Chị Quý Phương ở không gian Xưởng thứ Bảy do chị sáng lập - Ảnh: MAI THƯƠNG
Tôi tin rằng ẩm thực Việt Nam mà đằng sau là nền nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng lớn lao hơn Thái Lan và nhiều quốc gia nông nghiệp mạnh khác. Khi mà chúng ta luôn trong Top 3 và Top 10 các quốc gia xuất khẩu các mặt hàng nông sản thiết yếu của thế giới, khi mà ẩm thực Việt Nam quá đẹp, quá phong phú, giàu có và ngon - lành... chúng ta cần trí tuệ, cần khoa học - công nghệ cao vào cuộc để xây dựng chiến lược sản phẩm cho ngành chế biến thực phẩm dựa trên tinh hoa ẩm thực Việt và những nông sản chất lượng cao kết tinh từ hàng vạn năm văn minh nông nghiệp nước nhà. Nông nghiệp là căn cơ, là gốc của nền kinh tế quốc gia và nông nghiệp phải tạo ra giá trị gia tăng để mỗi ha đất nông nghiệp Việt Nam mang lại giá trị lớn hơn, xứng đáng hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Quý Phương
Gặp tiến sĩ Nguyễn Thị Quý Phương trong không gian xanh đậm chất nghệ thuật của Xưởng thứ bảy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) do chính chị sáng lập.
Giữa căn phòng đầy sách và những kỷ vật quý, người phụ nữ hơn 40 tuổi rạng rỡ nguồn năng lượng tích cực với những câu chuyện về ẩm thực, về văn hóa Việt.
Mong đưa mỹ vị Việt Nam ra thế giới
Đọc những dòng về sự nghiệp của tiến sĩ Nguyễn Thị Quý Phương, nhiều người bất ngờ là bởi hiếm có một người nào ở mỗi giai đoạn cuộc đời lại nắm giữ những công việc khác nhau, mà ở vị thế nào cũng đạt được thành công nhất định.
Và cũng hiếm có ai đang ở đỉnh cao lại quay sang nghiên cứu công thức để trở thành một người bán phở, thành lập Phở CEO - công việc hiện tại của chị Phương lúc này.
Quý Phương trong chuyến đi đến Pháp tháng 4-2022 để giới thiệu sản phẩm sáng tạo của chị - Ảnh: NVCC
Lý giải thắc mắc này, chị nhìn nhận: “Có nhiều người hỏi vì sao mỗi năm tôi lại gắn với một công việc mới, sao tôi lại hay thay đổi thế? Nhưng thực ra tôi có hay thay đổi đâu. Từ trước đến nay tôi vẫn đi một con đường mà tôi luôn nói với các cộng sự, đó là con đường Việt Nam.
Làm sao khi ra nước ngoài mình vẫn ngẩng cao đầu, để mình nói tôi là người Việt Nam, cái áo tôi đang mặc là của người Việt Nam làm, món mà tôi mời các vị là món ăn Việt Nam, câu chuyện tôi đang kể là câu chuyện Việt Nam…”.
Kể về bước ngoặt trở thành tiến sĩ bán phở, chị Phương luôn đau đáu về hành trình mỹ vị Việt Nam ra thị trường quốc tế. Đó là ý niệm ám ảnh nữ CEO từ ngày 17-8-2007, khi “cha đẻ” của ngành marketing hiện đại Philip Kotler tại hội thảo “Marketing mới trong thời kỳ mới” đã gợi ý: “Việt Nam nên là bếp ăn của thế giới”.
Hành trình mỹ vị Việt Nam cũng là khát vọng gia tăng giá trị thặng dư cho nông sản Việt. Phải làm sao để có thể phát huy sự sáng tạo, lấy tiêu chuẩn chất lượng và thẩm mỹ làm đòn bẩy để đưa thực phẩm chế biến Việt Nam cất cánh với giá trị thặng dư cao hơn, biến Việt Nam thực sự trở thành bếp ăn của thế giới là tâm huyết của chị Phương cũng như toàn đội ngũ.
Nhìn lại chặng đường mình đã và đang đi, người phụ nữ này cho biết mình chưa bao giờ thấy mệt mỏi, bởi chị biết con đường ấy sẽ có những người đồng hành với mình.
Đất nước của mình giống như sinh ra để đẹp. Từ vị trí địa lý, khí hậu, con người…đi dọc chiều dài đất nước thấy đâu cũng đẹp. Tôi muốn mọi người đều nhìn thấy và cảm nhận được cái đẹp đấy từ phía Tổ quốc, để khi nhìn và cảm được rồi, họ sẽ sống hiền lương hơn, đồng thời tìm thấy đường đi để định vị giá trị Việt Nam đối với toàn cầu.
Quý Phương chia sẻ
Món phở - một sáng tạo của Quý Phương: Chuyện của phở là chuyện của Hà Nội, của món ăn được sinh ra ở phố, được trau chuốt, hoàn thiện nhờ những cái miệng thích ăn quà và biết ăn quà của người thành thị
Hướng đến hộp phở đi xa
Lật giở từng trang menu của Phở CEO, thực khách hẳn không khỏi tò mò về mỗi mật mã văn hóa được cài cắm hòa quyện bên trong mỗi món ăn.
Phở CEO lấy hạt lúa nảy mầm từ nền văn minh lúa nước hàng vạn năm của người Việt Nam làm hình ảnh nhận diện thương hiệu với thông điệp “Hạt gạo thơm lành cho sự thưởng thức không cần giới hạn, không phải lo lắng” (All rice is alright to eat without moderation).
Thông điệp này nhất quán xuyên suốt 15 món ăn mà phần tinh bột đều bắt đầu từ gạo: phở bò, các món bún (bún cá, bún tôm), các món xôi, các món cháo và bánh bột lọc.
Thực khách thưởng thức hết menu là đi hết một hành trình các miền lúa nước từ Bắc, Trung, Nam đến những nương nếp vùng cao, qua từng mùa cốm đến vụ chiêm, vụ mùa.
Chuyện của bún tôm là chuyện của biển Việt Nam và những mong ước thuận buồm xuôi gió.
“Tôi muốn kể những câu chuyện đó bằng Hương - Sắc - Vị và bằng những lời giản dị trên đề từ của mỗi món ăn trong quyển thực đơn mà tôi mong là mỗi thực khách sẽ dành thời gian đọc khi dừng chân ở nhà hàng” - chị Phương diễn giải khi giới thiệu về từng món ăn tại nhà hàng.
Đi sâu vào mỗi món ăn là một câu chuyện văn hóa đặc quánh trong nguyên liệu và gia vị, để khi nhìn rộng ra, thực khách sẽ thấy một cách rõ ràng về những tiêu chí mà chị Phương áp dụng trên toàn bộ menu của Phở CEO: Nguồn - Hương - Sắc - Vị.
Khác với nồi phở của cô hàng xén nêm nếm theo kinh nghiệm hàng năm trời nấu phở, Phở CEO hướng tới việc phát triển các món ăn Việt được sản xuất công nghiệp với tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ.
Sau hàng trăm mẻ nấu cho 4 món nước chính mà mỗi mẻ đều được ghi lại chính xác từng milligram nguyên liệu, từng phút nấu trên từng mức nhiệt để đảm bảo tính ổn định về chất lượng sao cho bát phở thứ nhất với bát phở thứ 10.000 và sau này là thứ 1 triệu đều đảm bảo hương vị như bát đầu tiên.
Phở thơm nồng nàn với các loại hương liệu trứ danh đã định danh món ăn đặc biệt này
Nguồn - Hương - Sắc - Vị trong từng món ăn tạo nên hành trình vị giác đi qua những miền văn hóa Việt Nam với những gam màu nhiệt đới rực rỡ, tạo thành trải nghiệm duy nhất cho thực khách. Hành trình với một Việt Nam giàu hương sắc, thanh bình, an lành như những món Việt cân bằng dinh dưỡng. Như triết lý sống hòa hợp với Đất - Trời - Thiên Nhiên, tình người thắm thiết, thơm thảo, đôi tay tần tảo nấu ăn bằng cả trái tim để làm thành từng món ăn Việt ngon lành như thế.
Nguyễn Thị Quý Phương
“Trong chế biến, chúng tôi tuyệt đối không dùng các chất tạo màu, chất điều vị, chất tạo ngọt nhân tạo. Gần đây chúng tôi đang được anh Nguyễn Lâm Viên - chủ tịch HĐQT Vinamit - hỗ trợ sấy lạnh tất cả các thành phần của món ăn, từ nước dùng, đến cá, tôm, thịt, sợi bún, sợi phở và hành, rau.
Thật kỳ diệu là nước phở được sấy lạnh thành bột khô vẫn giữ nguyên vẹn hương vị khi được hoàn nguyên. Và bằng cách đó, tôi đang hình dung đến những hộp phở Việt Nam đi khắp năm châu” - chị Phương chia sẻ.
Ăn ngon và lành từ bao lâu nay đã là cách ăn của người Việt. Và chữ lành đó, thật ra là điều quan trọng nhất của việc ăn đối với sự sống mỗi con người. Ăn lành để tạo nên nguồn năng lượng tích cực, ăn lành để sự ăn của mình không bắt nguồn từ điều tiêu cực (săn, bắt, giết mổ vô tội vạ) và không mang đến những hậu quả tiêu cực không chỉ cho chính người ăn, mà còn cho những người xung quang, cho môi trường là đất đai, mùa màng, từng con vật nuôi và từng cây trồng.
Ngon từ bàn tay tảo tần khéo léo; Lành từ nguồn nguyên liệu và Lành từ Tâm. Đó chính là điều mà Phở C.E.O theo đuổi.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Quý Phương - Ảnh: NVCC
Nguyễn Thị Quý Phương từng là phó viện trưởng Viện Nghiên cứu báo chí - truyền thông năm 32 tuổi. Năm 2010, chị bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học thông tin và truyền thông tại Đại học Panthéon-Assas, Pháp.
Từ năm 2016 đến tháng 1-2021, chị là chủ tịch Quỹ hỗ trợ và phát triển tài năng Việt Nam VinTalent của Tập đoàn Vingroup kiêm vị trí giám đốc điều hành Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, giám đốc điều hành Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom VCCA, tổng thư ký Quỹ VinFuture và Giải thưởng quốc tế VinFuture.
'Ngày của phở 12-12' đã bước qua cột mốc 5 năm bằng sự lan tỏa, hưởng ứng của bạn bè, cộng đồng 5 châu khi phở được trang tìm kiếm số 1 thế giới Google đưa biểu tượng phở lên trang chủ ở 20 quốc gia trong ngày 12-12-2021.
Xem thêm: mth.4851847192402202-ohp-uan-oec/nv.ertiout