Với nền nhiệt trung bình cao hơn từ 15-16 độ C, cả châu Âu trải qua một mùa đông nóng nhất từng được ghi nhận. Còn ở phía bên kia Đại Tây Dương - Bắc Mỹ lại hứng chịu những quả “bom bão tuyết” kéo dài và trải rộng kéo nhiệt độ xuống tới -79 độ C. Điều đó gióng lên hồi chuông cảnh báo về một tương lai đầy bất ổn của nhân loại.
Vòm nhiệt nóng quét qua nhiều khu vực ở châu Âu trong dịp đầu năm, gióng lên hồi chuông cảnh báo về biến đối khí hậu toàn cầu.
Một ngày giữa tháng 2/2023, biển hiệu “Hollywood” nổi tiếng nơi du khách có thể ngắm nhìn cả thành phố Los Angeles bị bảo phủ bởi tuyết, điều hiếm thấy ở một nơi mệnh danh là thiên đường nghỉ dưỡng nằm ở Bờ Tây nước Mỹ. Trong khi đó ở Washington DC và vùng Đông Nam, nền nhiệt lại tăng đột biến khiến thời tiết nước Mỹ gần như bị đảo lộn.
Sự khác biệt về thời tiết ở hai bờ nước Mỹ trong tháng 2 dẫn đến sự chệch lệch nhiệt độ lên đến 38 độ C giữa những vùng được cho là ấm nhất và những vùng lạnh nhất. Nhiều nhà khoa học đã mô tả hiện tường thời tiết này là “thật lạ lùng, hoang dã và quá điên rồ”.
Thời tiết lạ lùng này không chỉ ở nước Mỹ mà nó xuất hiện trên toàn cầu. Minh chứng rõ ràng nhất là việc châu Âu trải qua một trong những mùa đông nóng nhất lịch sử, nền nhiệt cả lục địa này cao hơn 16-17 độ so với thông thường các năm ngay giữa tháng Giêng.
Theo Washington Post , trong thời khắc chuyển giao giữa năm 2022 và năm 2023, hiện tượng “vòm nhiệt” mạnh bất thường giữa mùa đông đã ập đến phần lớn châu Âu, tạo ra nhiệt độ ấm chưa từng có trong tháng Giêng của cựu lục địa.
Trên diện tích trải dài từ vùng duyên hải nước Pháp đến biên giới phía tây nước Nga, nhiệt độ đã tăng vọt trong ngưỡng 10 đến 20 độ C trên mức trung bình, xô đổ hàng nghìn kỷ lục thời tiết.
Cụ thể, ngay trong ngày đầu năm mới, ít nhất 7 quốc gia đã chứng kiến thời tiết tháng Giêng ấm nhất được ghi nhận khi nhiệt độ tăng lên mức mùa xuân: Latvia ghi nhận 11,10 độ C, Đan Mạch chứng kiến mức nhiệt 12,60 độ C, Litva trải qua nhiệt độ 14,60 độ C, Belarus đạt được 16,40 độ C, Hà Lan chạm ngưỡng 16,90 độ C, Ba Lan lên tới 19 độ C, và Cộng hòa Séc ghi nhận kỷ lục 19,60 độ C.
Những chuyên gia theo dõi thời tiết trên toàn thế giới nhận định đây là đợt nắng nóng lịch sử. Các nước khu vực Đông Âu và Bắc Âu thường chỉ ghi nhận nhiệt độ trung bình trong ngưỡng 0 đến 10 độ C vào thời điểm này trong năm.
Đợt nóng cực đoan kéo theo một năm ấm kỷ lục ở nhiều nơi ở châu Âu đã cung cấp thêm một ví dụ nữa về việc biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết bất thường trên toàn cầu.
Ông Maximiliano Herrera, nhà khí hậu học chuyên theo dõi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên toàn cầu, đã gọi sự kiện này là “hoàn toàn điên rồ” và “bất thường về mọi mặt” trong các tin nhắn gửi tới Capital Weather Gang, blog chuyên về thời tiết của Washington Post .
Nền nhiệt trung bình hàng năm theo mùa ở châu Âu và sự thay đổi nhiệt độ bất thường trong đầu năm 2023. (Ảnh: Cơ quan về Biến đổi khí hậu Copernicus châu Âu)
Theo ông Herrera, có những số liệu nhiệt độ cao được ghi nhận vào ban đêm thậm chí còn không phổ biến vào các thời điểm giữa mùa hè trước đó. Chuyên gia khí hậu này bình luận, đây là: “Sự kiện khắc nghiệt nhất từng xuất hiện trong lịch sử đo đạc khí tượng châu Âu. Chưa từng có sự kiện nào tương tự”.
Ông Herrera cũng nói thêm rằng đây là lần đầu tiên, một đợt nắng nóng ở châu Âu có thể sánh ngang với đợt nắng nóng gay gắt nhất từng được ghi nhận ở Bắc Mỹ.
Ông Guillaume Séchet, nhà khí tượng học người Pháp, đồng tình với ý kiến trên và nói thêm, ngày 1/1/2023 là một trong những ngày đáng kinh ngạc nhất trong tiến trình khí hậu của Châu Âu. Ông Scott Duncan, nhà khí tượng học ở London, bình luận trên Twitter:
“Thật khó để hình dung được cường độ và mức độ của đợt nắng nóng ở châu Âu hiện nay”.
Dù vậy các chuyên gia khí tượng học cũng thống nhất quan điểm còn quá sớm để khẳng định hiện tượng thời tiết trái mùa ở châu Âu là do biển đổi khí hậu. Tuy nhiên giới khoa học vẫn đưa ra cảnh báo rằng các hiện tượng thời tiết như vừa qua có thể trở nên thường xuyên và dữ dội hơn nếu nền nhiệt của Trái Đất tiếp tục tăng.
Trả lời VTC News về vấn đề này, PGS.TS Lê Anh Tuấn, giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ, nhận định việc nền nhiệt tăng cao và một mùa đông “không tuyết” ở châu Âu cũng như Bắc Mỹ có thể chỉ là những hiện tượng thời tiết bất thường ở một vài thời điểm. Nếu xu hướng này kéo dài thì chúng ta mới đủ dữ liệu xem đây là tác động của biến đổi khí hậu.
“Nếu nói về biến đổi khí hậu, cần nhìn vào số liệu trong nhiều năm chứ không thể chỉ từ một trường hợp cụ thể. Ví dụ năm nay ở châu Âu có mùa đông nóng hơn, lượng tuyết giảm. Nhưng ở một số nơi ở Mỹ tuyết lại rơi dày hơn. Đó chỉ là thời tiết bất thường tại một thời điểm. Đôi khi sự bất thường về thời tiết có thể xảy ra từ nơi này sang nơi khác trên toàn cầu là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên nếu hiện tượng đó lặp đi lặp lại nhiều năm thì có thể nói đó là tác động của biến đổi khí hậu” , PGS.TS Lê Anh Tuấn phân tích.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, các tác động này có thể đi từ tăng nhiệt, nắng nóng đến lũ lụt, bão. Đặc biệt khi hiện tượng La Nina ở khu vực Thái Bình Dương chuyển qua trạng thái El Nino ở Đại Tây Dương, khiến một số vùng ẩm ướt hơn và một số vùng khô hạn hơn, đi kèm với việc thiên tai cũng diễn ra nghiêm trọng hơn, các vùng lũ gặp lũ nhiều hơn còn các vùng hạn gặp hạn nặng hơn.
Mức độ băng ở Biển Nam Cực và Bắc Cực trung bình các tháng 9 và tháng 2, 1979-2021. (Ảnh: EPA)
Không chỉ châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á cũng đang trải qua nền nhiệt cao bất thường vào tháng 2.
Cảnh tượng những ngọn núi không có tuyết vào mùa đông có thể dễ dàng giúp mọi người cảm nhận trực quan nhất về thực tế nghiệt ngã hành tinh của chúng ta đang nóng lên theo từng ngày.
Ở một khía cạnh khác, sự nóng lên toàn cầu ngày càng làm xáo trộn hai cực của hành tinh. Nhiệt độ ở Nam Cực đã thiết lập một kỷ lục vào đầu tháng 2/2023 với nền nhiệt cao hơn mức bình thường 40 độ C. Cùng lúc đó, các trạm thời tiết gần cực Bắc cũng nhận thấy dấu hiệu băng tan chảy, với một số nơi có nhiệt độ cao hơn bình thường đến 30 độ C, theo Guardian.
Vào thời điểm này trong năm, Nam Cực thường nhanh chóng lạnh đi sau mùa hè, và Bắc Cực chỉ từ từ tăng nhiệt khi thời gian ban ngày dài ra sau mùa đông. Đối với cả hai cực, hiện tượng tăng nhiệt cùng lúc như vậy là chưa từng có.
Được đánh giá là mối nguy hiểm cao gấp đôi, sóng nhiệt ở các cực là một tín hiệu rõ ràng cho thấy những thiệt hại mà nhân loại đang phải gánh chịu đối với khí hậu. Tình trạng băng tan chảy cũng có thể gây ra những thay đổi tiếp theo đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu.
Hiện nay một số nhà khoa học đưa ra giả thuyết cho rằng Trái Đất đang trải qua sự kiện đại tuyệt chủng lần thứ sáu gắn liền với biển đổi khí hậu - hệ quả quá trình phát triển của nền văn minh nhân loại.
Trái Đất đã phải chịu đựng năm sự kiện đại tuyệt chủng trong suốt lịch sử 4,5 tỷ năm. Đầu tiên là sự kiện tuyệt chủng Ordovic-Silur vào khoảng 444 triệu năm trước. Nổi tiếng nhất là cách đây 66 triệu năm khi một tiểu hành tinh quét sạch loài khủng long. Giờ đây, các nhà khoa học lo sợ cuộc tuyệt chủng lần thứ sáu có thể xảy ra do biến đổi khí hậu.
Giả thuyết mới cho rằng trong suốt lịch sử loài người, con người đã gây ra sự tuyệt chủng trên quy mô lớn của các loài. Khi trở nên văn minh hơn, con người cũng bắt đầu thay đổi môi trường để phù hợp với nhu cầu của mình. Chúng ta thay đổi đất để canh tác nông nghiệp; phát minh các công cụ tiên tiến để săn bắn hiệu quả hơn trên cạn và dưới nước; xây dựng các thành phố và khai thác tài nguyên từ Trái Đất theo những cách chưa từng được thực hiện trước đây.
Những thay đổi và tương tác với môi trường này đã dẫn đến sự biến mất của các môi trường sống, khai thác quá mức động vật và gây ra sự mất mát không thể đảo ngược của các sinh vật trên Trái Đất.
Điều đặc biệt đáng báo động là tốc độ tuyệt chủng kể từ khi con người bắt đầu xuất hiện. Đáng chú ý nhất là kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp vào những năm 1870, những tiến bộ của con người đã đẩy tốc độ tuyệt chủng của các loài lên mức chưa từng thấy trước đây.
Hiện nay khoảng 41% các loài lưỡng cư và hơn một phần tư các loài động vật có vú đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Ước tính có khoảng 8,7 triệu loài động thực vật trên hành tinh của chúng ta, với khoảng 86% loài trên cạn và 91% loài ở biển vẫn chưa được khám phá. Trong số những loài chúng ta biết, 1.204 loài động vật có vú, 1.469 loài chim, 1.215 loài bò sát, 2.100 loài lưỡng cư và 2.386 loài cá đang bị đe dọa.
Chưa hết, cùng bị đe dọa là 1.414 côn trùng, 2.187 loài nhuyễn thể, 732 loài giáp xác, 237 loài san hô, 12.505 loài thực vật, 33 loài nấm và 6 loài tảo nâu. Hơn 25.000 loài trong số 91.523 loài được đánh giá trong bản cập nhật 'Sách Đỏ' năm 2017 đã được xếp vào loại 'bị đe dọa'. Số lượng động vật không xương sống có nguy cơ tuyệt chủng cũng đã lên đến đỉnh điểm.
Các nhà khoa học dự đoán các loài côn trùng có thể tuyệt chủng trong vòng 100 năm do kết quả của sự suy giảm số lượng ở mức tê liệt.
Có một thực tế rằng tất cả các môi trường sống trên Trái Đất đều được kết nối với nhau và mối liên hệ mong manh của chúng đã phát triển qua hàng tỷ năm để duy trì sự sống. Tuy nhiên, những thay đổi mạnh mẽ mà chúng ta đã thực hiện đối với môi trường đang khiến những mối liên hệ này bị lung lay. Khi những mối liên hệ này sáng tỏ, chúng ta có thể sẽ thấy nhiều loài bị tuyệt chủng hơn, đặc biệt là khi khí hậu tiếp tục thay đổi.
Không có một khu vực nào trên Trái Đất được bảo vệ khỏi tác động của biến đổi khí hậu, từ vùng cực đến vùng nhiệt đới, gần như mọi hệ sinh thái và loài đều gặp nguy hiểm.
Tuy nhiên, dựa vào những dự đoán cho một loạt các kịch bản nếu biến đổi khí hậu không được kiểm soát thì tin tốt là biến đổi khí hậu không có khả năng gây ra sự tuyệt chủng của con người.
"Không có bằng chứng về các kịch bản biến đổi khí hậu có thể khiến loài người tuyệt chủng" , Michael Mann, giáo sư về khoa học khí quyển tại Đại học bang Pennsylvania và là tác giả của cuốn sách "Cuộc chiến khí hậu mới: Cuộc chiến để lấy lại hành tinh" , nhận định.
Nghiên cứu này cho thấy biến đổi khí hậu có thể sẽ vẫn đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người, chẳng hạn như dẫn đến tình trạng khan hiếm thực phẩm và nước, có khả năng gây ra sự sụp đổ xã hội và tạo tiền đề cho xung đột toàn cầu.
Thực tế, mối lo Trái Đất đang nóng lên theo từng ngày, lũ lụt, hạn hán… với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã thể hiện rõ trên khắp thế giới, cần sự chung tay và nỗ lực của tất cả các quốc gia vì một “hành tinh xanh” và kéo giảm những tác động xấu nhiều nhất có thể.
Báo cáo của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu trước Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) cho biết, khí hậu Trái Đất sẽ khắc nghiệt hơn gấp 4 lần vào năm 2100 kể cả khi nhiệt độ bề mặt hành tinh chỉ tăng thêm 1,5°C.
Nếu nhiệt độ trái đất tăng lên 2°C, số trận bão, lũ, hạn hán và sóng nhiệt sẽ tăng gấp 5 lần. Hiện nay, ít nhất 3,3 tỷ người đang sống trong vùng nguy hiểm do tác động của biến đổi khí hậu và có nguy cơ tử vong vì thời tiết cực đoan cao hơn 15 lần.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng khoảng 14% số loài sinh vật trên cạn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng “rất cao” nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5°C. Con số này có thể tăng lên 18% và 29% nếu nhiệt độ tăng lần lượt là 2°C và 3°C. Nếu nhiệt độ ấm lên khoảng 0,9°C, 35% diện tích đất trên trái đất sẽ bị các đám cháy rừng tàn phá.
Còn Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhận định biến đổi khí hậu có thể tác động đến cuộc sống của con người – từ tỷ lệ tử vong đến sinh kế và sử dụng năng lượng. Và khi lượng khí thải carbon ở mức cao, tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe có thể gây tử vong gấp đôi so với ung thư ở một số nơi trên thế giới.
Nghiên cứu của UNDP dẫn chứng Dhaka, Bangladesh, nơi theo kịch bản phát thải rất cao vào năm 2100, số người chết do biến đổi khí hậu có thể tăng gần gấp đôi tỷ lệ tử vong hàng năm hiện tại của nước này do tất cả các bệnh ung thư và gấp 10 lần số ca tử vong do giao thông đường bộ hàng năm…
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra nhanh chóng với nhiều hậu quả nghiêm trọng thì việc các nước tham gia COP27 nhất trí đưa ra một lộ trình chung về đưa phát thải ròng về "0" được xem là một tính hiệu tích cực.
Phát thải ròng bằng “0” là khi lượng phát thải CO2 do con người gây ra được cân bằng trên toàn cầu bằng cách loại bỏ CO2 trong một khoảng thời gian nhất định. Nói một cách đơn giản, ở cấp độ toàn cầu, cần cân bằng giữa lượng khí nhà kính (KNK) con người đưa vào bầu khí quyển với lượng KNK thải ra khỏi bầu khí quyển. Có nghĩa là không đưa thêm KNK vào bầu khí quyển.
Điều khoản đáng chú ý nhất trong thỏa thuận chung tại COP27 là việc các nước nhất trí thành lập quỹ "Tổn thất và Thiệt hại" để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Đây là thắng lợi lớn nhất của các nước đang phát triển, trong nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Việc đồng ý thành lập quỹ được ca ngợi như một "khoảnh khắc lịch sử" kể từ Thỏa thuận Paris giới hạn mức tăng nhiệt độ trái đất đạt được tại Hội nghị COP21 năm 2015.
Dù hội nghị COP27 được xem là thành công nhưng vẫn có một số ý kiến hoài nghi về những mục tiêu của hội nghị chỉ mới dừng lại ở việc hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C so với trước thời kỳ tiền công nghiệp. Trong khi đó những hậu quả không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu vẫn không thay đổi.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn việc thực hiện các mục tiêu như trong cam kết tại các kỳ hội nghị COP chỉ có thể thành công khi có sự chung tay của các nước. Tuy nhiên thế giới biến động không ngừng và sẽ có những yếu tố làm chậm cũng như giảm hiệu quả của quá trình này.
Biến đổi khí hậu đang tác động đến nước Mỹ mạnh mẽ.
"Các quốc gia phải đồng lòng thì hiện tượng nóng lên toàn cầu mới không đi đến mức độ gây ra hậu quả không khắc phục được. Tuy nhiên điều đó rất khó vì các quốc gia phải cùng làm, trong khi có ảnh hưởng của các yếu tố nằm ngoài dự tính như chiến tranh, dịch bệnh..." , PGS.TS Lê Anh Tuấn phân tích.
Cũng theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, ví dụ điển hình nhất chính là xung đột Nga – Ukraine, cuộc khủng hoảng này đã làm thay đổi xu hướng sử dụng năng lượng ở châu Âu, khi bị cắt giảm năng lượng khiến họ phải chuyển sang một dạng năng lượng khác như năng lượng hạt nhân, đá phiến; hoặc khi các cuộc chiến mở rộng, sự tàn phá nhiều hơn, việc sử dụng vũ khí gia tăng gây sự tiêu thụ năng lượng nhiều hơn, phát thải khí nhà kính nhiều hơn.
Theo Tiến sĩ Suchismita Pattanaik, Đại sứ Khí hậu, Trung tâm Nghiên cứu Hiến pháp Liên hợp quốc (CUNCR), Brussels, Bỉ, mục tiêu của các kỳ COP, như COP27, vẫn còn nhiều khoảng trống và chưa đủ để giải quyết vấn đề triệt để.
Cộng đồng toàn cầu đang không đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về giảm phát thải khí nhà kính và nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Một số chuyên gia tin rằng các nhà lãnh đạo toàn cầu đã để quá muộn để đạt được mức tăng 1,5˚C, bất kể điều gì được quyết định tại COP 27”.
Một số nhà khoa học thậm chí đã dự báo những hiện tượng bất thường như “mùa đông không lạnh” ở châu Âu, và các hiện tượng cực đoan khác, sẽ trở thành “bình thường mới” vào 2050.