Khi được đưa từ quê nhà Mariupol đến một bệnh viện tại khu vực do Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine hồi đầu tháng 3, cô bé Kira Obedinsky 12 tuổi và mồ côi vì chiến tranh không chắc liệu mình có bao giờ được đoàn tụ với các thành viên còn lại trong gia đình mình không.
Giờ, ở Kiev, cô bé ngồi trên giường bệnh với ông nội Oleksander Obedinsky - và lần đầu tiên nói chuyện với đài CNN vào hôm 27-4 về những gì mình đã phải trải qua.
12 tuổi, mồ côi và bị thương
Giờ đây, đã an toàn ở Kiev, Kira kể lại cuộc sống giữa những trận pháo kích và "tiếng nổ lớn", cha con cô trốn cùng bạn gái của cha mình là Anya và các con cô giữa những bức tường đổ nát của ngôi nhà của họ ở Mariupol. Xe tăng lăn trên đường, Kira nói, và cô bé nhớ mình đã nhìn thấy những người đàn ông mặc quân phục tiến vào sân nhà.
Cô bé Kira Obedinsky ở Mariupol, trước khi chiến tranh xảy ra. Ảnh: CNN
Kira nói rằng sau khi ngôi nhà của cô bé bị đạn pháo nã trúng vào ngày 16-3, gia đình đã bị mắc kẹt trong hầm. Hàng xóm giúp kéo họ ra khỏi đống đổ nát.
Cha của Kira, ông Yevhen Obedinsky, cựu đội trưởng đội bóng nước quốc gia Ukraine, đã chết vào ngày 17-3. Trong khoảnh khắc đó, Kira trở thành trẻ mồ côi. Mẹ Kira đã mất khi cô bé mới hai tuần tuổi.
Trong ba ngày, Kira, cùng với bạn gái của cha cô bé và các con cô ấy, tìm nơi trú ẩn trong một căn hầm khác trước khi cố gắng trốn thoát khỏi thành phố.
Theo lời Kira thì một người trong nhóm cô bé đã đá trúng vào một quả mìn khi đang chạy. Kira kể lại rằng sau đó tai cô bị chảy máu và con chó của người bạn đi cùng nhóm hứng phần lớn chấn động của vụ nổ. Cả nhóm sống sót nhưng bị thương do mảnh đạn.
Kira cho biết lúc đó lực lượng Nga sau khi xác định được nơi xảy ra vụ nổ đã đến hiện trường và đưa cả nhóm đến một bệnh viện ở thị trấn Manhush để điều trị sơ cứu, sau đó đưa lên xe cấp cứu đến một bệnh viện khác ở Donetsk.
"Quân [Nga] chạy đến, họ chặn hai chiếc ô tô và đưa chúng tôi đến Manhush, đến bệnh viện vì chúng tôi đang chảy nhiều máu. Sau đó, họ đưa chúng tôi từ Manhush đến một bệnh viện khác ở Donetsk" – CNN dẫn lời Kira.
Tại bệnh viện ở Donetsk, nhóm cô bé buộc phải tách ra, để lại Kira một mình, bị thương và sợ hãi trong khi những người khác bị đưa đi nơi khác. Hiện khuôn mặt cô bé vẫn còn dấu sẹo.
Cô bé vẫn chưa lành hẳn rất nhiều vết thương mà các y tá cho biết do mảnh vỏ đạn bắn vào mặt, cổ và chân.
Kira và khuôn mặt vẫn còn dấu sẹo do bị thương từ một vụ nổ mìn trong khi cố gắng chạy bộ khỏi Mariupol bị bao vây. Ảnh: CNN
Trong bệnh viện Okhmatdyt của Kiev, Kira trân trọng vật sở hữu duy nhất của cha mà cô bé giữ được sau khi ông qua đời: chiếc điện thoại di động của ông. Đó là mối liên hệ duy nhất của cô bé với người thân khi còn ở Donetsk.
Cô bé đã liên lạc với ông Oleksander - người thân ruột thịt duy nhất còn lại của mình - bằng cách đăng nhập vào Instagram và gửi tin nhắn cho bạn gái của ông nội cô để giải thích nơi cô bé ở. Các bài đăng trên Instagram từ tháng 2 cho thấy Kira tạo dáng chụp ảnh tự sướng một cách hồn nhiên, hạnh phúc, chưa biết cuộc sống sẽ biến đổi như thế nào.
Việc còn giữ được chiếc điện thoại của cha và liên lạc được với người thân rất quan trọng với Kira trong thời gian cô bé ở bệnh viện Donetsk và bao quanh là những khuôn mặt xa lạ.
"Con rất vui vì có thể gọi cho họ. Con không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua. Con đã đợi ông đến đón rất lâu. Ngay cả khi ở bệnh viện thứ hai, con đã đợi ... Con nhớ ông” – cô bé nói với CNN.
Hành trình đoàn tụ gian nan
Trao đổi với CNN vào đầu tháng này từ Kiev, ông nội Kira – ông Oleksander nói ông lo sẽ không bao giờ gặp lại cháu gái của mình vì chuyện đi khắp đất nước bị chiến tranh tàn phá để tìm cô bé là điều hầu như không thể.
Ông cho biết ông đã nói chuyện với bệnh viện nơi Kira đang được điều trị và được biết cuối cùng cô sẽ được gửi đến một trại trẻ mồ côi ở Nga.
Nhưng rồi may mắn hai ông cháu đã có thể đoàn tụ, nhờ sự sắp xếp của các nhà đàm phán Ukraine và Nga, và đó là một hành trình đáng nhớ.
Ông Oleksander Obedinsky đoàn tụ với cháu gái của mình là Kira Obedinsky. Ảnh: CNN
Đưa Kira khỏi lãnh thổ do phe ly khai do Nga hậu thuẫn kiểm soát không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin về hoàn cảnh của cô bé, chính phủ Ukraine nói với ông nội của Kira rằng họ đã đạt được một thỏa thuận cho phép ông đến Donetsk để đón cháu gái của mình - nhưng cũng cảnh báo đó sẽ không phải là một việc dễ dàng.
Không nản lòng, ông Oleksander ngay lập tức bắt tay vào cuộc hành trình kéo dài 4 ngày mệt mỏi, bắt chuyến tàu đến Ba Lan, chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ, chuyến bay thứ hai đến Moscow, tiếp theo là chuyến tàu đến thành phố Rostov, miền nam nước Nga, và cuối cùng là một hành trình bằng ô tô đến Donetsk để đoàn tụ với cháu gái Kira trong nước mắt.
Sau cuộc hội ngộ đầy cảm xúc, hai ông cháu khởi hành về nhà, cũng cùng một tuyến đường kéo dài như lúc ông Oleksander đi, nhưng lần này điểm đến là Kiev.
"Tôi vẫn không thể tin rằng cuối cùng điều đó đã xảy ra. Chúng tôi đã tin, nhưng nhiều người đã nói rằng điều đó là không thể. Đó là một quá trình thực sự khó khăn" – ông Oleksander nói với CNN.
Theo lời ông Oleksander thì ngày ông và Kira đoàn tụ là 23-4, nói, hơn một tháng kể từ khi hai ông cháu gặp nhau lần gần nhất vào ngày 10-3. Ông đau đớn thừa nhận rằng ông sẽ không bao giờ có thể đảm bảo an toàn cho cả mình và cháu gái nếu ông chỉ cố gắng tìm cháu một mình mà không có sự trợ giúp từ chính phủ Ukraine.
"Tất nhiên, tôi sẽ không dám tự mình làm điều đó. Bởi vì chuyến mạo hiểm này có thể kết thúc bằng việc cả tôi và Kira đều không được thả" – ông Oleksander nói với CNN.
Hình ảnh ông Oleksander Obedinsky chụp cùng cháu gái Kira, trước khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh: CNN
Ngày 26-4, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đã đến thăm Kira trong bệnh viện ở Kiev và tặng cho cô bé một chiếc iPad để giải trí khi cô bé hồi phục.
Ông Oleksander cho biết ông đã nói với Tổng thống Zelensky rằng Kira "mệt nhưng rất vui" và cảm ơn tổng thống vì sự trở về an toàn của cháu gái mình.
Gia đình ông Oleksander nói họ cảm phục nỗ lực của Tổng thống Zelensky trong trường hợp này, vốn đã thu hút được sự chú ý trên toàn thế giới.
Theo CNN, khi ở Donetsk, Kira từng được một kênh truyền thông nhà nước của Nga phỏng vấn và kênh này có phát một đoạn video quay cảnh cô bé nói một cách hạnh phúc về việc đôi khi cô được phép gọi điện cho ông nội. Theo một người dẫn chương trình truyền hình Nga, cuộc phỏng vấn đã được dùng làm "bằng chứng" cho việc cô bé không bị bắt cóc.
Tổng thống Zelensky nói Kira chỉ là một trong số rất nhiều trẻ em Ukraine bị trục xuất một cách có chủ ý đến các khu vực do Nga kiểm soát. Trong khi đó, Nga nói việc buộc trục xuất là dối trá, cáo buộc rằng Ukraine đã cản trở nỗ lực "di tản" người dân sang Nga.