN, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Trong năm 2021, hoạt động đối thoại với DN của chủ tịch UBND tỉnh được tổ chức đều đặn, linh hoạt từ các tháng trong năm, bất chấp có lúc dịch bùng phát mạnh. Qua đó đã tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ kịp thời cho DN. (Trong năm 2021, chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức 10 lần đối thoại với cộng đồng DN nhằm tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ DN trong triển khai dự án và trong quá trình hoạt động).