Việc quan trọng tiếp theo sau khi căn nhà đã xây xong là "trồng cây gì?". Trồng cây gì không cần ra quả (ăn chẳng bao nhiêu mà đến khổ với trẻ con), cây gì dáng cao thanh, đỡ phải tưới mà lá vẫn xanh và hoa đẹp, nếu thơm thì càng tốt.
Ứng viên sáng nhất chính là cây hoa đại.
Cứ xem qua ảnh của các nhà vườn đã thấy muốn trồng cả một vườn: những phiến lá bầu bầu thon dài, xanh như bôi mỡ; những chùm hoa trắng cánh dày nở nang, giữa có tỏa vàng rắc phấn.
Hoa đại thơm nữa chứ, "và cả làm thuốc nữa cơ!" - một người reo lên, cộng điểm cho loài cây gần như hội tụ mọi đức tính.
Thế nhưng cuối cùng cái cây hoàn hảo ấy bị gạt ra ngoài. Lý do không nên trồng cũng mạnh ngang với lý do nên trồng.
Đại, hay sứ, hay champa, là thứ hoa mà người Việt ta quá quen và người Lào lại càng quen hơn nữa vì đó là quốc hoa Lào.
Thế hệ những người sinh những năm 1960, 1970 hẳn đều biết bài hát: "Hoa đẹp champa đã bao đêm ngày, hoa đây người đấy. Hoa vẫn ngạt ngào thơm ngát mùi hương tháng năm còn vương...".
Tìm hiểu vì sao nên trồng và không nên trồng loài hoa này, "tiện" nhất có lẽ là vào chính trang của Hàng không Lào - Lao Airlines - với những chiếc máy bay có vẽ bông hoa đại trắng nhụy vàng lá xanh hiền hậu.
Dân gian Lào có truyện Champa Si Ton, kể về bốn chàng hoàng tử con một ái phi khi mới ra đời đã bị hoàng hậu hãm hại.
Bà hoàng hậu này mãi mới giết được bốn đứa trẻ, nhưng từ bốn ngôi mộ mọc lên bốn cây đại nở hoa thơm ngát. Hoàng hậu cho chặt hết, cột cành vào đá thả xuống đáy sông, nhưng thần Naga giúp chúng nổi lại trên mặt nước.
Có hai thầy trò nhà tu đi ngang, thấy cành cây trôi trên sông lá vẫn tươi và hoa vẫn thơm, bèn ngắt thử thì bên trong có dòng máu chảy ra.
Họ biết là "bất thường", bèn đốt hết thành tro rồi rảy vào một thứ nước thiêng. Từ đống tro ấy bốn chàng hoàng tử hiện lại nguyên hình.
Kết cục tiếp theo không đọc ta cũng đoán ra. Điều cần nói ở đây là phẩm chất của cây đại/champa: bất tử, mãnh liệt.
Về nghĩa đen, ai từng trồng đại đều đã biết, một cành đại trông như chết rồi, để lăn lóc cả tháng, ấy thế cắm xuống đất một thời gian đã thấy nảy lá xanh và nở hoa.
Hình như những hoa nào vừa trắng trong lại vừa có mùi hương đều được gán cho tình yêu/trinh nữ/thánh thiện.
Theo một bài viết trên trang của vườn Thực vật Pha Tad Ke, người Lào nói champa/hoa đại là thứ hoa mọc lên từ tro cốt của hai người yêu nhau. "Dáng vóc thành, cành nhánh thẳng của cây gợi đến đức hạnh và niềm tin của họ.
Mùi thơm dịu ngọt gợi lại nỗi nuối tiếc còn mãi. Màu trắng của những bông hoa không nhị đực nhụy cái thể hiện sự trong trắng của tình yêu".
Tình yêu mà như thế nghe là đã thấy "không vui". Trong tiếng Thái, hoa này gọi là lan thom, đọc hơi giống ranthom có nghĩa là "đau buồn". Vậy là, cứ để dân gian bẻ lái kiểu "cầu dừa đủ xài" như thế, loài hoa vô tội đã trở thành biểu tượng của bất hạnh, của tình yêu bị cấm, tình yêu vô vọng.
Nhưng dân gian như một thứ nước, vào bầu thì tròn, vào ống thì dài, kiểu diễn giải nào cũng vừa vặn và (có vẻ) hợp lý.
Sự mâu thuẫn của dân gian trước cây đại càng tỏ rõ khi đụng đến thế lực nào làm chủ nó. Theo một bài viết trên Laotiantimes, ở miền nam Lào, người ta tin rằng dùng nước ướp hoa đại là đuổi được phi pop - một thứ ma nữ rút ruột. Còn ở bắc Lào, các vị thầy dùng hoa đại đỏ để bảo vệ bộ tộc khỏi quỷ dữ.
Trong khi đó theo dân gian Malay, mùi thơm hoa đại báo hiệu hiện có con ma hút máu pontianak lẩn quất; thậm chí tới năm 2021 vẫn còn trang đăng một mẩu tin rằng một anh lính gác trong đêm thấy lờ mờ một bóng hình đi kèm hương hoa đại nồng nàn, và anh khẳng định đó chính là con ma pontianak! Khi ai đó định trồng một cây đại trong vườn, thể nào cũng có người xua tay bảo không nên vì đó sẽ là nơi ma trú ngụ.
Theo trang Daily Jstor, nhờ hương thơm vừa ngọt vừa "gợi" mà hoa đại được dùng nhiều trong sản xuất xà phòng, nước hoa, tinh dầu…
Ước tính tới năm 2032, thị trường chiết xuất hoa đại sẽ đạt 56 triệu USD.
Tuy nhiên trên fs.usda.gov - trang chính thức của Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ, cây đại được liệt vào hàng cây độc.
Mọi phần của cây đều bị coi là độc, từ nhựa tới các chất alkaloid của cây đều độc (nhẹ), đến hoa cũng không được nhấm thử vì có thể gây co thắt dạ dày.
Cho đến đoạn này của bài, ta vẫn gọi là cây đại, nhưng để đọc về loài cây này trong tài liệu khoa học, bạn cần gõ từ plumeria hoặc frangipani.
Theo trang Pha Tad Ke, tên đầu tiên - plumeria - được đặt theo nhà thực vật học Pháp Charles Plumier, được coi là người đầu tiên mô tả kỹ cây này trong một chuyến khảo sát ở Tân Thế Giới.
(Thực ra trước đó một thế kỷ, vào năm 1522, thầy tu Tây Ban Nha Francisco de Mendoza cũng đã mô tả cây đại, thậm chí còn nói về công dụng của nó với thổ dân.)
Còn cái tên thứ hai - Frangipani - ra đời rất… vô duyên: vào thế kỷ 16 ở Ý có nhà quý tộc Marquis Frangipani, chuyên làm ra loại nước hoa để ướp găng tay cho thơm.
Rồi người ta nhận thấy ôi mùi hương của loài hoa mới này sao mà giống mùi nước hoa của ông Frangipani (nhà mình) thế, và lấy luôn tên ông để đặt cho cây!
Dok champa là hoa mà người Chăm bỏ lại sau khi đã đến Nam Lào sinh sống, trồng khắp nơi nơi rồi bỏ hoa đấy mà đi. Người Lào đến, ngẩn ngơ trước mùi hương của loài hoa vừa đẹp vừa hiền...
Đại có mặt khắp Đông Nam Á, nhưng thật sự từ đâu đến và theo đường nào? Nhiều nguồn khẳng định nó đến từ châu Mỹ, Mexico với Brazil…
Nhưng người Ấn không đồng ý, họ trưng ra một bức tượng Hindu có từ thế kỷ thứ 2 có hiền giả Rishyasringa đứng dưới cây đại trắng Plumeria Acuminata đang nở hoa.
Người Java trưng ra những bức tường của đền Borobudur từ thế kỷ thứ 12 đầy hình những cây này…
Về mặt bằng chứng, khoa học bao giờ cũng mạnh hơn nghệ thuật, các nhà thực vật học bảo có hàng trăm loại frangipani đấy nhưng toàn là lai cả, chính gốc chỉ có bảy, tám loại và đến từ Mexico.
Plumeria obtusa - hoa trắng, lá xanh đầu tròn bóng mượt, hay trồng làm cảnh ở Đông Nam Á chính là từ Mexico, Trung Mỹ. Plumeria acutifolia hoa hồng hoặc trắng, lá hơi vàng vàng có đầu nhọn nhọn thì cũng từ… Trung Mỹ.
Và nếu tính đến độ phổ biến thì phải coi Hawaii (châu Mỹ) là vô địch: năm 2005 đã có hơn 14 triệu bông hoa được bán ra để kết làm vòng hoa.
Xác lập được "điểm xuất phát" rồi, giờ thì người ta tha hồ đưa ra các giả thuyết về lộ trình tỏa khắp thế giới của cây đại. Thuyết thì bảo từ các nhà truyền giáo Tây Ban Nha.
Thuyết lại nói do các di dân đến Úc có mang theo trong hành lý rồi nó lan ra…
Plumier/ Frangipani có mặt nhiều đến nỗi, phổ biến đến nỗi chúng ta chẳng mấy khi nghĩ về nó, coi nó như đương nhiên, thậm chí góc vườn người viết bài này có hai cây to, hoa lặng lẽ rơi mỗi ngày mà chẳng ai nhớ tới để nhặt vào thơm tho…
Xem thêm: mth.93024510132303202-ia-auc-aoh-nauht-uam-auc-aoh-us-aoh-iad-aoh/nv.ertiout