Cụ thể, Norges Bank, Hanoi Investments Holdings Limited và CTBC Vietnam Equity Fund đã lần lượt mua 2 triệu cổ phiếu, 1 triệu cổ phiếu và 600.000 cổ phiếu; còn KB Viet Nam Focus Balanced và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust [Equity] cùng mua 200.000 cổ phiếu.
Sau giao dịch, nhóm Dragon Capital đã nâng sở hữu tại ACB từ 268,34 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,945% lên 272,34 triệu đơn vị, tỷ lệ hơn 8,06%.
Thống kê phiên giao dịch ngày 20/2, đã có 4,45 triệu cổ phiếu ACB giao dịch thỏa thuận thành công, với tổng giá trị đạt gần 118 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân khoảng 26.500 đồng/CP. Nếu tạm tính theo mức giá này, nhóm quỹ ngoại này đã phải chi khoảng 106 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu ACB như trên.
Ở chiều ngược lại, bà Đặng Thị Thu Vân, em bà Đặng Thu Thủy, Thành viên HĐQT Ngân hàng đăng ký bán 250.000 cổ phiếu ACB theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ ngày 27/2 đến ngày 28/3. Sau giao dịch, bà Thu Vân sẽ giảm sở hữu tại ACB xuống còn 631.529 cổ phiếu, tỷ lệ 0,0187%.
Về phía Ngân hàng, ngày 13/3 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2023. Đại hội dự kiến được tổ chức vào ngày 13/4, tại Khách sạn Sheraton Sài Gòn, 88 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
Kết thúc năm 2022, Ngân hàng ACB ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 17.021 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2021 và vượt 13,47% kế hoạch (15.000 tỷ đồng); tín dụng đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 14,3% và huy động đạt 414.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021.
Năm 2023, Ngân hàng dự kiến kế hoạch lợi nhuận trước thuế trên 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng là 14-15%.
Còn về kế hoạch trả cổ tức 2022, ACB đang có kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ tương tự 2021 là 25% nhưng phương thức bằng tiền và bằng cổ phiếu chưa được xác định và phải chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, tại ACB, kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 đã được ĐHCĐ thông qua cũng có phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023 nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận) bên cạnh 15% bằng cổ phiếu.