Gập ghềnh con đường phục hồi tăng trưởng của Việt Nam
Trong tuần qua, Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu kinh tế - xã hội quý I, trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2021.
Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%; công nghiệp và xây dựng giảm 0,4% và dịch vụ tăng 6,79%... Sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm trong Quý 1, chủ yếu rơi vào nhóm phục vụ cho xuất khẩu.
Trong khi đó, dự báo tác động tiêu cực của kinh tế thế giới còn kéo dài, vì vậy tiêu dùng nội địa, du lịch và đầu tư công được xác định là 2 trụ cột nâng đỡ tăng trưởng năm nay.
Con đường phục hồi và tăng trưởng sau dịch bệnh không hề bằng phẳng. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Tính chung quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với quý I/2019 - năm trước khi xảy ra dịch COVID-19, con số này tăng 26,7%.
Kết quả này phản ánh hiệu quả của chính sách kích cầu nội địa trong thời gian qua, đặc biệt là sự ổn định của mặt bằng giá cả.
Nhờ các giải pháp chủ động điều hành giá được thực hiện đồng bộ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước.
"Cứ 3 năm 1 lần, từ năm 2014, 2017, 2020 và 2023, CPI trong quý I thường cao hơn cuối năm", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết.
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thậm chí đã dùng từ "gập ghềnh" để miêu tả về biểu đồ tăng trưởng GDP theo quý của Việt Nam kể từ năm 2020, từ khi có dịch bệnh. Rõ ràng con đường phục hồi và tăng trưởng sau dịch bệnh không hề bằng phẳng.
Biểu đồ trên cho thấy nguyên nhân lớn nhất là do áp lực từ bối cảnh kinh tế toàn cầu đều đang suy giảm. Nếu nhìn vào biểu đồ thì có thể thấy dự báo kinh tế toàn cầu năm nay của các tổ chức quốc tế là màu vàng, đều thấp hơn năm 2022, là màu đỏ.
Đáng chú ý, kinh tế EU từ mức tăng trưởng 3% năm ngoái, năm nay gần như đứng im không tăng trưởng, hoặc dự báo lạc quan nhất cũng chỉ là 0,8%. Còn Mỹ từ mức 2% năm 2022, năm nay chỉ dao động từ 0,4 - 1,5%, đều đang sụt giảm đáng kể.
Rõ ràng sự phục hồi chậm, suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã tác động mạnh đến sản xuất và tăng trưởng của các ngành sản xuất trong nước.
Doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực khai thác thị trường mới
Tính chung 3 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154 tỷ USD, giảm hơn 13%. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các địa phương, cùng với với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam vẫn xuất siêu hơn 4 tỷ USD.
Công ty CP Tập đoàn Gia Định từ một doanh nghiệp chỉ chuyên làm giày da, ngay khi thị trường chính bị sụt giảm, công ty đã chuyển hướng sang làm giày thời trang, giày thể thao và tìm kiếm đơn hàng tại thị trường ngách. Chính vì vậy công suất nhà máy đã được cải thiện, từ 40% lên 60% và sang tháng sau có thể lên 70% khi nhiều đơn hàng đã được ký kết.
"Chúng tôi đang tiến tới xây dựng thương hiệu mới, thương hiệu Việt Nam hoàn toàn nhưng thời gian đầu sẽ kết hợp với thương hiệu của đối tác để họ đặt hàng. Sau khi dùng thử, họ thấy tốt, uy tín, chúng tôi sẽ gắn thương hiệu Việt Nam. Chúng tôi đã bàn và đối tác chấp nhận", ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định, cho biết.
Còn Công ty CP Thương mại Dịch vụ và Sản Xuất Lâm Hiệp Hưng đã tìm thêm được thị trường Nam Mỹ để xuất khẩu, thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá, hội chợ…
"Vừa rồi có những hội chợ, doanh nghiệp xúc tiến qua Văn phòng Chính phủ, mình có tiếp xúc được với họ. Họ nghĩ mình nhiều tiềm năng. Đánh vào thị trường đó thì mình chạy cả năm và đẩy doanh số", ông Nguyễn Thanh Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Dịch vụ và Sản Xuất Lâm Hiệp Hưng, cho hay.
Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn này gần như các doanh nghiệp tập trung cho phát triển thị trường: đi ra nước ngoài, đi tiếp thị, từng bộ phần đi xuống từng khách hàng để tìm hiểu khách hàng, xem họ có khó khăn gì để cùng tháo gỡ.
Tổng Cục Thống kê đánh giá, với nỗ lực của doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3 đã tăng 13,5% so với tháng trước, tức là đã có cải thiện. Điểm sáng là khu vực xuất nhập khẩu có tăng trưởng vượt bậc trong 2 năm 2021 - 2022, đủ để bù đắp cho các bước chậm lại của xuất khẩu năm nay, tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý giải pháp trọng tâm, bên cạnh đó là đa dạng hoá thị trường, ngành hàng để giảm bớt phụ thuộc.
Du lịch lạc quan đạt và vượt mục tiêu đặt ra năm 2023
Trong bức tranh kinh tế chung, khu vực nông nghiệp vẫn đảm bảo vai trò trụ đỡ với mức tăng trưởng 2,52%, trong khi khu vực dịch vụ vượt trội với mức tăng 6,79%.
Quý I năm nay, nổi bật nhất là lượng khách quốc tế tới Việt Nam, đạt 2,7 triệu lượt, gấp gần 30 lần cùng kỳ và đã tương đương 1/3 mục tiêu cả năm nay.
Sau chuyến bay đầu tiên chở hơn 100 khách Trung Quốc từ Bắc Kinh đến Hà Nội, hãng hàng không Vietnam Airlines tiếp tục mở lại và tăng tần suất mỗi đường bay từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi Quảng Châu, Thượng Hải lên 4 chuyến/tuần; đồng thời nối lại 3 đường bay từ Đà Nẵng đến thị trường tỷ dân.
"Chúng tôi sẽ mở lại các đường bay từ Đà Nẵng đi tới Thành Đô, từ Đà Nẵng tới Thượng Hải và Quảng Châu cũng như mở lại đường bay từ Hà Nội tới Thành Đô", ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển Vietnam Airlines, thông tin.
Việc thị trường này chính thức mở tour cho khách đoàn sang Việt Nam từ 15/3 sẽ góp phần không nhỏ giúp đạt và vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Việc thu hút khách quốc tế là vô cùng quan trọng cho sự phục hồi của ngành du lịch. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
"Chúng ta rất lạc quan khi Trung Quốc - thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam đã phục hồi. Nhịp điệu phục hồi này sẽ đóng góp rất lớn vào kế hoạch đón khách quốc tế của Việt Nam trong năm 2023", ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam, nhận định.
"Quý I năm ngoái đón khoảng 100.000 khách du lịch quốc tế, nhưng năm nay lên đến gần 2,7 triệu khách, thúc đẩy tiêu dùng cũng như xuất khẩu dịch vụ tại chỗ. Đây cũng chính là một trong những động lực giúp nền kinh tế của chúng ta vẫn duy trì được một mức tăng trưởng phù hợp", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê, nói.
Các chuyên gia đánh giá, việc thu hút khách quốc tế là vô cùng quan trọng cho sự phục hồi của ngành du lịch. Bởi mức chi tiêu mà họ mang lại chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của ngành. Năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, bằng 21% số lượt khách nội địa, nhưng doanh thu chiếm gần 2/3 doanh thu ngành du lịch.
Bên cạnh đó, đầu tư công cũng được được đẩy mạnh ngay từ đầu năm. Vốn đầu tư công thực hiện quý I ước đạt trên 91,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% cùng kỳ năm trước. Đây cũng là thời điểm vai trò của dòng vốn từ khu vực Nhà nước thể hiện rõ.
Đặc biệt, sự quyết liệt trong giải ngân đầu tư công từ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tới các bộ ngành và địa phương, là minh chứng rõ nét nhất cho triển vọng lan tỏa dòng vốn mồi này tới toàn nền kinh tế, dù cho kế hoạch giải ngân năm nay còn cao hơn cả năm 2022.
Rõ ràng, với con số tăng trưởng 3,32% của quý I, mục tiêu 6,5% cả năm nay càng thêm thách thức. Tuy nhiên, điểm cộng lớn nhất của Việt Nam được đánh giá là sự ổn định kinh tế vĩ mô, với lạm phát tiếp tục trên xu hướng giảm và vẫn trong mục tiêu 4,5% cho năm nay. Mặt bằng lãi suất vẫn đang tiếp tục hạ nhiệt để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, xu hướng tăng trưởng mạnh hơn trong các quý tiếp theo đã bắt đầu được nhen nhóm.
VTV.vn - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 chỉ cao hơn quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.36394721110403202-cuht-hcaht-ueihn-noc-gnoud-gnahc-pdg-gnourt-gnat-av-ioh-cuhp/et-hnik/nv.vtv