Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 4/2022 có đến 15.000 doanh nghiệp thành lập mới. Tổng cục Thống kê cho biết đây là số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng cao nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó trong tháng 4, cả nước cũng ghi nhận 7.034 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Trong chiều ngược lại, có 10.380 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 4, cụ thể: 5.391 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 3.762 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 1.227 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Như vậy trong tháng 4, tổng số doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiêp quay trở lại hoạt động gấp đôi so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong tháng 4/2022, tổng số doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiêp quay trở lại hoạt động gấp đôi so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (Ảnh minh họa)
Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 49.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Bên cạnh đó, còn có 30.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2022 lên 80.500 doanh nghiệp, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 20.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong khi đó, 4 tháng đầu năm ghi nhận 61.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cụ thể: 41.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 15.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; gần 5.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể
Những con số nêu trên cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp sau thời gian chịu tác động tiêu tục của COVID-19.
Bên cạnh đó, tín hiệu tích cực của nền kinh tế còn thể hiện ở tốc độ tăng trưởng tại sức mua của người dân. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2022 ước đạt 455.500 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế là sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng cao. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2022 ước tính tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,5%).
Tính chung 4 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD (Ảnh minh họa)
Cùng với đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng tăng trưởng ấn tượng đạt 242,19 tỷ USD sau 4 tháng đầu năm, tăng 16,1%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 122,36 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 119,83 tỷ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD.
CPI và lạm phát trong tầm kiểm soát
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng nhẹ 0,18% so với tháng trước; tăng 2,09% so với tháng 12/2021 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng theo giá nguyên liệu đầu vào sản xuất; dịch vụ giáo dục tăng trở lại tại một số địa phương sau thời gian miễn giảm học phí; giá ăn uống ngoài gia đình và dịch vụ du lịch tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 4 tăng.
Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,89% của 4 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 4 tháng đầu năm 2017-2020; lạm phát cơ bản tăng 0,97%.
Một số thống kê kinh tế tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022
Lạm phát cơ bản tháng 4/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 0,97% so với cùng kỳ năm 2021 (mục tiêu lạm phát tăng 4% trong năm 2022)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.8945701192402202-yan-iot-court-ut-tahn-oac-iom-pal-hnaht-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.vtv