Đó là chia sẻ của nhiều chuyên gia tại hội nghị “Chuyển đổi số - Nâng cao vai trò của VARS trong việc phát triển thị trường bất động sản Việt Nam minh bạch, ổn định và bền vững” do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) tổ chức cuối tuần qua.
Nghề môi giới bất động sản có những tiêu chuẩn và đặc thù riêng. Tuy nhiên, trong suốt thời gian bất động sản bùng nổ vừa qua, bên cạnh sự đóng góp tích cực cho thị trường, việc thiếu chuyên môn, thiếu giám sát khiến giáo viên, công chức, luật sư… cũng hào hứng làm nghề môi giới bất động sản và thị trường đã phần nào bị méo mó.
Thống kê của VARS cho thấy, trong khoảng 200.000 người hoạt động môi giới bất động sản chỉ có khoảng 40.000 người cấp chứng chỉ môi giới, được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ bài bản.
PGS. TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, VARS là một trong những tổ chức xã hội nghề nghiệp hiếm hoi có nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực, đóng góp vào sự minh bạch thông tin của thị trường bất động sản.
“So với thập kỷ trước, người làm nghề môi giới đã cải thiện và chuyên nghiệp hơn rất nhiều, sự thay đổi này một phần không nhỏ là nhờ đóng góp của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam trong 8 năm qua”, PGS. TS Trần Đình Thiên nhìn nhận.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, dù Hội đã nỗ lực nhưng kết quả vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Bởi tỷ trọng Hội viên của VARS so với cộng đồng sàn giao dịch, nhà môi giới bất động sản tại Việt Nam còn thấp, nghề môi giới bất động sản Việt Nam vẫn còn những mảng tối.
Vì vậy, việc nâng cao hơn nữa số lượng và chất lượng của nghề môi giới nói chung và Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nói riêng rất quan trọng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, hoạt động của các sàn giao dịch, nhà môi giới bất động sản hiện nay vẫn còn một số bất cập, chưa thực sự được quản lý tốt. Cùng với đó, thị trường hiện nay vẫn tồn tại một lượng lớn môi giới bất động sản “tay ngang”, hoạt động kém chuyên nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, để góp phần giải quyết được thực trạng này thì bằng mọi giá, VARS phải định nghĩa được thế nào là môi giới bất động sản? Môi giới bất động sản phải đáp ứng được các tiêu chuẩn gì, được đào tạo chuyên nghiệp như thế nào? Muốn thế, VARS cần nâng cao vai trò của mình trong việc tham mưu, phản biện chính sách, giúp cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý, giám sát thị trường bất động sản.
Trên thực tế, trong Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vừa qua, cơ quan soạn thảo đã đề nghị bổ sung vào các quy định cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về bất động sản và môi giới bất động sản không chỉ giúp Nhà nước trong việc quản lý, giám sát thị trường mà còn phù hợp với chuẩn mực pháp luật của nhiều quốc gia.
Điều này cũng phù hợp thông lệ quốc tế khi nhiều nước đã quy định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các điều luật. Thậm chí ở một số nước, hiệp hội ngành nghề còn là đơn vị cấp chứng chỉ môi giới bất động sản như: tại Anh, thẻ hành nghề môi giới bất động sản được cấp bởi Hiệp hội Bất động sản (National Association of Estate Agents - NAEA); tại Australia là do các tổ chức đào tạo của Hiệp hội ANTA cấp…
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết, hiện nay, Luật Kinh doanh bất động sản có 1 chương, mục liên quan đến hoạt động môi giới bất động sản nhưng lại chưa có quy định về tổ chức nào là đầu mối để hỗ trợ Nhà nước kiểm soát các đối tượng này.
Theo ông Đính, các hội nghề nghiệp nên là nơi có tiếng nói cao nhất về chuyên môn, ban hành quy tắc đạo đức, ứng xử hành nghề; chuẩn hóa tiêu chuẩn, kỹ năng nghiệp vụ hành nghề, chứng nhận năng lực nghề nghiệp, tổ chức hệ thống đào tạo đạt chuẩn và xây dựng hệ thống định danh, mã hóa để quản lý, hỗ trợ hành nghề.
Như vậy, tất cả người hành nghề tư vấn môi giới cho khách hàng phải hoàn thành đúng, đủ các quy định trước khi hoạt động; trong đó bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề môi giới. Chứng chỉ này sẽ được mã hóa, số hóa dưới hình thức thẻ hành nghề, hình thành hệ thống thông tin dữ liệu để cơ quan nhà nước quản lý.
Người có thẻ sẽ là người giao dịch cuối cùng, xác nhận thông tin cần thiết tư vấn cho khách hàng; mã thẻ sử dụng khi ký hợp đồng sẽ là căn cứ để đánh giá trách nhiệm liên đới khi giao dịch xảy ra vấn đề. Như vậy, người hành nghề bắt buộc hoạt động nghiêm túc, có uy tín.
Ông Phạm Lâm, CEO DKRA Group cũng nhìn nhận, với áp dụng hệ sinh thái ứng dụng VARs Connect, VARS sẽ kết nối hàng nghìn sàn giao dịch bất động sản trên cả nước, là đơn vị bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ khó khăn cho các môi giới, sàn giao dịch trong quá trình hoạt động.
Đồng thời, từng bước nâng tầm giá trị, định hướng hoạt động của lực lượng môi giới bất động sản theo hướng chuyên nghiệp hơn, xóa bỏ định kiến về “cò đất”, để những tiêu cực trong nghề môi giới sớm chấm dứt, để mỗi Nhà môi giới bất động sản đều có thể tự hào với nghề nghiệp và đóng góp của mình vào sự phát triển của thị trường bất động sản.